Hai hành khách khiến hãng bay lỗ hàng triệu USD

Hai hành khách khiến hãng bay lỗ hàng triệu USD

Steve Rothstein chi gần 400.000 USD để bay miễn phí cả đời. Thực tế, ông bay hơn 10.000 chuyến chỉ trong 20 năm, đôi khi mời người lạ đi cùng.

Năm 1981, hãng hàng không American Arilines giới thiệu đến khách hàng loại vé AAirpass. Chỉ cần bỏ ra 250.000 USD, bạn có thể đi đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào cho đến cuối đời. Người mua có thể bỏ thêm 150.000 USD cho người đi cùng. Khi đó, hãng hàng không này thua lỗ tới 76 triệu USD nên rất cần tiền mặt, mà lãi suất ngân hàng lại quá cao. Vì vậy, công ty quyết định tung ra dịch vụ vé hạng nhất không giới hạn này dành cho những hành khách giàu có nhất.

Năm 1990, giá vé là 600.000 USD dành cho hai người (số tiền này tương đương với gần 1,2 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Năm 1993, giá cho loại vé này tăng lên 1,01 triệu USD và đến năm 1994, hãng dừng bán. 28 người đã sở hữu tấm vé với mức giá chỉ có một lần trong đời như vậy.

Tấm vé bay trọn đời của Rothstein. Ảnh: Rothstein/Hustle.

Tấm vé bay trọn đời của Rothstein. Ảnh: Rothstein/Hustle.

Tuy nhiên, hãng bay nhanh chóng nhận ra AAirpass có một lỗ hổng nghiêm trọng: Họ bị “mất” nhiều hơn là “được” trong giao dịch này. Người đứng đầu hãng lúc đó là CEO Robert Crandall cho biết: “Công chúng luôn thông minh hơn bất kỳ tập đoàn nào. Và họ lập tức phát hiện ra chúng tôi đã mắc sai lầm về giá cả”.

Hai hành khách đã có “đóng góp” nhiều nhất cho việc thua lỗ này chính là Steve Rothstein và Jacques Vroom. Hãng đã tính ra rằng, mỗi người đã tiêu tốn của họ ít nhất một triệu USD tiền thuế, phí và vé máy bay mỗi năm.

Steve Rothstein là một chuyên viên tư vấn đầu tư ở Chicago. American Arilines đã liên hệ với Rothstein và mời ông đầu tư cho vé AAirpass. Thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, họ trả cho ông bằng dặm bay. Với tổng số tiền thương lượng là 383.000 USD, Rothestein đã mua vé cho mình và người đi cùng đến trọn đời.

Trong vòng 25 năm tiếp theo, Rothestein đã đặt hơn 10.000 chuyến, tích lũy hơn 30 triệu dặm bay, tiêu hết 21 triệu USD tiền vé máy bay, thuế phí. Ông bay hàng trăm chuyến đến New York, Los Angeles… hay tới Ontario (Canada) chỉ để mua một chiếc bánh sandwich mà mình yêu thích. Ông còn bay sang London (Anh), đôi khi cả chục lần mỗi tháng. Thi thoảng, vị khách này còn hào phóng dùng vé dành cho bạn đồng hành để mời một người xa lạ ở sân bay lên khoang hạng nhất ngồi cạnh mình.

Hai hành khách khiến hãng bay lỗ hàng triệu USD

Trong 25 năm dùng vé, Steve Rothstein đã thực hiện 1.000 chuyến bay tới thành phố New York, 500 chuyến tới San Francisco, 500 chuyến tới Los Angeles, 500 chuyến tới London, 120 chuyến tới Tokyo, 80 chuyến tới Paris, 80 chuyến tới Sydney, 50 chuyến tới Hong Kong… và chưa kể tới những lần cho người khác đi nhờ vé. Ảnh: Los Angeles Times.

Về phần Jacques Vroom, một chuyên gia tư vấn tại Texas, cũng bỏ ra 400.000 USD mua vé bay không giới hạn cho bản thân và bạn đồng hành. Trong vòng 20 năm, ông sử dụng khoảng 2 triệu dặm bay mỗi năm.

Vroom cũng rất biết cách sử dụng ưu đãi này của mình. Ông bắt các chuyến bay để tới xem mọi trận đấu bóng đá của cậu con trai mình đang sống tại Bờ Đông. Ông bay qua Pháp hoặc Anh chỉ để ăn trưa với một người bạn. Khi con gái Vroom học về văn hóa Nam Mỹ, ông chẳng ngại ngần để đưa cô tới Buenos Aires (Argentina) chỉ để xem một cuộc đua ngựa, và bay về Mỹ ngay ngày hôm sau.

Jacques Vroom luôn luôn bay hạng nhất khi sở hữu tấm vé đặc biệt. Ảnh: Jacques Vroom.

Jacques Vroom luôn bay hạng nhất khi sở hữu tấm vé đặc biệt. Ảnh: Jacques Vroom.

Hãng bay Mỹ nhanh chóng thu hồi vé của hai hành khách trên và họ cũng không mất quá nhiều thời gian để tìm được lý do. Rothstein đã thực hiện 3.000 chuyến bay trong 4 năm, hủy 2.500 chuyến bay trong số đó. Vroom đặt nhiều chuyến bay cho người lạ. Những giao dịch này đều không vi phạm hợp đồng, nhưng hãng coi đó là hành động không trung thực.

Năm 2008, Vroom và Rothstein bị tước tấm vé AAirpass trọn đời. Họ đã đâm đơn kiện và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ dùng dịch vụ của hãng bay này nữa. Vroom, giờ là một giáo viên ở Dallas, nói rằng hãng bay đã làm tổn thương những người mua vé, còn Rothstein ước rằng mình chưa bao giờ thực hiện giao dịch này.

Robert Crandall, nay là cựu chủ tịch của American Airlines, có lý lẽ của riêng mình: “Tôi cho rằng họ là những kẻ gian lận. Nếu họ gian lận, họ xứng đáng với điều đó [bị tước vé]”.

Sau các vụ kiện, Vroom và Rothstein không lấy lại được AAirpass, một hành khách thứ ba cũng bị thu hồi tấm vé này. Trong khi đó, 25 hành khách khác, gồm cả tỷ phú Mark Cuba, vẫn sở hữu tấm vé còn hiệu lực. Tuy nhiên, hiện tại Cuba đã là tỷ phú, và sở hữu máy bay riêng. Dù vậy, ông vẫn nói rằng tấm vé AAirpass là giao dịch tuyệt vời nhất trong đời mình. Còn với nhiều người, Steve Rothstein và Jacques Vroom được coi là huyền thoại của ngành hàng không, với khoản tiền họ bỏ ra và những dặm bay khổng lồ họ tích lũy.

Năm 2004, American mở bán AAirpass không giới hạn lần cuối với giá 3 triệu USD cộng với một thẻ đồng hành giá 2 triệu USD. Hãng không bán được tấm vé nào.

Nguồn: vnexpress.net

Hãng hàng không duy nhất trên thế giới tính giá vé theo cân nặng của hành khách: Càng nặng bay càng tốn tiền!

Hãng hàng không duy nhất trên thế giới tính giá vé theo cân nặng của hành khách: Càng nặng bay càng tốn tiền!

Khi đến sân bay, hành khách và hành lý sẽ được cân lại một lần nữa để đảm bảo độ chính xác. Nếu tổng trọng lượng vượt quá những gì đã đăng ký, hành khách sẽ được “du di” một vài kg, tuy nhiên nếu nhẹ hơn, họ sẽ không được hoàn tiền.

Chris Langton, CEO của Samoa Air cho rằng chính sách thu phí vé máy bay dựa trên trọng lượng của hành khách không chỉ công bằng mà còn là tương lai cho các hãng hàng không khác.

Ông chia sẻ với CNN: “Bước tiếp theo của ngành hàng không là công nhận và áp dụng chính sách tương tự Samoa Air. Đâu phải tất cả chúng ta đều nặng 72 kg và ngồi vừa một chỗ tiêu chuẩn. Trọng tải là điều quan trọng nhất với một chiếc máy bay. Chúng tôi bán trọng tải chứ không bán chỗ ngồi”.

Samoa Air đã áp dụng cách tính trên từ cuối năm 2013, đối với cả chuyến bay trong nước lẫn nước ngoài. Trang web của hãng thông báo: “Bạn sẽ phải trả tiền cho cân nặng của mình và trọng lượng của hành lý đi kèm. Rất đơn giản phải không nào?”.

Được biết, hãng hàng không ở Nam Thái Bình Dương này chỉ có 3 máy bay, 2 chiếc có 10 chỗ ngồi và 1 chiếc có 4 chỗ. Chặng bay của Samoa cũng chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định. Langton cho biết công ty có kế hoạch mua một số chiếc Airbus A320-200 lớn để phục vụ các điểm đến quốc tế như Úc và New Zealand.

Hãng hàng không duy nhất trên thế giới tính giá vé theo cân nặng của hành khách: Càng nặng bay càng tốn tiền! - Ảnh 1.

Máy bay hạng nhẹ của Samoa Air.

Vị CEO chia sẻ: “Khách hàng của chúng tôi đang dần chấp nhận chính sách trên và coi đây là cách công bằng nhất. Tuy nhiên, nó cũng là một vấn đề nhạy cảm. Chính vì vậy, chúng tôi luôn giúp mọi người nhìn nhận theo hướng tích cực, đặc biệt là những người béo phì.

Ngoài ra, những người có thân hình quá khổ cũng nhận được dịch vụ xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Ví dụ, người béo phì sẽ được dành cho chỗ ngồi thoải mái hơn hay người quá cao sẽ có nhiều chỗ để để chân hơn”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Samoa Air là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất trên thế giới tính giá vé máy bay theo trọng lượng hành khách. Để đặt vé online, khách hàng cần nhập gần đúng cân nặng và trọng lượng hành lý của họ rồi thanh toán trước.

Khi đến sân bay, hành khách và hành lý sẽ được cân lại một lần nữa để đảm bảo độ chính xác. Nếu tổng trọng lượng vượt quá những gì đã đăng ký, hành khách sẽ được “du di” một vài kg, tuy nhiên nếu nhẹ hơn, họ sẽ không được hoàn tiền.

Theo Langton, các gia đình đều rất hài lòng với mô hình tính phí này bởi khi đưa theo trẻ em, giá vé sẽ giảm đáng kể so với các hãng hàng không khác. Trong khi đó, một số người đã chỉ trích rằng chính sách này giống như “thuế đánh vào lượng mỡ” trên cơ thể họ.

Trên thực tế, một số hãng hàng không lớn của Mỹ cũng có chính sách riêng dành cho hành khách có thân hình quá khổ. Theo đó, họ có thể mua ghế thứ hai để có chỗ ngồi thoải mái hơn.

Nhà phân tích Vaughn Cordle nhận định: “Đối với một hãng hàng không nhỏ như Samoa Air, mô hình định giá này khá hợp lý bởi họ sở hữu những chiếc máy bay nhỏ. Kiểm soát trọng lượng là vấn đề quan trọng nhất mà họ cần làm trong mỗi chuyến bay. Do vậy, tính giá vé máy bay dựa trên cân nặng hành khách và hành lý là phương án khả thi nhất. Với máy bay hạng nhẹ, bạn càng nặng, chi phí bay của bạn càng cao.

Mặc dù vậy, có khả năng các hãng hàng không lớn sẽ không áp dụng chính sách này vì vốn dĩ họ đều sử dụng máy bay trọng tải lớn. Ngoài ra, họ cũng tính đến mục đích thực tế của việc cân hành khách trước khi lên máy bay”.

Nguồn: cafef.vn

Kết đắng của hành khách lừa phi hành đoàn

Kết đắng của hành khách lừa phi hành đoàn

Sau khi đòi nâng cấp chỗ ngồi không được, nữ hành khách có biểu hiện khó thở.

Một chuyến bay của hãng American Eagle từ thành phố Pensacola tới Miami, bang Florida đã buộc phải quay đầu sau một giờ cất cánh. Theo Sở cảnh sát Pensacola, một nữ hành khách yêu cầu được nâng cấp chỗ ngồi. Sau khi bị từ chối, cô lập tức bị bệnh và khó thở.

Người phụ nữ cố tình nói đối để được nâng cấp hạng ghế, nhưng cuối cùng cô còn thậm chí không được bay. Ảnh: News.

Người phụ nữ cố tình nói đối để được nâng cấp hạng ghế, nhưng cuối cùng cô còn thậm chí không được bay. Ảnh: News.

Phi công đã quay đầu, hạ cánh khẩn cấp để người phụ nữ được hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, người này lại từ chối rời đi và cảnh sát được gọi tới. Cuối cùng, nữ hành khách thừa nhận ý đồ giả vờ ốm để có chỗ ngồi tốt hơn.

Người phụ nữ sau đó được đưa tới một trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần để chăm sóc. Cảnh sát chưa đưa ra lời buộc tội với người này. Đại diện của hãng bay cho biết các hành khách đều không có biểu hiện bất thường khi đi qua cổng lên máy bay. Chuyến bay sau đó tiếp tục cất cánh vào lúc 7h41 (giờ địa phương) ngày 29/11.

Nguồn: vnexpress.net