Tại sao quá trình boarding lại mất nhiều thời gian đến vậy?

Việc boarding (lên máy bay và ổn định chỗ ngồi) thường mất rất nhiều thời gian, phiền nhiễu và mệt mỏi. Xếp hàng, chờ đợi, di chuyển qua lối đi chật hẹp, tìm chỗ để hành lý xách tay, … hiển nhiên không thoải mái chút nào. Vậy tại sao boarding lại mất thời gian như vậy và các hãng hàng không đã tìm ra giải pháp gì?

Theo Boeing, thời gian để hoàn tất thủ tục boarding cho 170 hành khách chỉ khoảng 15 phút trên máy bay thương mại vào những năm 70 của thế kỷ trước nhưng hiện tại, thời gian này lên đến từ 30 – 40 phút. Hành khách thì luôn nôn nóng tìm được chỗ ngồi, ổn định và cất cánh trong khi hãng hàng không thì còn phải chịu áp lực đối với khoảng thời gian chờ này bởi máy bay đậu càng lâu tỉ lệ thuận với chi phí mà hãng hàng không phải trả, mỗi phút có thể mất đến 1000 USD tại những sân bay đông đúc.

Tại sao boarding lại mất thời gian đến vậy?

Hầu hết các hãng hàng không áp dụng thủ tục boarding từ sau ra trước, tức là những ai ngồi ở hàng ghế sau cùng được lên máy bay trước cũng như cho hành khách ngồi ghế sát cửa sổ lên trước. Thế nhưng trên thực tế phương pháp này không phát huy tối đa tác dụng bởi hành khách có thể là một gia đình với trẻ nhỏ và họ cần được lên máy bay cùng nhau. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phương pháp boarding từ sau ra trước và chia theo nhóm ghế (zone boarding) không hiệu quả.

Đang tải Zone_boarding.jpg…

Thêm vào đó, hàng không ngày nay khác hàng không xưa. Việc boarding trở nên phức tạp hơn bởi sự phân hóa về dịch vụ: hành khách hạng nhất (First Class), hạng thương gia (Business), khách hàng thường xuyên, khách hàng sở hữu thẻ thành viên cao cấp … hay chính sách của hãng hàng không dành cho những hành khách như quân nhân, gia đình và trẻ em, người lớn tuổi …

Những hành khách này được ưu tiên lên máy bay trước, sau đó hành khách hạng phổ thông, tiết kiệm mới được gọi lên máy bay theo nhóm ghế, quy tắc từ sau ra trước. Tuy nhiên, lúc này một yếu tố khác lại ảnh hưởng đến thời gian boarding: hành lý xách tay.

Những hành khách được lên trước dĩ nhiên sẽ được sử dụng trước ngăn hành lý phía trên và thật “nhọ” nếu như bạn là người lên máy bay sau cùng bởi việc tìm kiếm chỗ để hành lý xách tay sẽ rất khó khăn bởi hầu hết các ngăn hành lý đều đã được lấp đầy.

Hành khách giờ đây muốn mang càng nhiều hành lý xách tay lên máy bay càng tốt, họ ngại phải ký gởi hành lý bởi tâm lý lo lắng cho tài sản cũng như phải đợi lấy hành lý ở các băng chuyền sau khi hạ cánh. Những chiếc balo lớn, vali kéo không chỉ chiếm không gian trên ngăn hành lý mà còn khiến quá trình boarding chậm lại bởi người sau phải đợi người trước cất hành lý, lối đi giữa các hàng ghế vốn đã hẹp lại còn bị ách tắc.

Giải pháp của các hãng hàng không:

Các hãng hàng không đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để giảm thời gian boarding, đảm bảo máy bay khởi hành đúng giờ cũng như kiếm thêm lợi nhuận.

Đang tải Open-seating.jpg…

Hãng hàng không Southwest Airlines nổi tiếng với phương pháp open-seating theo đó hành khách được chia làm 3 nhóm, xếp hàng theo thứ tự và họ được phép chọn tự do ghế ngồi. Phương pháp này nhanh hơn đáng kể so với phương pháp boarding từ sau ra trước truyền thống. Trên lý thuyết phương pháp này tưởng chừng như sẽ tạo ra một sự hỗn loạn nhưng thực tế nó lại vận hành rất mượt mà.

Mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, các hàng khách chờ cứ thế tiến tới. Quá trình này diễn ra đơn giản theo cách: nếu bạn thích ngồi ghế sát lối đi, hãy tìm một ghế bất kỳ miễn sát lối đi, không cần biết số mấy sau đó cất hành lý và nhường lối đi cho người sau; nếu bạn đem theo hành lý xách tay hơi to, bạn chỉ việc tìm đến ngăn hành lý còn trống để cất túi và ngồi vào một ghế bất kỳ.

Tuy nhiên, phương pháp của Southwest không hẳn hoàn hảo bởi hãng hàng không này dường như là hãng lớn duy nhất ở Mỹ không tính phí cho hành lý xách tay. Phương pháp open-seating chỉ phát huy tối đa hiệu quả nếu hành khách mang theo ít hành lý xách tay. Tuy nhiên việc không tính phí hành lý lại trở thành điều kiện cho hành khách đem theo nhiều túi hành lý xách tay hơn.

Đang tải Checked_bag.jpg…

Vì vậy, hãng Spirit Airlines đã sử dụng phương pháp tính phí cao cho hành lý xách tay hơn hành lý ký gửi. Mỗi túi hành lý xách tay sẽ bị tính phí từ 20 đến 40 USD và nếu hành khách bị bắt phải kiểm tra túi hành lý xách tay tại cổng ra tàu bay thì mức phạt có thể lên đến 100 USD. Thế là hành khách bay hãng này chuyển sang ký gửi để giảm phí, từ đó Spirit Airlines có thể rút ngắn thời gian boarding, nhanh hơn 5 phút so với các hãng đối thủ.

Hãng American Airlines vẫn ưu tiên cho hành khách hạng thương gia và khách hàng thường xuyên lên máy bay trước nhưng hành khách các hạng ghế thường có thể trả thêm từ 9 đến 19 USD để lên máy bay sớm hơn cũng như đảm bảo có chỗ để hành lý.

Các hành khách hạng phổ thông sẽ được chia làm 3 nhóm, sắp xếp nhằm giúp dàn trải hành khách ra, cho phép họ nhanh chóng tìm được chỗ ngồi. Cách tiếp cận này cũng giúp hành khách cất hành lý hiệu quả hơn, gần chỗ ngồi hơn, giảm số lượng túi cần phải kiểm tra vào phút cuối trước khi hoàn tất thủ tục boarding từ đó tránh trễ chuyến. Phương pháp của American Airlines cũng giúp giảm thời gian boarding xuống từ 4 đến 5 phút.

Việc thu phí để lên máy bay trước mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các hãng hàng không. Theo ước tính của Amadeus thì các khoảng phụ thu mang lại lợi nhuận đến 12,5 tỉ USD cho các hãng hàng không Mỹ trong năm 2011 và con số này tăng theo từng năm.

Một số cách khác:

Một nhà vật lý thiên văn có tên Jason H. Steffen làm việc tại Fermilab, Chicago đã đề xuất một phương pháp tốt hơn để boarding nhanh hơn vào năm 2014. Anh sử dụng thứ gọi là thuật toán tối ưu Monte Carlo chuỗi Markov và nhấn mạnh “Nếu quy trình boarding đủ hiệu quả thì chúng ta không cần phải xếp hàng”. Ý tưởng ở đây là cho hành khách lên máy bay lần lượt theo từng hàng ghế nhưng cách hàng xen kẽ, hành khách ngồi sát cửa sổ lên trước và từ đuôi máy bay ra trước.

Đang tải Steffen_method.jpg…

Ví dụ trên một chiếc máy bay có 30 hàng ghế, hành khách đầu tiên sẽ là hành khách ngồi ở ghế A sát cửa sổ của hàng 30. Hành khách tiếp theo tương tự vị trí ngồi sát cửa sổ nhưng ở hàng 28 rồi 26 … Một khi xếp đến hàng ghế đầu tiên thì quay trở lại ghế F sát cửa sổ ở hàng 30 rồi cứ thế tiếp tục với hàng 28, hàng 26 tương tự mặt kia. Sau khi cho các hành khách ngồi ghế sát cửa sổ lên hết thì tiến đến ghế sát lối đi với quy tắc tương tự. Khi các hàng số chẵn đầy khách thì chuyển sang các hàng số lẻ.

Phương pháp của Steffen hay ở chỗ hành khách luôn có khoảng trống để ổn định vị trí và cất hành lý, mọi người không phải đợi người trước người sau. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là yếu tố ngẫu nhiên của hành khách, máy bay không phải lúc nào cũng chỉ toàn chở hành khách đi một mình, sẽ có các nhóm hành khách như gia đình, cặp đôi … do đó phương pháp của Steffen không khả thi trên thực tế.

Một phương pháp khác là dựa trên số lượng túi hành lý xách tay được đệ trình bởi John Milne và Alexander R. Kelly. Theo đó hãng hàng không sẽ bố trí ghế cho hành khách dựa trên số lượng hành lý xách tay mà họ mang theo. Thay vì hành khách chọn ghế thì họ sẽ phải ngồi theo vị trí túi hành lý của mình trên ngăn hành lý phía trên. Các túi được bố trí theo các hàng, mỗi hàng các túi sẽ được bố trí theo ghế và hành khách cũng boarding theo quy tắc tương tự phương pháp của Steffen.

Ngoài ra cách đây 15 năm, hãng hàng không Alaska Airlines còn áp dụng một phương pháp boarding thú vị đó là hành khách có thể lên máy bay bất cứ khi nào họ muốn, không cần biết là ngồi ghế ở cuối hay đầu máy bay. Tuy nhiên hãng này chỉ thử nghiệm trong một thời gian ngắn.

Năm 2015 thì hãng Delta Air Lines cũng đã thử nghiệm phương pháp nạp sẵn hành lý xách tay của hành khách để tăng tốc độ boarding. Dịch vụ này đã được hãng áp dụng trên nhiều chặng bay trong nước bận rộn giữa các thành phố như Atlanta, New York, Los Angeles, Detroi, Minneaplolis, Salt Lake City và Seattle.

Vậy làm sao để mọi người lên máy bay nhanh hơn từ đó khởi hành đúng giờ hơn?

Đang tải oversize_bag.jpg…

Điều này nằm ở ý thức của mỗi chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta chịu khó gởi hành lý cũng như tối giản hành lý xách tay thì quá trình boarding sẽ diễn ra nhanh hơn đáng kể. Những lý do kéo dài thời gian boarding đa phần xoay quanh hành lý. Nhất là trên những chiếc máy bay thân hẹp 1 hàng lối đi mà chúng ta vẫn bay ở các chặng bay nội địa như A320/A321 thì hành lý xách tay quá khổ sẽ khiến việc tìm chỗ để cất giữ khó khăn hơn, người sau cứ thế đứng đợi người trước loay hoay tìm chỗ. Thêm vào đó những nhân viên mặt đất cũng kiêm luôn vai trò kiểm tra hành lý xách tay trước khi lên máy bay, do đó nếu chúng ta vô tình hay cố tình mang hành lý xách tay quá khổ lên máy bay thì hành lý đó sẽ bị chặn lại, chúng ta thì bị phạt còn mọi người phải đợi các nhân viên xử lý vấn đề của chúng ta.

Một động thái gần đây của hãng hàng không Vietnam Airlines cho thấy vấn đề về hành lý rất đáng lưu tâm bởi nó ảnh hưởng nhiều đến thời gian boarding, khả năng chậm trễ chuyến. Như thông báo mới nhất thì kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2019, hãng tăng trọng lượng đối với hành lý xách tay nhưng giới hạn về số kiện tức số lượng túi xách, balo hay vali được mang theo lên máy bay. Trước đây thì Vietnam Airlines giới hạn theo trọng lượng. Giờ đây khi anh em bay Vietnam Airlines thì chỉ được mang tối đa 1 kiện hành lý + 1 phụ kiện tức là 1 balo/vali với kích thước không quá kích thước quy định kèm một chiếc túi nhỏ, có thể là túi xách, túi chéo … Chi tiết anh em có thể xem thêm tại đây nhưng về cơ bản, việc quy định số kiện sẽ giúp cải thiện quá trình boarding cũng như đảm bảo các yếu tố như an toàn trọng lượng, an toàn bay.

Nguồn: tinhte.vn