Thay đổi áp suất không khí và nhiệt độ thấp khiến nhiều hành khách buồn ngủ, nhưng với người khó chợp mắt, họ bị phân tâm bởi tiếng ồn.
Trên chuyến bay, một số hành khách không thể chợp mắt, một số khác lại ngủ suốt hành trình. Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Khi máy bay cách mực nước biển từ 1.800 đến 2.400 m, áp suất không khí trong cabin tác động mạnh đến con người. Nếu không kịp thích nghi, hành khách sẽ cảm thấy chậm chạp hơn và dần thiếp đi, khi cơ thể tìm cách đốt cháy ít năng lượng hơn vì thiếu oxy.
Ngoài ra, ngay từ khi cất cánh, cabin trở thành một môi trường lý tưởng để chợp mắt. Lúc này, toàn bộ đèn trong khoang tắt hẳn hoặc chỉ bật lờ mờ, nhiệt độ thấp, động cơ ù ù tạo ra tiếng ồn trắng và độ rung đều đều dễ ru ngủ hành khách. Dù ghế dựng thẳng, hành khách thường ngả sâu về phía sau khi máy bay cất cánh. Cơ thể sẽ có cảm giác như đang nằm trên giường và cơn buồn ngủ tự nhiên kéo đến.
Không gian chật hẹp khiến nhiều người khó ngủ trên máy bay. Ảnh: Daily Beast. |
Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng dễ ngủ trên máy bay. Một số hành khách quá lo lắng về hành trình, một số khác lại không quen ngủ chốn đông người, cabin ồn ào với tiếng động cơ, loa phát, cho đến tiếng trò chuyện, tiếp viên thông báo hay nhắc nhở. Với khoang phổ thông, không gian chật hẹp và ghế ngồi dù ngả lưng vẫn không thực sự thoải mái khiến hành khách khó lòng thư giãn, theo Reader’s Digest.
Dù ngủ trên máy bay hay không, hành khách nên thuận theo nhu cầu của cơ thể. Không nên cưỡng lại cơn buồn ngủ khi mệt mỏi, hoặc uống thuốc ngủ, rượu bia… để cố chợp mắt.
Sara Nowakowski, nhà tâm lý học lâm sàng Mỹ, nói trên Vice: “Bạn không thể buộc mình ngủ. Mục tiêu của bạn nên đơn giản là thư giãn và tận hưởng chuyến bay nhiều nhất có thể. Dù ngủ hay không, điều đó đều ổn”.
Hành khách có thể ngủ khi máy bay ổn định độ cao. Ảnh: Fodors Travel Guide. |
Giới chuyên môn không khuyến khích hành khách ngủ vào hai thời điểm quan trọng nhất là cất và hạ cánh. Angela Chalmers, dược sĩ Anh, lý giải trên Express: “Thay đổi đột ngột về độ cao sẽ tác động đến áp suất không khí trong tai, gây ra tình trạng ù tai”.
Nếu ngủ khi máy bay hạ hoặc cất cánh, hành khách sẽ không thể chủ động cân bằng áp suất không khí trong tai và có thể bị chóng mặt, nhiễm trùng tai, tổn thương màng nhĩ, tệ nhất là chảy máu cam hoặc giảm thính lực. Những mẹo phổ biến để khắc phục tình trạng ù tai là ngáp, uống nước, ăn kẹo cứng, kẹo cao su hay xì mũi, bịt mũi thở mạnh để không khí đẩy căng màng nhĩ…
Nguồn: vnexpress.net