Hàng không đổi khái niệm ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

Trong báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không, Cục hàng không đã thay đổi khái niệm này mà không thông qua văn bản nào.

Bắt đầu từ tháng 7/2017, báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay hàng tháng của Cục Hàng không Việt Nam được đổi từ khái niệm tổng hợp số liệu “chậm hủy chuyến” sang thành tình hình “bay chưa đúng giờ” của các hãng hàng không. Việc thay đổi khái niệm này chưa có quy định trong văn bản.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện Cục Hàng không cho biết việc thay đổi khái niệm này là để phù hợp với tình hình thế giới. Trên thế giới bây giờ cũng không còn khái niệm chậm hủy chuyến nữa, thay vào đó sẽ được đánh giá trên tỷ lệ chuyến bay có đúng giờ hay không (OTP).

Không riêng ở Việt Nam, các hãng hàng không thường đặt tiêu chí cạnh tranh dịch vụ là tỷ lệ bay đúng giờ được tối ưu hóa thế nào, và phấn đấu có tỷ lệ càng cao càng tốt. Như vậy việc chuyển từ khái niệm “chậm, hủy chuyến” sang “bay chưa đúng giờ” là phù hợp.

Hang khong doi khai niem ‘cham huy chuyen’ thanh ‘bay chua dung gio' hinh anh 1
Đổi khái niệm nhưng bản chất số liệu vẫn không thay đổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thay đổi khái niệm như thế nào thì bản chất của các số liệu vẫn được thống kê như cũ. Các hãng nên nhìn thẳng vào thực tế để ứng xử với khách hàng, thay vì tránh né và sử dụng khái niệm khác để giảm nhẹ tính chất vụ việc.

Mới đây, báo cáo tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam quý I, do Cục Hàng không công bố, đã chỉ ra hai hãng giá rẻ là Jetstar và Vietjet giữ kỷ lục về chuyến bay bị chậm giờ, khi có đến 6.742 chuyến.

Cụ thể, trong quý I, Jetstar Pacific có đến 21,1% chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ. Hãng đã thực hiện 8.985 chuyến bay trong quý I, trong đó có 1.898 chuyến bị chậm giờ.

Vietjet Air thực hiện tổng cộng 29.261 chuyến bay, số chậm giờ cất cánh là 4.844 chuyến, tỷ lệ là 16,6%. Lý do chủ yếu khiến hãng phải lùi giờ bay là máy bay về muộn, chiếm 3.667 chuyến bị chậm.

Với Vietnam Airlines, tỷ lệ chậm chuyến là 9,8%, với 3.183 chuyến bị chậm giờ trong tổng số 32.504 chuyến bay mà hãng đã thực hiện. Máy bay về muộn cũng là nguyên nhân chính dẫn tới chậm chuyến của Vietnam Airlines.

VASCO thực hiện 3.415 chuyến bay trong quý I, tỷ lệ chậm chuyến là 2,3%, với số chuyến bị chậm là 79 chuyến.

Ngoài nguyên nhân lớn nhất là máy bay về muộn, những nguyên nhân phổ biến khác gây chậm chuyến trong quý I lần lượt là do hãng hàng không, do trang thiết bị tại cảng hàng không và do đơn vị quản lý, điều hành bay. Lý do thời tiết mà các hãng đưa ra chỉ chiếm 2,1% số chuyến bay bị chậm chuyến.

Về huỷ chuyến, VASCO là hãng bay huỷ nhiều chuyến nhất, với 69 chuyến, kế đến là Jetstar Pacific với 60 chuyến, Vietnam Airlines với 52 chuyến và thấp nhất là Vietjet Air với 28 chuyến.

“So găng” lương phi công các hãng hàng không tại Việt Nam

Sau sự việc hàng loạt phi công của Vietnam Airlines nộp đơn xin nghỉ việc vì lương thấp so với mặt bằng chung ngành hàng không, thu nhập của ngành nghề này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chia sẻ với báo chí ngày 30/5, lãnh đạo của Vietnam Airlines nói “lương phi công của Vietnam Airlines hiện ở mức 250-300 triệu đồng/tháng. Các anh mà kêu là thấp thì xã hội có nghe các anh không?”.

Phản hồi lại thông tin này, nhiều người trong nhóm phi công có bức xúc cho biết, thu nhập thực tế mà họ nhận về chỉ khoảng một phần ba so với con số chia sẻ của lãnh đạo hãng, dao động ở mức 100-150 triệu đồng/tháng.

Còn theo báo cáo tài chính thường niên của Vietnam Airlines, năm 2017 thu nhập trung bình của phi công tăng 5% so với năm trước, tương đương khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng/năm).

Thu nhập phi công Vietjet Air cao gần gấp rưỡi Vietnam Airlines, nhưng vẫn thấp hơn Bamboo Airways

Theo tìm hiểu, mức thu nhập trung bình 1,45 tỷ đồng/năm của phi công Vietnam Airlines đang thấp hơn nhiều so với những người đồng nghiệp tại Vietjet Air.

Cụ thể, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, số lượng phi công tại hãng này đang là 499 người, với thu nhập lên tới  180 triệu đồng/người/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn phi công Vietnam Airlines tới gần 49%.

Con số này được đánh giá là cao vượt trội so với mặt bằng thu nhập của phi công nội địa, tuy nhiên, vẫn chưa “hậu hĩnh” bằng một tân binh vừa gia nhập thị trường là Bamboo Airways.

Đại diện hãng hàng không này cho biết, theo bảng thu nhập đã được phê duyệt, mức lương phi công tại Bamboo Airways sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng, tức hơn 2,4 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập này cao hơn Vietnam Airlines khoảng 65,5% và cao hơn Vietjet Air 11%.

So sánh thu nhập bình quân của ba hãng hàng không tại Việt Nam

Lương phi công Việt Nam ở mức nào so với thế giới? 

Theo khảo sát từ các trang web thống kê lương phi công thế giới, mức lương của phi công từ cấp cơ phó (thu nhập miễn thuế) của các nước trong khu vực Asean dao động từ 2.500 – 9.750 USD/tháng (khoảng 57 – 224 triệu đồng).

Một phi công thương mại tại Indonesia có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế.

Tại Ấn Độ, phi công của Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.

Còn tại Singapore, phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, khoảng 155 triệu đồng, sẽ tăng dần theo thời gian làm việc.

Thu nhập bình quân phi công tại các nước khu vực Asean

Như vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức lương trung bình của phi công tại Vietnam Airlines không chênh lệch quá xa so với các nước trong khu vực, trong khi thu nhập trung bình của một người Việt Nam hiện thấp hơn 2-20 lần so với người lao động tại các quốc gia nói trên.

Riêng mức chi trả của những hãng như Bamboo Airways và Vietjet Air thậm chí có thể xếp vào mức cao tại Asean, tương đương với những quốc gia trả cao nhất cho phi công như Singapore, với mức lương trung bình từ 6.800 USD – 9.000 USD/tháng (155 triệu – 207 triệu).

Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam 

Thông tin từ Bamboo Airways cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu cất cánh vào cuối năm 2018, hãng đã có đợt tuyển dụng quy mô từ tháng 4/2018, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên…Trong đó, nhu cầu cho phi công, bao gồm cơ trưởng và cơ phó, là hơn 90 vị trí.

Ngoài mức lương vượt trội, các phi công và nhân viên của hãng cũng được thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm, được tham gia các chương trình đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước, đặc biệt các vị trí cấp cao sẽ được gửi tới các hãng đào tạo hàng không quốc tế uy tín để nâng cao trình độ, hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn.

Nguồn: baophapluat.vn

Lợi nhuận hàng không toàn cầu bị đe dọa vì giá dầu tăng

Các hãng hàng không trên thế giới mới đây đã hạ mức dự báo lợi nhuận ngành cho năm 2018 trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng đột biến và cùng với đó, lãi suất cao hơn và căng thẳng địa chính trị cũng tăng rủi ro hoạt động.

Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho 280 hãng hàng không toàn cầu dự báo ngành công nghiệp này sẽ đạt lợi nhuận khoảng 33,8 tỷ USD vào năm nay, hạ tới 12% so với con số trước đó là 38,4 tỷ USD, theo Reuters.

Theo IATA, chi phí nhiên liệu và lao động cao hơn cũng như xu hướng tăng lãi suất là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của ngành hàng không trong năm 2018.

Năm ngoái, ngành công nghiệp này có mức lợi nhuận kỉ lục với 38 tỷ USD nhưng theo Businesstimes, phần lớn trong số đó được thúc đẩy bởi một số khoản đặc biệt như tín dụng thuế.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tăng trưởng hành khách nhanh nhất, tổng lợi nhuận dự kiến đạt 8,2 tỷ USD. Bắc Mỹ được dự báo là khu vực có lợi nhuận cao nhất với khoảng 15 tỷ USD.

Theo số liệu được đưa bởi The Straits Times, nhu cầu đối với hàng không sẽ tăng khoảng 7% vào năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 8,1% của năm trước. Tuy vậy, doanh thu cho mỗi dặm bay từ một hành khách dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm 2018, mức tăng đầu tiên kể từ năm 2011. IATA cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không toàn cầu.

Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho biết: “Khả năng sinh lời sẽ được duy trì trong năm nay bất chấp việc gia tăng chi phí. Nền tài chính của ngành công nghiệp này đang mạnh lên khi liên tiếp có lãi trong 9 năm qua”.

Theo dự báo từ IATA, giá dầu thế giới sẽ đạt khoảng 70 USD/thùng, cao hơn hẳn mức 54,9 USD của năm 2017 và 60 USD của năm trước nữa.

Số liệu từ Reuters cho biết giá dầu ổn định trong các phiên giao dịch ngày hôm nay khi sản lượng của Mỹ đạt kỷ lục cũng như thành viên của Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cân nhắc gia tăng nguồn cung. Dầu thô Brent giao dịch ở mức 76,79 USD/thùng và dầu của Mỹ đạt 65,86 USD/thùng.

Nguồn: theleader.vn

FLC chọn máy bay Airbus cho hãng hàng không đang chờ cấp phép

Hãng hàng không Bamboo Airways của tập đoàn FLC đã ký biên bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay A321neo trị giá 3 tỷ USD.

FLC chọn máy bay Airbus cho hãng hàng không đang chờ cấp phép
Hình ảnh máy bay A321neo của Bamboo Airways. Ảnh: Airbus

Tin từ Airbus cho biết, hãng sản xuất máy bay của Pháp đã ký một bản ghi nhớ với tập đoàn FLC của Việt Nam. Theo đó hãng hàng không Bamboo Airways của FLC sẽ mua 24 máy bay A312neo khi hãng hàng đi vào hoạt động trong tương lai.

Bản ghi nhớ được ký kết hôm 26/3 trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó vài tuần, FLC đã thông báo về thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD này.

Airbus A321neo là phiên bản mới thuộc dòng A321 – loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus (gồm máy bay A318, A319, A320 và A321). A321neo có tổng chiều dài 44,51 mét, bố trí 240 chỗ ngồi, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải và tiếng ồn. Máy bay thuộc dòng vận tải hành khách một lối đi rộng, cửa khoang khách thiết kế mới, lối thoát hiểm được tăng kích thước.

Airbus A321neo là chiếc máy bay phổ biến và nằm trong biên chế phục vụ của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có kết cấu khoang hợp lý, phạm vi hoạt động từ tầm ngắn đến tầm trung, tỷ suất an toàn cao, A321neo được đánh giá là sản phẩm phù hợp với cả các tuyến bay giá rẻ và tuyến bay dịch vụ hoàn chỉnh, lý tưởng cho mô hình “lai” (hybrid) kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.

Các máy bay này sẽ được cung cấp cho Bamboo Airways từ bên cho thuê thứ 3 khi hãng đi vào hoạt động dự kiến từ năm 2019. Bamboo Airways vẫn đang xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi nộp và bổ sung hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải từ năm ngoái.

Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịchViệt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa – Quy Nhơn, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Nha trang, Hải Phòng – Quy Nhơn….

Tập đoàn FLC cho biết, chiến lược này nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Nguồn: theleader.vn

Cô gái Mỹ được hoàn trả 500 USD tiền phạt vì quả táo trên máy bay

Nhờ sự giúp đỡ của một nghị sĩ quốc hội, cô gái từng bị phạt 500 USD vì mang một quả táo vào Mỹ nay đã được hoàn tiền.

Hai tháng trước, Crystal Tadlock, một hành khách của hãng hàng không Delta, bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ phạt 500 USD và thu hồi thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu (Global Entry) chỉ vì một quả táo.

Tuy nhiên, mới đây nhờ những nỗ lực của một nghị sĩ bang Colorado, số tiền phạt cũng như thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu đã được trả lại cho cô gái.

Theo Sfgate, Crystal ngồi trên chuyến bay từ Pháp về Mỹ trước khi làm thủ tục nhập cảnh, chuẩn bị cho chuyến bay chuyển tiếp. Cô bị giữ lại khi hải quan phát hiện cô đang mang một quả táo do tiếp viên của hãng Delta đưa cho. Quả táo được đựng trong chiếc túi nhựa có cả logo của hãng mà cô gái trẻ giữ lại sau bữa ăn nhẹ ở chuyến bay nội địa.

Một nhân viên hải quan cho rằng cô đã vi phạm vì mang hoa quả không khai báo vào Mỹ, dù đó là quả táo được phát trên máy bay. Anh ta từ chối cho Crystal vứt quả táo đi, bắt cô nộp phạt 500 USD, đồng thời thu hồi thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu.

Crystal chia sẻ câu chuyện trên truyền hình. Video: CBS Philly.

Sau khi trở về, cô đã trả lời phỏng vấn với một đài truyền hình ở TP Denver, bang Colorado. Trong đó cô cho biết mình bị “đối xử như một tên tội phạm chỉ vì một quả táo”.

May mắn cho Crytal, bài phát biểu của cô đã được nghị sĩ Ed Perlmutter chú ý và cảm thấy tức giận trước sự thực thi độc đoán của cơ quan hải quan. Tại thủ đô Washington, ông đã hội ý với một số quan chức từ Cục Hải quan và Bộ Nông nghiệp để tranh cãi về vụ việc của Crytal. Nghị sĩ này cho rằng các cơ quan cần phải học cách linh hoạt thay vì máy móc áp dụng các điều khoản trong luật. Cuối cùng, Hải quan Mỹ cũng đã đồng ý trả lại 500 USD tiền phạt cho nữ hành khách.

Theo Trường Đặng, vnexpress.net

Chủ dẫn đi chơi cầu kính Trung Quốc, chó không dám nhúc nhích

Con chó quá hoảng sợ đến nỗi chỉ dám nằm trên mặt cầu kính ở Trung Quốc, để chủ cầm dây kéo đi.

Angel, giống chó Samoyed 3 tháng tuổi, mới đây được chủ đưa đi chơi tại khu thắng cảnh trên đỉnh Jiushanding, thuộc dãy Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Khi đi qua cầu kính ở độ cao hơn 1.000 m, Angel không dám di chuyển mà chỉ nằm dạng tứ chi, buộc cô chủ phải kéo đi một đoạn trước khi bế nó suốt chặng còn lại.

Đoạn video được đăng tải hôm 6/6 gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một người bạn của cô chủ cho biết, ban đầu Angel vẫn ổn nhưng khi nhìn xuống vực sâu dưới lớp kính thì nó hoảng loạn. “Chắc chắn Angel mắc chứng sợ độ cao. Những người khác có thể nghĩ như thế thật đáng yêu và buồn cười”, anh nói trên Kan Kan News.

Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội cho rằng cô không nên bắt Angel lên cầu kính. “Thế này không vui chút nào, con chó không tỏ ra đáng yêu mà đang sợ hãi”, một người bình luận. “Người chủ không nên khiến nó cảm thấy khó chịu, hành động này thật tàn độc”, một người khác viết.

Cây cầu kính trên đỉnh Jiushanding rộng 2 m, dài 320 m, xây men theo vách núi, theo Sở Du lịch Thiên Tân. Khu du lịch này mở cửa từ tháng 6/2017 với giá vé 55 nhân dân tệ (gần 200.000 đồng) một lượt.

Nhiều khu thắng cảnh vùng núi tại Trung Quốc cũng cho xây dựng cầu đáy kính để hấp dẫn du khách. Những công trình này đem lại cảm giác thót tim cho khách, đôi khi cả những giây phút dở khóc dở cười khi trải nghiệm.

Video: Weibo.

Thò đầu ngắm phố, ba chú chó biến tường nhà thành nơi hút khách

Ngay cả du khách nước ngoài cũng tìm đến một bức tường vô danh ở Nhật Bản để thăm ba chú chó Shiba trên đảo Kyushu.

Ngoài nhiệm vụ trông nhà, ba chú chó Shiba còn ngóc đầu ra khỏi ba lỗ vuông ở bức tường sát đường ở trong thành phố Shimabara, đảo Kyushu. Điều này tạo nên một khung cảnh dễ thương, thu hút nhiều người tìm đến xem.

Ngay cả khách nước ngoài cũng lặn lội đến thăm chúng. Một trong số đó là blogger Đài Loan, Miguel Yeh, 34 tuổi. Anh đã quay một đoạn video ngắn về ba ngôi sao mới nổi.

Trong blog viết về chuyến thăm của mình, Miguel giải thích rằng người chủ thường mang ba chú chó ra chỗ bức tường cho vui.

Ba con chó sống ở Shimabara, đảo Kyushu.

Một tấm bảng được gắn phía trên ba chiếc lỗ, ghi “Xin đừng cho chó Shiba ăn, nếu không chúng sẽ bị tiêu chảy”.

Những chú chó sẽ thò đầu ra chào khách nếu có người gọi, đôi khi người chủ cũng rướn người ra và trò chuyện với khách như Miguel có cơ hội.

Mức độ “phủ sóng” trên mạng xã hội của ba chú chó Shiba này khiến nhiều người bất ngờ. Một người dùng Twitter Nhật Bản đã chụp ảnh của bộ ba, bài đăng được chia sẻ hơn 100.000 lần.

Nguồn: vnexpress.net