Cấm bay 12 tháng vị khách ném điện thoại vào nhân viên hàng không

Ông Phạm Huy Cường, 32 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên bị cấm bay 12 tháng vì có hành vi ném điện thoại vào mặt nhân viên hàng không tại sân bay Đà Nẵng.

Cấm bay 12 tháng vị khách ném điện thoại vào nhân viên hàng không - Ảnh 1.

Khu vực làm thủ tục bay tại sân bay Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định cấm bay 12 tháng đối với ông Phạm Huy Cường , 32 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên, là nam hành khách ném điện thoại vào mặt nhân viên hàng không.

Nam hành khách này bị cấm bay 12 tháng (từ 21-6-2018 đến 20-6-2019) và chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc trong 6 tháng tiếp theo.

Nguyên nhân được Cục Hàng không nêu rõ là do ông Cường đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, hành hung, ném điện thoại di động vào mặt nhân viên hàng không tại sân bay Đà Nẵng ngày 3-6.

Trước đó, vào ngày 6-6, Cảng vụ hàng không miền Trung cũng đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với hành khách này.

Cấm bay 12 tháng vị khách ném điện thoại vào nhân viên hàng không - Ảnh 2.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nơi ông Cường hành hung nhân viên hàng không- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, vào khuya 3-6 ông Cường là hành khách trên chuyến bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội đến quầy làm thủ tục thì được nhân viên thông báo đổi chuyến bay.

Nguyên nhân đổi chuyến do thời tiết trong vùng có áp thấp nhiệt đới nhưng vì hành khách đăng ký số điện thoại không chính xác nên việc thông báo chưa được kịp thời. Ông Cường tỏ ra khó chịu vì không được thông báo sớm về thông tin này.

Quá trình làm việc, người nhà của ông Cường hút thuốc tại khu vực không được phép nên bị nhân viên nhắc nhở.

Bức xúc, ông Cường đã ném điện thoại di động vào mặt nữ nhân viên của quầy làm chị này rách mí mắt phải đi bệnh viện cấp cứu.

Tại cơ quan an ninh, ông Cường thừa nhận hành vi vi phạm của mình và cho biết đã sử dụng bia rượu trước đó.

Nguồn: tuoitre.vn

Máy bơm khủng được đề xuất chống ngập cho Tân Sơn Nhất

Chủ đầu tư tiếp tục khẳng định sẽ không lấy tiền nếu máy bơm (công suất 400.000 m3 mỗi giờ) không giúp khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hết ngập.

Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm thông minh chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh) vừa đề xuất UBND TP HCM cho lắp máy bơm tại lưu vực đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) và Phan Huy Ích (quận Tân Bình, Gò Vấp) để chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

“Hai tuyến đường này hoàn toàn có thể giải quyết ngập nếu được lắp máy bơm. Chúng tôi kiến nghị theo hình thức cho thuê dịch vụ trọn gói, không hết ngập không lấy tiền”, ông Nguyễn Tăng Cường (Tổng giám đốc tập đoàn Quang Trung) khẳng định.

Máy bơm chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh có công suất 27-90.000 m3/giờ. Ảnh: Thành Nguyễn

Máy bơm chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh có công suất 27.000 – 90.000 m3/giờ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo ông Cường, qua khảo sát thực tế, cốt nền đường Nguyễn Văn Quá chỗ cao nhất 4,6 m và thấp nhất 1,65 m so với mực nước biển. Các khu vực lân cận tại phường Đông Hưng Thuận, Trường Chinh khi mưa lớn đổ dồn về đây, gây ngập khoảng 1,6 km với lưu vực khoảng 335 ha.

Còn đường Phan Huy Ích bị ngập khoảng 1,5 km với lưu vực gần 850 ha (trong đó 446 ha thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất). Điểm cao nhất trên tuyến đường này là 6,8 m và thấp nhất 1,68 m so với mực nước biển.

“Nếu thành phố đồng ý, chúng tôi sẽ dùng máy bơm đường kính 3-4 m, công suất lên đến 400.000 m3 một giờ – lớn hơn nhiều lần so với cái tại đường Nguyễn Hữu Cảnh”, ông Cường nói.

Về việc này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đang thực hiện máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, cần tiếp tục  theo dõi nên không mở rộng ở các khu vực khác.

Sau khi thử nghiệm thành công, ngày 19/4, Công ty Quang Trung và Trung tâm chống ngập ký hợp đồng thuê máy bơm đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian 7 năm, lưu vực chống ngập rộng 75 ha (song chưa xác định giá cụ thể). Yêu cầu được đặt ra là đảm bảo tuyến đường không ngập theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (mực nước nhỏ hơn 0,1 m) – đoạn từ Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh.

Từ khi đưa vào hoạt động, máy bơm giúp đường Nguyễn Hữu Cảnh thoát nước nhanh mỗi khi mưa lớn nhưng cũng có lần bị ngập đến nửa mét. Chủ đầu tư cho rằng do rác gây tắc nghẽn cống, nước không về trạm bơm được, và không loại trừ khả năng có hành vi cố tình phá hoại.

Nguyên nhân thứ hai chủ đầu tư đưa ra đã bị nhiều đơn vị phản bác, cho rằng do thiết kế của công trình này có nhiều bất cập.

Theo Hữu Nguyên,  vnexpress.net

Hành khách kinh hãi vì nhà vệ sinh máy bay quá bẩn

Khi vừa bước vào nhà vệ sinh, nam hành khách bay từ Italy đến Anh đã rùng mình vì khung cảnh bẩn thỉu bên trong.

Là hành khách trên chuyến bay của hãng Ryanair từ Italy tới Anh, Ben Perry đã ghi hình nhà vệ sinh và đăng trên Twitter, This Is Insider đưa tin ngày 15/6.

“Sau khi máy bay hoãn tới 4 tiếng, tôi vào nhà vệ sinh và thấy cảnh này”, Ben Perry viết. Anh cho rằng mọi thứ “thật kinh tởm”.

Video du khách Anh Ben Perry đăng ngày 10/6, hai ngày sau chuyến bay. Nguồn: Twitter.

Perry cho biết anh đã thông báo cho một nhân viên của Ryanair về tình trạng của nhà vệ sinh, tuy nhiên lại được phản hồi rằng đó không phải trách nhiệm của họ. “Tôi thấy việc chăm sóc hành khách không hề được quan tâm”, anh nhận định.

Trà lời Insider, đại diện của Ryanair cho biết: “Mọi máy bay của hãng đều được vệ sinh bởi các nhân viên chuyên nghiệp vào cuối ngày và tuân thủ các tiêu chuẩn của ngành. Thành viên phi hành đoàn cũng luôn giữ khoang hành khách gọn gàng và kiểm tra nhà vệ sinh sau mỗi chuyến bay”.

Đại diện này cũng nói rằng chuyến bay từ Comiso, Italy tới London, Anh, đã bị hoãn do thiếu hụt nhân viên kiểm soát không lưu và thời gian hoãn chuyến là 2 chứ không phải 4 tiếng. “Ryanair đã gửi lời xin lỗi tới tất cả hành khách liên quan thông qua email và tin nhắn SMS”, hãng cho biết.

Nguồn: vnexpress.net

15 điều sai lầm du khách thường làm trên chuyến bay

Ngồi yên một chỗ trong suốt thời gian bay, nhất là các chuyến bay dài, sẽ khiến bạn dễ mắc chứng bệnh nghẽn mạch máu ở chân.

Insider thống kê những điều bạn nên và không nên làm trên mỗi chuyến bay. Tránh được những điều này, bạn sẽ có chuyến bay an toàn và khỏe mạnh.

Đi chân trần

Sau mỗi chuyến bay, các tiếp viên sẽ phải dọn dẹp rác thải trên sàn, đó có thể là thức ăn thừa, bãi nôn… Việc dọn dẹp thường làm khá vội vàng trong khoảng nghỉ ngắn nên nếu không sạch sẽ là điều dễ hiểu. Linda Ferguson, tiếp viên hàng không 24 năm, nói: “Đừng bao giờ đi chân trần trên sàn máy bay. Không chỉ chứa đầy vi khuẩn, sàn máy bay còn có thể có các miếng vỡ từ cốc uống nước”.

Dùng đá viên

Một nghiên cứu của EPA (Tổ chức Bảo vệ Môi trường Mỹ) cho thấy chỉ 15% trong số hơn 300 máy bay được kiểm tra có nguồn nước đạt tiêu chuẩn về vệ sinh. Vì vậy, từ năm 2009, các hãng hàng không đã ngừng sử dụng nguồn nước trên máy bay. Nhưng đá viên thì vẫn được làm từ nguồn nước này. “Các bể chứa và nước trên máy bay đều rất cũ và bị nhiễm khuẩn. Tôi chắc chắn sẽ chỉ uống nước đóng chai”, một tiếp viên hàng không cho biết.

Ngồi yên một chỗ cả chuyến bay

Trên máy bay, bạn dễ mắc chứng bệnh nghẽn mạch máu (DVT) ở chân. Bệnh này có thể được tránh bằng cách đi lại vài phút. Bạn cũng nên tránh mặc quần áo bó vì chúng có thể ngăn cản lưu thông máu. Nhất là với các chuyến bay dài, “quan trọng nhất bạn phải vận động một lần sau mỗi tiếng ngồi, hay tập những bài thể dục cho chân”, Catherine Sonquist Forest, một bác sĩ ở đại học Stanford, Mỹ, cho biết.

Ăn đồ đã rơi trên khay hay bàn ăn

Bàn ăn trên máy bay chỉ được lau một lần duy nhất sau chuyến bay, nhưng trong chuyến bay, chúng được sử dụng cho mọi mục đích, kể cả thay tã cho em bé. Có người còn cho chân trần lên bàn ăn. Một nghiên cứu cho thấy có hơn 1.000 loại vi khuẩn trên mỗi cm2 của bàn ăn. Vì thế, hãy cẩn thận nếu bạn không muốn bị những sự cố với đường ruột.

Nên uống nước đóng chai trên máy bay. Ảnh: gazeta-shqip.

Nên uống nước đóng chai trên máy bay. Ảnh: gazeta-shqip.

Uống quá ít nước

Cổ họng bạn bị khô giữa chuyến bay? Đó là vì cabin máy bay phải giữ độ ẩm thấp để tương thích với không khí tại độ cao nhất mà con người có thể sống được (2.000 đến 2.500 km). Vì thế bạn cần uống nhiều nước. Trong mỗi chuyến bay cự ly trung bình, các tiếp viên đều uống ít nhất 2 lít nước.

Uống cà phê hoặc trà

Các loại đồ uống như vậy thường được pha chế từ bể nước máy bay. Cho dù nước có sôi đi chăng nữa, bạn vẫn nên chọn nước đóng chai. Một lý do nữa để tránh cà phê và trà là đồ uống chứa caffeine sẽ làm cơ thể bạn mất độ ẩm. Bạn có thể uống đồ chứa caffeine nhưng hãy nhớ uống cả nước nữa.

Uống quá nhiều rượu bia

Rượu bia làm bạn mất rất nhiều nước. Kết hợp với độ ẩm thấp trong cabin, cơ thể bạn sẽ rất khô. Không khí lỏng ở độ cao sẽ làm tác dụng phụ của rượu bia tác động đến bạn nhanh hơn. Đó còn chưa kể uống quá nhiều rượu bia sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của bạn. “Một cốc rượu trên máy bay bằng hai cốc rượu trên mặt đất”, tiếp viên Ferguson nói.

Uống soda

Khi bạn bay lên cao, lượng ga trong ruột bạn sẽ tăng lên 30%, vì vậy bạn không nên uống thêm thứ nước có ga nào. Hãy uống nước lọc đóng chai để tránh bị đau bụng hay đầy bụng.

Chạm vào nút xả nước

Như mọi nơi khác trên máy bay, nhà vệ sinh cũng là một ổ vi trùng. Để bảo vệ bản thân, hãy rửa tay thường xuyên và lót giấy vệ sinh lên nút xả trước khi chạm vào. Khi bạn vào nhà vệ sinh, điều bạn cần làm là rửa tay, sau đó lau tay với giấy khô rồi giữ tờ giấy đó trên tay để tắt nước, xả bồn cầu và cả mở cửa nữa. Sau khi xả nước, nhớ rửa tay lại với nước và xà phòng.

Dùng chăn

Chăn và gối cũng không được các hãng hàng không vệ sinh thường xuyên. Chúng chỉ được giặt vào cuối ngày, sau khá nhiều chuyến bay. Thêm nữa, chăn và gối là nơi ủ lý tưởng cho vi khuẩn vì mọi người có thể để chúng lên chân hay hắt xì vào.

Không nên dựa hay đụng chạm lên cửa sổ máy bay vì đây cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Ảnh: top5ivez.

Không nên dựa hay đụng chạm lên cửa sổ máy bay vì đây cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Ảnh: top5ivez.

Dựa vào cửa sổ

Chắc rằng bạn cũng từng dựa vào cửa sổ để ngủ nhưng bạn có biết rằng bao nhiêu người đã hắt xì hay ho vào tấm kính đó? “Tôi đã thấy nhiều người mang theo khăn tiệt trùng để lau chùi khu vực ngồi của mình. Nếu bạn mang theo một bóng đèn tia cực tím thì bạn sẽ phải giật mình vì lượng vi khuẩn đấy”, một tiếp viên hàng không cho biết.

Dùng kính áp tròng

Bạn nên mang gọng kính khi bay thay vì dùng kính áp tròng. Trong cabin độ ẩm sẽ rất thấp, vì vậy có thể làm mắt bạn bị khô. Nếu bạn phải ngủ qua đêm trên máy bay, kính áp tròng sẽ làm mắt bạn rất khó chịu.

Mặc quần soóc

Bạn nên mặc quần áo dài để bảo vệ da khỏi vi trùng trên ghế, trên sàn, cửa sổ… Ghế máy bay không được làm sạch giữa các chuyến và chứa nhiều vi khuẩn. “Máy bay không hề sạch, thậm chí còn bẩn hơn những khu vực công cộng khác. Đó là vì chúng không được làm sạch thường xuyên và hành khách thì rất đông. Mọi người thường không nhận ra rằng mình đang ngồi trên một chiếc ghế đã được sử dụng rất nhiều lần”, Stephen Morse, một giáo sư về bệnh dịch ở Đại học Columbia, Mỹ, cho hay.

Ngại nói với tiếp viên về sức khỏe của bạn

Đừng bao giờ nghĩ các tiếp viên sẽ khó chịu khi biết bạn ốm hay có vấn đề sức khỏe. Các tiếp viên được huấn luyện đặc biệt để xử lý các vấn đề về sức khỏe. Họ còn được huấn luyện cách đỡ đẻ nữa.

Ngủ trước khi cất cánh

Bạn sẽ dễ bị ù tai hơn nếu ngủ trước khi máy bay cất cánh. Nếu bạn dễ bị đau đầu trong chuyến bay, hãy đợi đến khi tai hết ù rồi mới ngủ.

Theo Ngoisao