Những quy định đối với dịch vụ xe đưa đón Nội Bài – Hà Nội

Quý khách hàng thân mến!

Để thuận tiện cho việc hỗ trợ cũng như giải đáp các thắc mắc của Quý khách về dịch vụ xe đưa đón Nội Bài – Hà Nội, ATADI xin thông báo một số quy định như sau:

• Khi có bất kỳ thay đổi nào về thông tin hành trình trên vé máy bay, vui lòng liên hệ lại bộ phận hỗ trợ của atadi.vn hoặc điều phối viên trước 48h so với giờ khởi hành để được hỗ trợ kịp thời cho dịch vụ xe đưa đón.

• Để đảm bảo an toàn cho quý khách, xe 4 chỗ chỉ chở tối đa 4 hành khách, không bao gồm hành lý kí gửi.

• Quý khách có nhu cầu đặt xe >= 7 chỗ, vui lòng liên hệ bộ phận hỗ trợ để được hướng dẫn chi tiết.

• Phụ thu thêm nếu đón trả khách tại 4 Quận ven như : Hoàng Mai, Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm : 40,000đ/lượt xe 4 chỗ, 50,000đ/lượt xe 7 chỗ.

• Phí phát sinh địa điểm đón trả thứ 2 nhỏ hơn hoặc bằng 5km: phụ thu 40,000đ / xe / địa điểm. Nếu trên 5km sẽ tính 8,000đ/ km.

* Phụ thu phí đón muộn, tiễn sớm khung giờ 23h-05h : 40,000đ/lượt xe 4 chỗ, 50k/lượt xe 7 chỗ

• Phí dịch vụ xe là dịch vụ cộng thêm, nên khi khách không có nhu cầu sử dụng:

+ Yêu cầu dừng dịch vụ liên hệ trước 48h so với giờ bay.

+ Phí hoàn/hủy dịch vụ xe: 40,000đ/ lượt.

+ Hoặc yêu cầu ATADI bảo lưu trong vòng 30 ngày kể từ khi ghi nhận, khi có nhu cầu sử dụng lại dịch vụ xe, quý khách vui lòng thông báo cho ATADI trước 48h để điều phối viên chuẩn bị dịch vụ.

Thông tin liên hệ vui lòng gửi về hotro@atadi.vn hoặc hotline 1900636484

Trân trọng!

6 mẹo để không phải thức trắng trên những chuyến bay dài

Với chuyến bay ngắn, bạn có thể xem phim, đọc sách hoặc nghe nhạc để giết thời gian, nhưng ngủ sẽ là giải pháp tốt nhất khi bay chặng dài.

Không ai muốn phải dành suốt hơn một ngày đầu tiên của kỳ nghỉ để lấy lại sức sau chuyến bay dài. Với một chuyến bay khoảng vài tiếng, bạn có thể xem phim, đọc sách hoặc nghe nhạc để giết thời gian, nhưng ngủ sẽ là giải pháp tốt nhất cho một chuyến bay chặng dài. Dưới đây là 6 mẹo nhỏ giúp bạn luôn khỏe khoắn khi đi chơi xa bằng máy bay.

Chỗ ngồi lý tưởng

Nếu không đủ tiền mua vé khoang hạng nhất hoặc thương gia, bạn vẫn có đặc quyền riêng của mình khi chọn chỗ ngồi ở khoang phổ thông. easyJet chỉ ra rằng ghế số 7F là vị trí được nhiều hành khách săn tìm, do không gian yên tĩnh cách xa khu vực đầu máy bay – nơi những người có con nhỏ hay chọn. Ngồi cạnh cửa sổ cũng là lợi thế, giúp bạn chủ động kéo rèm cửa, không bị làm phiền khi có người đi lại ở lối giữa…

Bạn nên hạn chế làm phiền người xung quanh khi ngủ trên máy bay. Ảnh: Telegraph.

Bạn nên hạn chế làm phiền người xung quanh khi ngủ trên máy bay. Ảnh: Telegraph.

Bạn cũng có thể cân nhắc những ghế hàng cuối trên máy bay, nơi thường có nhiều chỗ trống. Nếu may mắn bạn sẽ có nguyên một hàng ghế trống để ngả lưng.

Dù ngồi vị trí nào, bạn hãy cố gắng ngả ghế tối đa trên những chuyến bay dài để tránh đau nhức lưng và cổ. Tuy nhiên, ngả ghế trên những chuyến bay ngắn (dưới 2 tiếng) là điều tối kỵ.

Thả lỏng

Khi có chỗ ngồi thoải mái, bạn cần nghĩ đến việc thư giãn đôi chân. Nếu bạn cao, hãy đảm bảo khoảng trống trước ghế đủ để bạn thả lỏng chân nhất có thể. Nếu chiều cao khiêm tốn, bạn có thể đặt chân lên hành lý xách tay, làm sao để người bạn nằm theo góc càng gần 180 độ càng tốt.

Đừng quên đặt một chiếc gối mỏng (nếu tiếp viên phát sẵn) hoặc bất cứ chiếc khăn, áo len nào… dưới lưng để không bị nhức mỏi khi tỉnh dậy.

Dù nằm, ngồi theo tư thế nào, bạn cũng không nên tháo đai an toàn. Có thể khi máy bay đã ổn định độ cao, đèn báo thắt dây an toàn sẽ tắt nhưng sẽ không ai đánh thức bạn để nhắc nhở khi máy bay rung lắc, đi vào vùng nhiễu động.

Những vật dụng hữu ích

Một chiếc gối ôm cổ, mặt nạ che mắt, chăn mỏng… là những thứ cơ bản giúp bạn có một giấc ngủ êm ái. Nếu không có gối, hãy dùng một chiếc khăn quàng cổ dày để thay thế. Đừng quên nhỏ vài giọt tinh dầu oải hương, bạc hà hay quế… lên gối giúp bạn khử những mùi khó chịu trên máy bay.

Tai nghe cũng là trợ thủ đắc lực – ru bạn vào giấc ngủ với những bản nhạc nhẹ, hoặc khéo tránh những hành khách không biết ý, thích bắt chuyện khi bạn không có hứng.

Ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ảnh: KLM.

Ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ảnh: KLM.

Đừng để dạ dày quấy rầy

Hãy nói không với cocktail, cà phê, trà và soda… những thứ gây mất nước nhanh hơn. Thay vào đó, hãy gọi một ly sữa (ấm càng tốt) – chứa chất tryptophan có thể kéo cơn buồn ngủ đến nhanh hơn. Hãy mang theo vài túi trà hoa cúc trong hành lý xách tay, ăn những thứ lành mạnh cho bữa nhẹ như hạnh nhân hay chuối lúc bạn đợi ở sân bay.

Đừng xem TV

Ánh sáng từ màn hình TV, laptop hay bất cứ thiết bị điện tử nào sẽ khiến bạn tỉnh như sáo. Chỉ cần đảm bảo bạn có nút bịt tai chống ồn hoặc tai nghe để át tiếng ồn là đủ.

Hẹn giờ ngủ

Không có cách nào giúp bạn ngủ một mạch 10 tiếng trên máy bay, trừ phi bạn miễn nhiễm với mọi thứ xung quanh – từ máy bay rung lắc khi đi vào vùng nhiễu động, những lần tiếp viên phục vụ ăn uống… Một giấc ngủ khoảng 90 phút mỗi lần có thể đủ khiến bạn cảm thấy sảng khoái khi tỉnh dậy, mà không phải đói bụng hay bị mệt do ngủ quá dài.

Hãy cố gắng hạn chế những thói quen xấu khi ngủ để không làm phiền người khác trên máy bay.

Nữ hành khách quay lại cảnh người ngồi cùng dãy ngáy khi ngủ. Video: YouTube.

Nguồn: vnexpress.net

TP HCM muốn mở rộng Tân Sơn Nhất ngược hướng với tư vấn nước ngoài

Nhóm nghiên cứu độc lập do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thành lập, thống nhất phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc (sân golf)

Ngày 28/2, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM) cho biết, chủ trương nhất quán của TP HCM là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, dù có hay không xây thêm đường băng thứ ba. Bởi khu vực này còn là hướng kết nối giao thông, kết nối đô thị, hay làm thêm nhà ga hành khách.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống là thành viên nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập, để cố vấn về các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

“Chúng tôi đã báo cáo hai phương án với Thủ tướng, đều mở rộng sân bay lên phía này. Một là giữ nguyên hai đường băng hiện hữu, hai là mở thêm đường băng thứ ba. Phương án của TP HCM có nhiều điểm khác với phương án mà đơn vị Tư vấn Pháp đưa ra. Nhưng đã gọi là nghiên cứu thì tất cả các phương án đều cần phải được xem xét, cân nhắc thiệt hơn”, ông Tống nói.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: Hồng Châu.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: Hồng Châu.

Sau hơn nửa năm khảo sát và nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã đưa ra những phương án đề xuất và tính toán kỹ lưỡng. Đề xuất của nhóm tư vấn gồm 3 giai đoạn.

Từ năm 2018 đến 2020: xây nhà ga T3 với năng suất 10 triệu khách một năm, tại phía Nam, để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới; quy hoạch và xây dựng đường vành đai xung quanh sân bay; thuê tư vấn quốc tế thiết kế cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt năng suất tối đa.

Năm 2020-2022: xây nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, năng suất 20 triệu khách mỗi năm; đường lăn, bãi đỗ theo phương án một nhưng dịch ra phía Bắc nhiều hơn để dành chỗ làm đường băng thứ ba; cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng năng suất lên mức 55 triệu khách một năm.

Năm 2022- 2025: xây đường băng thứ ba dài 2.400 m theo phương án hai. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ ba; mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc để có năng suất 35 triệu khách một năm – nhằm nâng tổng năng suất các nhà ga T1, T2, T3 và T4 lên mức 70 triệu khách một năm, và hoàn thiện hệ thống các công trình phía Bắc…

Theo ông Tống, thành phố nghiên cứu đến năm 2025 có đến 60-70 triệu hành khách qua Tân Sơn Nhất, trong khi đó không có căn cứ chắc chắn thời điểm này sân bay Long Thành đã xong, nên mới có phương án xây dựng đường băng thứ ba ở Tân Sơn Nhất (nâng công suất phục vụ 70 triệu hành khách một năm), nếu không thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu những những ý kiến tích cực của các chuyên gia. Dự kiến đến giữa tháng 3 Thủ tướng có quyết định cuối cùng về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. Ảnh: Google maps

Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. Ảnh: Google maps.

Báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải chiều 27/2 về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp cho rằng, cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025, để không phải xây thêm đường băng số ba. Bởi sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.

Đơn vị tư vấn độc lập cũng chỉ ra hai phương án xây dựng nhà ga hành khách về phía Bắc hoặc phía Nam. Trong đó, nếu xây ở phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí. Do đó, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.

Ngoài ra, tư vấn đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía Nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.

 Nguồn: vnexpress.net

Tư vấn nước ngoài đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào?

Theo tư vấn Pháp, nếu xây thêm đường băng số 3 ở Tân Sơn Nhất sẽ giúp nâng công suất lên 70 triệu khách, nhưng rất tốn kém.

Video: Khánh Hoàng

Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp vừa có báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trình Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, công ty này giới thiệu sáu phương án gồm một phương án xây dựng thêm đường băng số 3 (Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường băng); năm phương án mở rộng sân bay về phía nam – phía bắc và không xây đường băng số 3.

Phương án xây dựng thêm đường băng số 3 

Để nâng công suất sân bay lên 60-70 triệu hành khách mỗi năm, đơn vị tư vấn Pháp đề xuất một phương án xây dựng đường băng thứ ba về phía bắc dài 2.600 m, nằm cách đường cất hạ cánh hiện nay 700 m và một nhà ga hành khách công suất 30-40 triệu người hoạt động tách biệt với các nhà ga đang có.

Việc xây dựng đường băng mới sẽ lấy toàn bộ đất quốc phòng, bao gồm sân golf hiện ở phía bắc; chi phí xây dựng khoảng 35.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng.

ADPi phân tích, mặc dù tăng công suất sân bay song việc xây dựng đường băng mới sẽ phải giải phóng mặt bằng rất nhiều nhà dân ở khu vực phía bắc, chưa kể ảnh hưởng tiếng ồn đối với cộng đồng dân cư xung quanh.

Trong cuộc họp của ADPi với lãnh đạo Bộ Giao thông vào chiều qua 27/2, một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đường băng mới là rất tốn kém, ngoài chi phí xây dựng nêu trên còn thêm chi phí giải phóng mặt bằng 45.000 tỷ đồng với hàng nghìn hộ dân.

Phương án xây dựng đường băng số 3 và nhà ga hành khách phía bắc sẽ lấy gần hết đất sân golf. 

Phương án xây dựng đường băng số 3 và nhà ga hành khách phía bắc sẽ lấy gần hết đất sân golf.

Ngoài ra, phương án trên sẽ dẫn đến vấn đề phức tạp là máy bay phải đi vòng qua các đường lăn hiện tại, gây tăng chi phí cho hãng hàng không.

Đường băng số 3 với độ dài 2.600 m chỉ đảm bảo cho máy bay các loại cỡ trung như A320 hoạt động, với tần suất cất cánh khoảng 160.000 – 180.000 lượt mỗi năm. Do đó, theo phương án này thì chỉ nâng công suất chuyên chở của Tân Sơn Nhất thêm khoảng 20 triệu hành khách mỗi năm, trong khi xây dựng nhà hành khách mới công suất 40 triệu hành khách là chưa hợp lý.

Phương án xây thêm đường băng số 3 giống với nghiên cứu của Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) từng đề xuất.

Cụ thể, ADCC từng đưa ra 7 phương án chia thành 3 nhóm, trong đó có phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía bắc, nhà ga T3 ở phía nam. Phương án này có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.000 tỷ đồng, cao nhất là 187.000 tỷ đồng; thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.

Phương án mở rộng sân bay về phía nam và phía bắc, không xây đường băng số 3

Đơn vị tư vấn Pháp đã dự báo lưu lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất vào năm 2025 đạt 51 triệu hành khách, do đó, không cần thiết xây dựng đường băng số 3 mà chỉ xây dựng thêm nhà ga hành khách, đường lăn, nhà ga hàng hóa, khu bảo dưỡng máy bay…

Cụ thể, với khu bay, ADPi đề nghị dịch chuyển đường cất hạ cánh 07R/25L về phía Đông khoảng 180 m, rút ngắn chiều dài đường cất hạ cánh này từ 3.800 m xuống còn 3.656 m; xây mới đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, nâng số lượng vị trí đỗ tàu bay để giải quyết ùn tắc.

Ngoài ra, ADPi đề xuất xây dựng thêm một nhà ga hành khách T3 về phía nam với công suất 20 triệu hành khách để liên thông với các nhà ga hiện nay.

Theo đơn vị tư vấn, nếu xây nhà ga hành khách phía bắc thì khu vực nhà ga bị chia cắt thành 2 bên của hệ thống đường cất hạ cánh làm tăng chi phí vận hành. Việc xây nhà ga hành khách ở phía nam sẽ giúp giảm diện tích đất cần phải thu hồi, vận hành tàu bay và hành khách đơn giản hơn; giảm khối lượng công việc thi công.

Phương án xây dựng nhà ga hành khách phía nam và các công trình phụ trợ phía bắc lấy một phần đất sân golf. 

Phương án xây dựng nhà ga hành khách phía nam và các công trình phụ trợ phía bắc lấy một phần đất sân golf.

Các công trình phụ trợ nhà ga hàng hóa, khu bảo dưỡng máy bay được tư vấn nước ngoài đề xuất đặt ở phía bắc đường cất hạ cánh, giúp kết nối nhanh chóng với hệ thống giao thông hiện tại.

Với phương án này, một số chuyên gia hàng không cho rằng việc xây dựng các công trình phụ trợ sẽ ảnh hưởng một phần đất sân golf nằm ở phía bắc.

Chi phí mở rộng sân bay theo phương án trên được ADPi tính toán là hơn 30.000 tỷ đồng, chưa bao gồm giải phóng mặt bằng.

Tư vấn ADPi khẳng định, dự báo thì đến năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 51 triệu hành khách mỗi năm. Sau thời điểm đó, sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải hành khách của Tân Sơn Nhất.

Do đó, ADPi đã khuyến cáo lựa chọn phương án mở rộng sân bay về phía nam và phía bắc mà không xây thêm đường băng số 3 để đạt công suất 50 triệu hành khách mỗi năm.

Cụ thể, tại phía nam sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 và mở rộng sân đỗ máy bay trước nhà ga này trên phần đất do quân sự quản lý. Về phía bắc sẽ lấy phần đất quốc phòng để xây dựng nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật phụ trợ.

Các công trình xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Sân bay Tân Sơn Nhất rộng khoảng 800 ha, bao gồm hai đường băng nằm về phía bắc nhà ga hành khách và hai nhà ga hành khách T1, T2. Phía bắc là khu vực đất quốc phòng, sân golf do Bộ Quốc phòng quản lý rộng 157 ha; phía đông tây sân bay đều tiếp giáp khu dân cư.

Công suất sân bay Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu hành khách, song mỗi năm đón khoảng 35 triệu người. Trước tình trạng quá tải, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông nghiên cứu phương án mở rộng sân bay này trong khi chưa xây dựng sân bay Long Thành.

Phương án được trình dự kiến bổ sung đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và xây dựng bổ sung nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, thời gian thực hiện quy hoạch nhanh (khoảng từ 2 đến 3 năm).

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất, tháng 10/2017, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía bắc (khu vực sân golf) và phía nam; nâng tổng công suất đạt khoảng 45 – 50 triệu hành khách/năm.

Nguồn: vnexpress.net