Nữ tiếp viên Vietnam Airlines ngăn khách VIP trộm cắp trên máy bay

Nữ tiếp viên Vietnam Airlines đã phối hợp ngăn chặn vụ một khách VIP người nước ngoài nghi trộm cắp trên máy bay.

Nữ tiếp viên Vietnam Airlines ngăn khách VIP trộm cắp trên máy bay - Ảnh 1.

Một số đối tượng xấu đã lợi dụng đi trên các chuyến bay của Vietnam Airlines để trộm cắp tài sản của hành khách

Ngày 20/12, Vietnam Airlines cho biết các tiếp viên của hãng vừa phối hợp ngăn chặn một vụ khách VIP người nước ngoài bị nghi thực hiện hành vi lục hành lý lấy cắp tài sản của hành khách khác trên tàu bay.

Cụ thể, trên chuyến bay VN211/HAN-SGN ngày 16/12 cất cánh tại Hà Nội lúc 06h30, hạ cánh tại TP HCM lúc 8h20, sau khi máy bay lăn vào sân đỗ, anh Phạm Đức Tuấn ngồi ghế 4A hạng Thương gia thông báo cho tiếp viên Nguyễn Thị Thu Trang là mình bị mất tiền trong hành lý. Nghe thấy vậy, anh Lê Hồng Khanh ngồi cùng khoang số ghế 4D chỉ về phía hành khách H.C.Y (số ghế ngồi 7D, đang đứng đợi xuống máy bay ở cửa số 2) và nghi ngờ hành khách này có hành vi trộm cắp tài sản. Anh Khanh cho biết có quan sát thấy khách H.C.Y đã mở ngăn đựng hành lý của mình sau đó mở ngăn đựng hành lý trên ghế ngồi số 4A. Ngay lập tức, tiếp viên Thu Trang báo cáo sự việc cho tiếp viên trưởng Vũ Thị Cẩm Tú đang ở phía trên để giám sát ngay khách H.C.Y.

Tiếp viên trưởng Cẩm Tú báo cáo cơ trưởng để kịp thời thông báo cho An ninh sân bay, Cảng vụ Hàng không miền Nam, đại diện Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp xử lý. Tiếp viên trưởng Cẩm Tú cũng thông báo đến toàn bộ hành khách ở khoang hạng Thương gia về việc có hành khách bị mất tiền, đề nghị hành khách ngồi lại trên máy bay, kiểm tra lại tư trang cá nhân và yêu cầu các tiếp viên trong tổ kiểm soát không cho khách hạng Thương gia xuống máy bay ở cửa số 2.

Sau khi tiến hành kiểm tra, hành khách số ghế ngồi 3D (anh Yoshida Kenichi) cũng thông báo bị mất số tiền 1.800 USD trong hành lý. Lúc này tiếp viên Thu Trang đang tiến hành kiểm tra toàn bộ các vị trí mà tiếp viên quan sát thấy khách H.C.Y đi lại, gồm hộc tủ, khu vực bếp, phòng vệ sinh, ghế ngồi của tiếp viên và phát hiện thấy một tập tiền đô la và một túi nhựa màu đen ở ghế ngồi của tiếp viên tại cửa số 2 bên tay phải.

Tiếp viên Thu Trang đã không mở ra mà cho ngay vào túi nôn để bàn giao vật chứng cho các cơ quan liên quan tại sân bay. Tiếp viên trưởng Cẩm Tú đã lập sự việc với sự xác nhận của 2 hành khách bị thiệt hại, 2 hành khách chứng kiến và hành khách bị tình nghi.

Một lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cũng cho biết vụ việc đã được chuyển đến công an phường 2, quận Tân Bình để xử lý. Mặc dù chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp nhưng quan trọng là các tiếp viên đã ngăn chặn, tránh tình trạng mất tài sản của hành khách trên máy bay.

Với tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm cao, trong 2 năm qua, các tiếp viên Vietnam Airlines đã liên tục phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi trộm cắp cũng như tìm và trả lại nhiều tài sản cho hành khách, tạo niềm tin và sự an tâm cho hành khách khi bay trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Nguồn:  kenh14.vn

Tiếp viên hàng không tiết lộ những điều họ ghét nhất

Hầu hết nguyên nhân các tiếp viên đưa ra đều bắt nguồn từ thái độ của khách.

Rất nhiều vấn đề như chi phí liên quan, trục trặc đường băng, thức ăn quá đắt, chậm trễ hay hủy chuyến mà hãng bay luôn là đơn vị phải nhận lỗi. Nhưng đây chưa phải là lý do khiến tiếp viên hàng không cảm thấy tồi tệ. Sự thật, theo Thrilist, nguyên nhân số một chính là các hành khách thân thiết.

Hành lý xách tay quá lớn

Một tiếp viên hàng không thú nhận, ngăn chứa hành lý quá tải là nỗi lo lắng lớn của họ. Hầu hết các máy bay không có đủ chỗ chứa tất cả hành lý của khách. Chưa kể gần như tất cả hãng hàng không giờ đây còn tính phí ký gửi nên ngày càng nhiều người mang theo hành lý xách tay.

Một bộ phận hành khách luôn cố tình lờ đi các quy tắc và lên máy bay sớm, cố gắng nhồi nhét hành lý phía trên chỗ mình ngồi. Điều này khiến các hành khách khác và và cả tiếp viên vô cùng mệt mỏi.

Tiếp viên hàng không cũng chịu nhiều áp lực và chủ yếu đến từ hành khách. Ảnh: yahoo.

Tiếp viên hàng không cũng chịu nhiều áp lực và chủ yếu đến từ hành khách. Ảnh: yahoo.

Khách nói dối để được nâng cấp lên hạng thương gia

Đến năm 2015, vé khoang hạng nhất đắt hơn 600 USD so với khoang phổ thông. Khách hàng của hãng hàng không như Emirates thường phải trả 10.000 USD cho một vé hạng nhất. Điều này dễ hiểu tại sao một số khách thích tìm lý do để có thể được nâng cấp miễn phí.

“Loại khách tệ nhất là những người đi máy bay và thông báo cho chúng tôi rằng họ có bệnh hoặc tàn tật và yêu cầu nâng cấp”, một tiếp viên hàng không Mỹ chia sẻ. Thực tế là hầu hết tiếp viên đều biết chiêu này. “Lý do lý trấu” còn khiến phi hành đoàn không thoải mái khi phải nói “không” – đặc biệt là trước mặt những hành khách khác. Nếu bạn có thương tích hoặc tàn tật, đòi hỏi phải được ngồi thoải mái, tốt nhất nên tự mua chỗ ngồi đặc biệt, hoặc nâng cấp trước khi lên máy bay.

Phải làm “bia đỡ đạn” khi khách nổi đóa

Năm 2016, 823 triệu khách tham gia các chuyến bay ở Mỹ. Con số khổng lồ này tạo ra nhiều khó khăn cho các hãng hàng không như chậm trễ hay phạm phải những luật bất thành văn trên máy bay. Tiếp viên hàng không biết những việc đó dẫn đến áp lực tâm lý cho chính các hành khách.

Nhưng tại sao khách luôn đổ lỗi và coi tiếp viên hàng không như những người để xả cơn bực tức. “Hành khách vốn dĩ không tồi tệ,” một tiếp viên hãng JetBlue khẳng định. “Chỉ là họ cảm thấy quá sức chịu đựng khi đi du lịch với các vấn đề an ninh và gặp chậm trễ. Thậm chí ngay cả khi ngồi trên ghế máy bay, họ vẫn tỏ ra căng thẳng với phi hành đoàn”, cô tâm sự.

Còn tiếp viên hãng Delta Airlines cho biết: “Đã có người phàn nàn khi ngồi trên máy bay, yêu cầu chúng tôi trả lời việc bồi thường và đặt vé lại”. Trong khi đó, những gì tiếp viên có thể làm là đảm bảo sự an toàn của khách và chỉ họ đến đúng người có thẩm quyền giải quyết.

Bị coi là người hầu

“Các hành khách mong đợi cả thế giới từ chúng tôi”, một tiếp viên hàng không Mỹ nói. “Ví dụ, có những người không thèm nhìn chúng tôi mà chỉ ném túi vào tay để tiếp viên xách hoặc xếp vào khoang, cũng không buồn nói ‘vui lòng’ hay ‘cảm ơn’ nữa”, cô chia sẻ.

Người phục vụ trên máy bay đươc xem là vệ sĩ, bồi bàn, cán bộ thực thi pháp luật và thậm chí là chủ nhà, tất cả nghĩa vụ đó hợp thành một. Họ phải làm hết trong khi đứng, đôi khi liên tục suốt tám tiếng.

Nguồn: vnexpress.net