Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Bamboo Airways sẽ cất cánh vào 29/12’

Hãng bay của Tập đoàn FLC có thể bắt đầu bán vé từ cuối tháng này.

Tại một sự kiện chiều 15/11, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways sẽ giữ đúng kế hoạch cất cánh trong quý IV năm nay, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12.

Theo ông Quyết, các chặng bay đầu tiên của Bamboo Airways có thể là Hà Nội – Quy Nhơn, TP HCM  – Quy Nhơn, Hà Nội – TP HCM… Bên cạnh việc đưa khách tới các khu nghỉ dưỡng, tập đoàn cũng mong muốn góp phần giảm tải áp lực tắc nghẽn hàng không trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng cơ bản đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên. Những máy bay được Bamboo Airways thuê, trong đó có chiếc chưa qua sử dụng dự kiến về Việt Nam vào 15/12. “Bamboo Airways có thể mở bán vé trước khi cất cánh một tháng”, ông Thắng cho hay.

Đầu tuần này, hãng bay của FLC vừa được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ.

Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Aiways vẫn cần có chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC – Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi, bán vé… Hãng bay này có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Bamboo Airways được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7/2018, FLC tuyên bố bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ của hãng bay này lên 1.300 tỷ đồng. Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam.

Theo Anh Tú, vnexpress.net

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á. (Ảnh: Vietjet cung cấp)

Đồng phục tiếp viên của hãng hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á tại lễ trao giải thường niên NOW Travel Asia Awards của tạp chí NOW Travel Asia tổ chức tại Thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Kết quả được công bố dựa vào lượt bình chọn của độc giả và Ban giám khảo.

Đồng phục tiếp viên Vietjet được nhà thiết kế châu Âu thực hiện dựa trên ý tưởng đồng phục của thiếu sinh quân trong đội vệ quốc quân. Đối với tiếp viên nữ, áo thun đỏ cách điệu, thắt nơ trên cổ, quần soóc kèm theo mũ ca-lô kẻ sọc và các phụ kiện như cánh bay, huy hiệu, thắt lưng nâu và đôi giày búp bê đỏ xinh xắn tạo điểm nhấn cho trang phục.

Vào mùa đông, trang phục áo vest kết hợp quần soóc tạo nên sự trẻ trung, tươi mới. Đồng phục tiếp viên nam nhã nhặn, lịch sự nhưng không kém phần năng động với quần tây đen, giày tây và áo đỏ cách điệu.

Đồng phục tiếp viên Vietjet là sự kết hợp phá cách, dung hòa nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại, thoát ra khỏi khuôn khổ, giới hạn về mặt trang phục; đồng thời toát lên được sự độc đáo, mới lạ và đặc biệt luôn thể hiện tinh thần trẻ trung, sáng tạo, tràn đầy cảm hứng của Vietjet, chinh phục và kết nối bầu trời.

Năm ngoái, Vietjet cũng được vinh danh trong top 5 hãng hàng không có tiếp viên quyến rũ nhất bên cạnh Singapore Airlines, Air France và Emirates. Kết quả do trang web về phong cách sống và du lịch vivalifestyleandtravel.com của Canada bình chọn.

Kể từ năm 2012, giải thưởng thường niên NOW Travel Asia Awards đã vinh danh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch xuất sắc khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm nay, giải thưởng NOW Travel Asia Awards tiếp tục trao giải cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Không chỉ có số lượng người tham gia bầu chọn vượt xa kỳ vọng, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các đề cử, giải thưởng còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ trong ngành.

Hướng tới mô hình “Consumer Airline”, Vietjet không ngừng mở thêm các đường bay mới, bổ sung nhiều tàu bay, đầu tư công nghệ hiện đại, mang tới thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.

Vietjet luôn tiên phong và được yêu mến bởi nhiều chương trình khuyến mại, giải trí thú vị, đặc biệt là mùa lễ hội. Với dịch vụ vượt trội, hạng vé đa dạng, giá vé hấp dẫn, Vietjet mang đến cho hành khách trải nghiệm bay trên tàu bay mới, ghế da êm ái, thức ăn nóng, tươi ngon, tiếp viên xinh đẹp, thân thiện và các dịch vụ tiện ích cộng thêm thú vị.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Nguồn: vietnamplus.vn

Hãng hàng không phải vay tạm tiền của hành khách để sửa máy bay

Sự việc hi hữu này xảy ra trên một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan. Khi đó, tiếp viên hàng không đã vay tạm tiền của hành khách trên chuyến để trả tiền sửa chữa, và trả lại họ khi máy bay hạ cánh.

Sự việc hi hữu xảy ra trên chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines. Chuyến bay mang số hiệu LO92 chuẩn bị cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh, tới sân bay Warsaw Chopin hôm 12/11. Tuy nhiên, trước khi máy bay cất cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện thấy bơm thủy lực của máy bay bị hỏng.

Tiếp viên hàng không của hãng đã gọi thợ của hãng Boeing tới sửa. Người này yêu cầu cần trả tiền mặt. Do không mang theo tiền mặt cũng như thẻ tín dụng, tiếp viên của hãng đã “vay tạm” một khoản tiền từ 4 hành khách có mặt trên máy bay thời điểm đó.

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

“Họ vay tiền của 4 vị khách trên máy bay để trả tiền sửa chữa bơm thủy lực. Tổng số tiền là 360 USD. Sau đó, khoản tiền được trả lại cho khách ngay khi máy bay hạ cánh xuống Warsaw”, một hành khách cho biết.

Sự cố trên khiến chuyến bay hạ cánh chậm 9 tiếng so với dự kiến. Ngoài việc hoàn trả tiền, 4 vị khách hào phóng còn được hãng hàng không tặng vé bay miễn phí như một lời cảm ơn.

Nói về sự cố hi hữu này, phát ngôn viên của hãng hàng không đã đổ lỗi cho công ty đại diện đặt tại Bắc Kinh và nói rằng, lẽ ra “ông ta luôn phải mang theo tiền mặt và thẻ tín dụng, phòng trường hợp bất ngờ xảy ra”.

Trong lịch sử hàng không thế giới, một sự cố tương tự từng xảy ra vào tháng 8/2012. Khi đó, chuyến bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ sân bay quốc tế Paris Charles de Gaulle (CDG), Pháp, đến Sân bay Quốc tế Beirut-Rafic Hariri (BEY), Libăng, buộc phải chuyển hướng tới Cyprus, sau khi nhận được thông tin có cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại sân bay Beirut. Tuy nhiên, để tiếp nhiên liệu, phi công đã cho máy bay hạ cánh tại Damas, Syria. Do giao dịch bằng thẻ tín dụng không đảm bảo, đội ngũ phi hành đoàn đã kêu gọi hành khách lấy tiền mặt của mình để trả trước tiền nhiên liệu.

Theo Quốc Việt, dantri.com.vn