Kỳ tích của phi công lái máy bay 2 tháng không hạ cánh

Kỳ tích của phi công lái máy bay 2 tháng không hạ cánh

Kỷ lục bay thẳng của các hãng hàng không ngày nay chưa là gì so với hành trình 65 ngày của chiếc Cessna 172 vào năm 1958 ở Mỹ.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1956, ông trùm sòng bài Warren “Doc” Bayley mở một khách sạn và sòng bài Hacienda tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Tọa lạc trên một dải đất đầy cát bụi phía nam thành phố, khách sạn mới khó lòng hút khách so với những tụ điểm ăn chơi tại khu trung tâm. Mark Hall-Patton, quản trị viên của hệ thống Bảo tàng Hạt Clark ở Las Vegas, cho biết: “Hacienda quá xa trung tâm thành phố. Mọi người sẽ nói: ‘Tại sao phải đến Hacienda khi bạn có thể vui chơi ngay ở Las Vegas?'”.

Quy mô khách sạn Hacienda vào thời hoàng kim. Nó đã tồn tại trong 40 năm cho tới 1996, và 3 năm sau được thay thế bằng tổ hợp khách sạn sòng bài Mandalay Bay như ngày nay. Ảnh: Pinterest.

Quy mô khách sạn Hacienda vào thời hoàng kim. Nó đã tồn tại trong 40 năm cho tới 1996, và 3 năm sau được thay thế bằng tổ hợp khách sạn sòng bài Mandalay Bay như ngày nay. Ảnh: Pinterest.

Warren muốn khách du lịch phải lái xe từ phía nam California tới nơi tận cùng của đại lộ Las Vegas Strip để thăm thú và nghỉ lại đây. Ông bèn thuê những đứa trẻ đứng ven đường, phát phiếu giảm giá cho cánh lái xe tải ở Barstow (quận San Bernardino, California, Mỹ). Không lâu sau, đội ngũ này được thay bằng một dàn mỹ nữ chân dài phát voucher – điều này thực sự khiến nhiều tài xế dừng lại hơn.

Mọi thứ trở nên thú vị hơn với Warren, khi Bob Timm (một số tài liệu ghi Robert Elgin Timm), một thợ cơ khí chuyên sửa máy đánh bạc cho sòng bài Hacienda, nảy ra một ý tưởng lạ. Timm là một cựu phi công từng tham gia Thế chiến II, thích phiêu lưu và biết đến kỷ lục bay liên tục trong 42 ngày tại thành phố Yuma (bang Arizona, Mỹ) vào năm 1949. Ông cho rằng thử thách phá kỷ lục đó sẽ gây tiếng vang, là cơ hội quảng bá cho Hacienda nếu tên khách sạn được vẽ trên máy bay. Ông trùm casino gật đầu và bỏ ra 100.000 USD đầu tư cho dự án này.

Timm mua một chiếc Cessna 172. Máy bay bị rút ruột toàn bộ nội thất, trừ ghế phi công. Ông phải sửa đổi rất nhiều: lắp một bồn rửa nhỏ, đặt một tấm thảm làm giường ngủ, tháo cửa hành khách thay bằng cửa xếp, thêm một bình nhiên liệu dưới bụng máy bay, thay các bộ lọc nhiên liệu và dầu, lắp một động cơ mới.

Timm và phi công phụ bay thử tới ba lần, nhưng đều thất bại vì máy móc hỏng hóc. Chuyến bay thứ ba chỉ kéo dài 17 ngày. Timm nhận ra rằng mình và phi công phụ không ăn ý. Do đó, ông tìm kiếm một phi công phụ mới và gặp John Wayne Cook, một chàng trai trẻ độc thân từ bang Illinois. John lúc này đang làm phi công dày kinh nghiệm của Alamo Airlines, đồng thời còn là một thợ cơ khí có bằng chứng nhận.

Vào ngày 4/12/1958, chiếc Cessna 172 chính thức khởi hành từ sân bay McCarran Field (Las Vegas). Màn cất cánh không hề khoa trương như khung cảnh ông trùm Warren mong đợi.

Bất cứ khi nào máy bay cần nhiên liệu hoặc hỗ trợ khác, Timm và John sẽ liên lạc với đội thợ cơ khí qua bộ đàm. Nhiên liệu được bơm thẳng lên bình chứa từ một chiếc xe tải chạy đua với máy bay trên đường cao tốc gần Blythe, California. Các đầu bếp của khách sạn Hacienda chuẩn bị những bữa ăn ngon cho hai phi công trong suốt chuyến bay. Tuy nhiên, thức ăn phải được băm nhỏ, cho vào các phích giữ nhiệt và đưa lên máy bay giống như mọi thứ khác.

Kỳ tích của phi công lái máy bay 2 tháng không hạ cánh

Bình nhiên liệu có thể chứa tới hơn 350 lít xăng, cần đổ đầy 2 lần một ngày và quá trình này được thực hiện 128 lần trong suốt hành trình. Ảnh: Airliners.

Máy bay có chế độ lái tự động, Timm và John thay phiên nhau lái máy bay 4 giờ một lần. Họ ngủ khi không ngồi trên ghế phi công, hỗ trợ tiếp nhiên liệu hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác. Cả hai đã cố gắng thiết lập một lịch trình bao gồm cả giờ tập thể dục hàng ngày, nhưng nỗi buồn chán và thiếu ngủ vẫn bủa vây. Họ gặp nhiều thách thức khi bay đêm vì đường có rất ít đèn.

Rạng sáng 9/1/1959, Timm thấy mình ngủ thiếp đi khi đang lái máy bay. Dù máy bay có chế độ lái tự động, nó vẫn đi lệch đường. Từ đó họ cắt ngắn phiên trực, thay nhau cầm lái. John viết lại trong nhật ký của mình: “Lúc đó là 2h55 sáng và Timm đang chiến đấu với những giờ thức trắng. Thật may mắn. Chúng tôi cần phải ngủ nhiều hơn vào ban ngày thôi”.

Tiếp đó, máy phát điện trên phi cơ bị hỏng. Trời vẫn rất lạnh vào tháng 1 nên Timm và John phải quấn chăn thật dày để giữ ấm khi không có máy sưởi. “Thật khó để giữ tỉnh táo trong một không gian tối tăm. Không thể dùng bộ đàm, máy bơm xăng cũng hỏng. Chúng tôi phải bơm xăng bằng tay, dùng ít đèn nhất có thể. Tôi không nhận ra điện quan trọng thế nào cho tới khi mọi thứ bất ngờ xảy đến. Ngồi trong bóng tối, ngoài kia không có ánh đèn nào soi sáng, đèn hết sạch pin. Tôi không thể nhìn thấy gì hỏng hóc để sửa nữa”, John viết trong nhật ký.

Một chiếc xe hơi phải chạy đua với máy bay để đảm bảo nó không bao giờ hạ cánh xuống ven đường. Không có cách nào phi công có thể gian lận và hạ cánh tại một sân bay để tiếp nhiên liệu mà không bị phát hiện. Ngay sau khi chiếc Cessna 172 cất cánh, một anh chàng ngồi trong chiếc mui trần Ford Thunderbird chạy bên dưới đã vẽ dải sơn màu trắng trên bánh trước máy bay để làm dấu.

Tiếng vang của chuyến bay chỉ thực sự lan truyền khi Timm và John ở trên không tới ngày thứ 40 – 50. Ngày 20/1/1959, họ đã vượt qua kỷ lục 42 ngày bay liên tục trước đó tại Yuma. Cuối cùng, chuyến bay đáp xuống điểm ban đầu vào 7/2/1959 sau khi thực hiện hành trình trong 64 ngày 22 giờ 19 phút 5 giây. Họ đã đi một quãng đường dài hơn 241.400 km, gấp khoảng 6 lần một vòng trái đất.

John Cook, Robert Timm, diễn viên Preston Foster và ông chủ Warren Doc Bayley ăn mừng kỷ lục mới. Ảnh: Clark County Department of Aviation.

John Cook, Bob Timm, diễn viên Preston Foster và ông chủ Warren Doc Bayley ăn mừng kỷ lục mới. Ảnh: Clark County Department of Aviation.

Trở về nhà, Timm quay lại làm việc tại khách sạn Hacienda còn John tiếp tục lái máy bay cho các hãng hàng không. Chiếc Cessna 172 được trưng bày tại khách sạn khoảng 2 năm trước khi được bán cho một người nào đó ở Canada.

Timm qua đời năm 1976 ở Las Vegas. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã nhờ các con đi tìm chiếc máy bay. Con trai của ông, Steve Timm, xác định chiếc máy bay ở Saskatchewan, Canada và đưa về Las Vegas vào năm 1988.

Năm 1992, chiếc Cessna 172 trở thành vật trưng bày tại Bảo tàng Di sản Hàng không McCarran sau khi được phục chế. Hiện phi cơ huyền thoại này được treo trên trần khu vực nhận hành lý tại sân bay quốc tế McCarran, nơi nó bắt đầu và kết thúc chuyến bay dài nhất trong lịch sử hàng không.

Chiếc Cessna 172 mang số hiệu N9172B treo trên trần sân bay quốc tế McCarran, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Twitter.

Chiếc Cessna 172 mang số hiệu N9172B treo trên trần sân bay quốc tế McCarran, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Twitter.

Mãi nhiều năm về sau, Steve Timm mới bắt đầu hiểu những gì cha mình phải trải qua. “Bay giữa không trung trong 65 ngày, ở trên chiếc máy bay chỉ nhỏ như ôtô, không hạ cánh. Tiếng ồn của động cơ, những mối nguy hiểm, lái suốt đêm, và mọi thứ sơ suất đã có thể xảy ra. Cha tôi khi ấy mới ngoài 30 và trải nghiệm đó đã suýt lấy mạng ông ấy… Cha tôi và chú John thực sự may mắn khi sống sót qua thử thách đó, chưa nói đến chuyện phá kỷ lục thế giới”, Steve nói.

Đã 60 năm trôi qua, kỷ lục của Timm và John tới nay chưa ai có thể phá vỡ. Tuy nhiên, danh tiếng của khách sạn sòng bài Hacienda không kéo dài như vậy. Khi Warren qua đời vào năm 1964, khách sạn qua tay nhiều chủ khác nhưng chưa bao giờ đạt lợi nhuận “khủng” như dưới thời của ông trùm casino.

Nguồn: vnexpress.net

Những hành động khiến hành khách được tiếp viên yêu quý

Những hành động khiến hành khách được tiếp viên yêu quý

Điều các tiếp viên mong muốn nhất là hành khách thực hiện đúng quy định an toàn bay và không chống đối khi được yêu cầu thắt dây an toàn.

Shawn Kathleen, cựu tiếp viên hàng không sở hữu tài khoản Instagram có gần một triệu người theo dõi, đã tiết lộ về những hành động đáng yêu của khách khiến phi hành đoàn yêu quý.

Shawn Kathleen, có một tài khoản với gần một triệu người theo dõi trên Instagram. Cô tạo tài khoản này như nhật ký về hành vi của khách hàng khi còn là tiếp viên hàng không. Sau này, các thành viên phi hành đoàn bắt đầu gửi cho cô hình ảnh về những khách hàng cư xử tồi tệ và bây giờ,hành khách cũng gửi hình ảnh cho cô để đăng trên Instagram.

Shawn Kathleen tạo tài khoản trên Instagram để chia sẻ về hành vi của khách hàng khi còn là tiếp viên hàng không. Sau này, các thành viên phi hành đoàn bắt đầu gửi cho cô hình ảnh về những khách hàng cư xử tồi tệ và bây giờ, hành khách cũng gửi hình ảnh cho cô để đăng.

Theo đó, những hành khách bắt đầu bằng câu nói “Xin chào” và “Cám ơn” thường gây ấn tượng tốt với tiếp viên. Với nhiều hành khách, đây có thể là chuyến bay đầu tiên trong ngày của họ. Nhưng đó có thể là chuyến bay thứ 6 của một tiếp viên. Vì vậy, lời chào hay cảm ơn tuy đơn giản, lại tiếp thêm động lực cho những người phục vụ.

Điều các tiếp viên mong muốn nhất là hành khách làm theo hướng dẫn an toàn bay và không cố tình làm trái lời khi được tiếp viên nhắc nhở phải thắt dây an toàn.

“Nhiệm vụ số một của tiếp viên hàng không là an toàn của hành khách, tiếp đến mới là sự thoải mái. Vì vậy, xin đừng khó chịu khi chúng tôi yêu cầu bạn thắt dây an toàn”, một tiếp viên hàng không khác cho biết.

Shawn cho biết không tiếp viên nào muốn trở thành người bị ghét nhất trên chuyến bay. Vì vậy, cô mong hành khách không tỏ ra bực bội, chỉ trích phi hành đoàn trong trường hợp họ không thể mang cho bạn gối và chăn khi yêu cầu. “Họ luôn không đủ đồ dùng. Nhiều chuyến bay chỉ có đồ dùng phục vụ cho khoang hạng nhất, còn khoang phổ thông thì không. Nhưng các tiếp viên không muốn phải nói với bạn điều đó”.

Các tiếp viên cũng mong muốn hành khách cư xử đúng mực. Bạn đang ở trên máy bay, nghĩa là bạn đang ở một nơi công cộng và không nên hành xử như đang ở trong phòng khách nhà mình. Nhiều hành khách từng yêu cầu Shawn vứt tã bẩn cho con họ, trong khi họ có thể tự làm điều đó.

Nguồn: vnexpress.net

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Dù không có đường băng xuống dốc hay dựng đứng lên cao, sân bay Gisborne tại New Zealand vẫn là một trong những phi trường nguy hiểm nhất thế giới.

Sân bay Gisborne nhỏ, nằm ở vùng ngoại ô phía tây của thành phố cùng tên, thuộc bờ đông của Đảo Bắc, New Zealand. Với diện tích 160 hecta, sân bay có một đường băng chính cắt tuyến đường sắt Bắc Palmerston – Gisborne. Tuyến đường sắt và sân bay có giờ hoạt động linh hoạt từ 6h30 sáng đến 20h30. Sau đó, đường băng đóng cửa đến sáng hôm sau.

May mắn, cho tới nay chưa từng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại sân bay Girborne. Ảnh: Hello Travel.

Tới nay chưa từng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại sân bay Girborne. Ảnh: Hello Travel.

Tại đây, tàu hoặc máy bay thường xuyên phải dừng, đợi phương tiện còn lại đi qua nếu lịch trình trùng nhau. Điều này đồng nghĩa, có những khoảnh khắc đoàn tàu chỉ cách một máy bay đang hạ cánh vài mét. Đó là thử thách với ban quản lý sân bay khi phải điều tiết máy bay theo giờ hoạt động của đoàn tàu.

Sây bay Gisborne là điểm kết nối quan trọng giữa thành phố này với các điểm đến khắp đảo quốc kiwi, với hơn 60 chuyến bay nội địa, đón hơn 150.000 hành khách một năm.

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Đoạn đường tàu như ranh giới chia đường băng thành hai nửa. Ảnh: Daniel Garland.

Năm 2018, chính phủ New Zealand quyết định đầu tư 3,6 triệu USD để tái phát triển sân bay Gisborne. Bước đi này được kỳ vọng mang đến cơ hội mở rộng và phát triển cho các doanh nghiệp địa phương, thu hút thêm du khách đến với thành phố này.

“Tairāwhiti (tên Gisborne trong tiếng Maori) là thành phố cực đông của thế giới, tách biệt với những khu dân cư khác. Do đó sự phát triển của ngành hàng không có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế địa phương”, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Khu vực New Zealand Shane Jones, nhận định.

Sân bay còn có 3 đường băng trồng cỏ dành cho phi cơ hạng nhẹ. Ảnh: Eastland.

Sân bay còn có 3 đường băng trồng cỏ dành cho phi cơ hạng nhẹ. Ảnh: Eastland.

Gisborne là một trong số ít sân bay có đường ray tàu hỏa giao với đường băng. Sân bay Wynyard, trên bờ biển phía tây bắc của bang Tasmania (Australia), cũng có một tuyến đường sắt chạy qua đường băng. Nhưng chính phủ buộc phải đóng cửa tuyến đường sắt này vào đầu năm 2005 vì tàu hỏa không còn là phương tiện phổ biến. Do đó tuyến đường sắt cắt sân bay Wynyard không còn hoạt động.

Nguồn: vnexpress.net

Sân bay không nhiều phi công đủ trình độ hạ cánh ở Bhutan

Sân bay không nhiều phi công đủ trình độ hạ cánh ở Bhutan

Bao quanh bởi những ngọn núi cao, gió mạnh, đường băng ngắn, sân bay Paro thuộc top nguy hiểm nhất thế giới.

Cách thủ đô Thimphu khoảng 54 km, sân bay Paro tọa lạc dưới một thung lũng sâu bên bờ sông Paro Chhu, phía tây Bhutan. Những rặng núi của dãy Himalaya cao tới hơn 5.500 mét bao quanh sân bay, khiến nó trở thành một trong những nơi máy bay khó hạ cánh nhất thế giới.

Sân bay Paro quốc tế duy nhất trong bốn phi trường tại Bhutan. Trước đó, đây cũng là sân bay đầu tiên và duy nhất của vương quốc hạnh phúc tính đến năm 2011. Ảnh: Stocks.

Sân bay Paro quốc tế duy nhất trong bốn phi trường tại Bhutan. Nơi đây có hai tòa nhà, một là tháp kiểm soát không lưu, một là nơi hành khách làm thủ tục và phòng chờ khởi hành. Ảnh: Stocks.

Gió mạnh dưới thung lũng thường xuyên khiến máy bay chao đảo khi tới gần phi trường này. Đường băng ngắn đòi hỏi phi công dày dặn kinh nghiệm và linh hoạt khi điều khiển máy bay. Theo Forbes, đến tháng 11/2018, có 17 phi công được huấn luyện đủ trình độ để thực hiện những màn hạ cánh nghẹt thở tại sân bay Paro. Trước đó, con số này là 8 phi công vào năm 2011.

Máy bay chỉ có thể đến hoặc rời sân bay này vào ban ngày. Do đường băng hoàn toàn khuất tầm mắt của phi công trước khi họ bay chếch một góc 45 độ qua những rặng núi, hạ độ cao nhanh chóng để đáp xuống. Vào thời điểm nhất định, gầm của máy bay gần như sát với những ngôi nhà trên đỉnh núi. Một ngôi nhà mái đỏ trên vách núi là điểm đánh dấu quan trọng để cơ trưởng xác định đường hạ cánh.

Đường băng của sân bay Paro ngắn khác thường. Ảnh: Desmond Boylan/Reuters.

Đường băng của sân bay Paro ngắn hơn các đường băng thông thường (khoảng 3.000 m). Ảnh: Desmond Boylan/Reuters.

Trước đây, đường băng ban đầu dài 1.200 m. Do đó, chính phủ Bhutan đặt ra những tiêu chuẩn đặc biệt về loại máy bay có thể vận hành tại sân bay Paro. Đó phải là máy bay nhỏ 18-20 ghế, với tính cơ động cao, khả năng tăng tốc và nâng độ cao nhanh chóng.

Đến năm 1990, đường băng được kéo dài tới 1.964 m, và gia cố cho phù hợp với tàu bay nặng hơn. Ngày 19/10/2004, chiếc Airbus A319-100 đầu tiên hạ cánh tại sân bay này.

Buddha Air trở thành hãng hàng không quốc tế đầu tiên khai thác đường bay ở sân bay Paro vào tháng 8/2010. Tashi Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Bhutan, ra đời vào tháng 12/2011. Tới năm 2018, sân bay này đón gần 400.000 lượt khách và hơn 6.700 chuyến bay. Một đường băng mới được xây dựng song song với đường cũ, cho phép sân bay xử lý tới 50 chuyến bay mỗi ngày.

Màn hạ cánh của máy bay đến Paro nhìn từ trong buồng lái và từ dưới mặt đất. Video: Tufan Sevincel.

Nguồn: vnexpress.net