Hãng bay của Mỹ thu hẹp toilet nhỏ như khoang chứa đồ

Hãng bay của Mỹ thu hẹp toilet nhỏ như khoang chứa đồ

Khu vệ sinh trên máy bay của Mỹ nhỏ lại khiến hành khách rửa tay khó khăn và không thể đứng thẳng người.

Hãng hàng không American Airlines ước tính việc tăng chỗ ngồi trên các máy bay sẽ giúp họ kiếm thêm 684 triệu USD mỗi năm. Để có thể xếp thêm nhiều ghế, họ bắt đầu thu nhỏ diện tích phòng vệ sinh trên những chiếc Boeing 737 mới của mình, News đưa tin ngày 19/11.

Một hành khách đăng ảnh bị kẹt cứng trong toilet máy bay. Ảnh: News.

Một hành khách đăng ảnh bị kẹt cứng trong toilet máy bay. Ảnh: News.

Các nhà vệ sinh mới sẽ có chiều rộng là 62 cm, thay vì 87 cm như trước đây. Nhờ thế, hãng bay có thể xếp chỗ thêm cho 12 hành khách.

Tuy nhiên, các hành khách và tiếp viên không hề vui chút nào trước tình huống trên. Vì diện tích toilet bị thu hẹp nên không ít hành khách rất vất vả khi sử dụng. Nhiều người bắt đầu gửi các khiếu nại, phàn nàn về điều này.

Do diện tích nhỏ nên bồn rửa tay cũng nhỏ hơn, khiến mọi người vất vả trong việc rửa tay để tránh cho nước không bị văng tung tóe xuống nền. Nhiều hành khách mỉa mai rằng, bồn rửa tay nhỏ đến mức họ khó có thể rửa cùng lúc hai bàn tay.

Nhà vệ sinh càng nhỏ, các hãng hàng không càng có thêm diện tích để đặt ghế máy bay. Ảnh: News.

Nhà vệ sinh càng nhỏ, các hãng hàng không càng có thêm diện tích để đặt ghế máy bay. Ảnh: News.

Barry Brandes là một ca sĩ đã giải nghệ sống ở New York, Mỹ và từng sử dụng dịch vụ của hãng này vài lần. Anh cho biết, với chiều cao 1,93 m của mình, nếu không để ý chắc chắn anh sẽ húc đầu vào cửa nhà vệ sinh. “Tôi không thể chịu nổi. Tôi thậm chí không thể đứng thẳng người khi vào đó, vì vậy tôi phải nghiêng người mới có thể bước vừa qua cửa”, Barry nói trên New York Times.

Không chỉ những người cao như Barry, các hành khách có chiều cao bình thường cũng gặp khó khăn. Eddie Santos, cao 1,73 m, từng bay từ Los Angeles tới Washington D.C. Anh cho biết phải xoay vai, vặn người mới có thể vào được bên trong nhà vệ sinh. Điều đó khiến anh không hề thoải mái.

Zach Honig, biên tập viên cho trang web du lịch ThePointsGuy, đăng hình ảnh của mình đứng bên trong nhà vệ sinh kiểu mới và để lại bình luận: “Vui ghê, thứ nhỏ bé này là cái gì đây? Khoang đựng hành lý xách tay thiết kế theo chiều dọc sao?”. Trong chuyến bay từ Houston tới Orlando (Mỹ), Honig cho biết không chỉ anh mà rất nhiều khách khác cũng ngạc nhiên khi dùng nhà vệ sinh.

Zach Honig so sánh nhà vệ sinh nhỏ và hẹp như khoang chứa hành lý. Ảnh: News.

Zach Honig so sánh nhà vệ sinh nhỏ và hẹp như khoang chứa hành lý. Ảnh: News.

Shane Staples, phát ngôn viên của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không tại American Airlines, nói: “Chúng tôi tin rằng phòng vệ sinh quá nhỏ là một trong những nguyên nhân khiến hành khách dễ tức giận hơn”.

Các tiếp viên hàng không cũng không hài lòng với thay đổi này. Không gian chung của máy bay chật chội đến mức nếu hai nhà vệ sinh cùng mở cửa, họ sẽ bị mắc kẹt ở giữa vì không có đủ khoảng trống để bước đi. Cơ trưởng Jimmy Walton cho biết dùng phòng vệ sinh mới trên máy bay thực sự là một “trải nghiệm khốn khổ nhất”.

Tuy vậy, đại diện hãng bay khẳng định, trên thế giới không chỉ riêng họ thiết kế nhà vệ sinh nhỏ. Nhiều hãng hàng không khác cũng đang đi theo con đường này và khẳng định kích thước nhà vệ sinh hoàn toàn đúng “tiêu chuẩn công nghiệp”.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Hành khách phàn nàn bị tiếp viên ngó lơ do nói xấu hãng bay

Nam du khách Đức cho biết đã trải qua chuyến bay tồi tệ kéo dài 13 tiếng, anh không được phục vụ nước, đồ ăn không ngon và tivi hỏng.

Josh Cahill, bloger du lịch người Đức, sử dụng dịch vụ của hãng Malaysia Airlines để bay từ Kuala Lumpur đến London. Trên Instagram, nam du khách gọi đó là “chuyến bay đáng thất vọng nhất trong năm”, News đưa tin ngày 21/11.
Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Anh kể đồ ăn được bày trên một cái khay dính và bẩn thỉu, còn màn hình tivi gắn ở chỗ ngồi để hành khách xem phim, nghe nhạc giải trí bị hỏng. Khi Josh thông báo với tiếp viên về việc thiết bị hỏng, họ chỉ tiếp nhận ý kiến chứ không có động thái khắc phục. “Tôi phải ngồi trên một chuyến bay kéo dài 13 tiếng, không có trò giải trí. Chỗ ngồi của tôi có lẽ là chỗ tệ nhất trên cái máy bay đó”.

Khi anh đăng những lời phàn nàn đó lên mạng giữa chuyến bay, người của hãng đã đọc được và liên lạc với cơ trưởng. Phi hành đoàn đã hỏi Josh về lý do đăng những lời bình luận. Theo Josh, từ đó, họ hoàn toàn phớt lờ anh: Không phục vụ nước và yêu cầu anh ngừng quay phim mọi hoạt động trên máy bay.

Trả lời phỏng vấn trên News, Josh cho biết một phần công việc của anh là review dịch vụ của các hãng hàng không. Ngoài ra, trước đó anh cũng được hãng Malaysia Airlines cho phép quay video trên chuyến bay, do vậy hành động của anh không hề sai.

Josh cũng liên lạc ngay với trung tâm dịch vụ khách hàng của hãng hàng không. Họ gửi lời hồi đáp và nói rằng, việc thông báo với cơ trưởng và phi hành đoàn về những phàn nàn của Josh là để họ phục vụ anh tốt hơn. Tuy nhiên, theo nam du khách, mọi chuyện vẫn tệ.

Sau khi xuống sân bay Heathrow (Anh), quản lý hãng hàng không đã gặp anh và gửi lời xin lỗi. Josh cũng nhận được một số mail xin lỗi nhưng anh cho biết, đó chỉ là những bức thư mẫu, và người viết không hề thành tâm. “Lần trước, tôi đã có một chuyến bay tuyệt vời với hãng này, nhưng lần này thì không. Và tôi sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của hãng nữa”.

Nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với nam du khách vì trải qua một chuyến bay tồi tệ. Bên cạnh đó, số khác cho rằng trường hợp mà anh gặp phải chỉ là cá biệt vì họ từng có những kỷ niệm rất tốt với hãng bay của Malaysia này.

Josh là một trong những blogger du lịch nổi tiếng trên mạng. Anh có hơn 20.000 người theo dõi trên Instagram và 55.000 người trên kênh Youtube. Ngoài ra, anh cũng là người điều hành blog du lịch Go Travel Your Way. Mỗi năm, Josh có khoảng 150 chuyến bay.

Nguồn: vnexpress.net