Chinh phục núi Tà Chì Nhù vào mùa hoa tím

Chinh phục núi Tà Chì Nhù vào mùa hoa tím

YÊN BÁI – Tháng 10, Tà Chì Nhù không chỉ là điểm săn mây hấp dẫn mà còn thu hút dân leo núi vì loài hoa tím trải khắp các sườn núi.

Nóc nhà của tỉnh Yên Bái có chiều cao 2.979 m là đỉnh cao thứ 7 Việt Nam nằm ở khu vực xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Điểm cao này được du khách chinh phục lần đầu tiên vào năm 2013 và được mệnh danh là “thiên đường mây nơi hạ giới”. Năm ngoái một bộ ảnh hoa tím trên đỉnh Tà Chì Nhù được chia sẻ trên diễn đàn dành cho dân đam mê leo núi khiến địa điểm này trở nên nổi tiếng. Người bản địa, khi ai hỏi về loài hoa tím dại, cũng nói “chi pâu” (nghĩa là “không biết tên”).

Để đến được đỉnh Tà Chì Nhù cần 7-8 tiếng leo và nghỉ ăn trưa, nên đoàn 17 người chúng tôi thuê ôtô và xuất phát từ Hà Nội chiều tối hôm trước và tới nghỉ ở thị trấn Trạm Tấu (cách Hà Nội 5 – 6 tiếng chạy xe). Một số đoàn khác thuê xe giường nằm đến thị trấn Nghĩa Lộ và nghỉ đêm ở đây để sáng hôm sau đi ôtô hoặc xe máy chạy thẳng đến điểm leo cách khoảng 30 km.

Sau khi dậy ăn sáng ở Trạm Tấu, đoàn di chuyển một quãng đường rất xấu và dài 15 km tới khu Mỏ Chì. Sau khi trao đổi với đội ngũ dẫn đường và chuyển đồ cho các porter (người gùi đồ), mọi người mang theo balo gọn nhẹ đựng nước và đồ ăn nhẹ để chinh phục Tà Chì Nhù vào lúc 8h sáng.

Do vào cuối tuần, khách leo lên tới gần 150 người nên Mỏ Chì từ chối cho đi nhờ qua khu vực nhà máy của họ, toàn bộ khách leo phải đi đường vòng, vượt 2 con suối lớn. Mọi người mất khoảng 1 tiếng để vượt qua chặng đường ngắn này do đông người và dòng suối chảy xiết.

Sau khi vượt suối, đoàn đi qua mấy quả đồi trước khi nghỉ trưa. Những ngọn đồi này không quá dốc, nhưng do thời tiết nắng nóng và không có bóng cây nên thể lực của mọi người bị “bào mòn” khá nhanh.

Khoảng 12h30, tất cả các đoàn leo đều tìm chỗ thoáng mát để ăn trưa và nghỉ ngơi, lấy lại sức để chuẩn bị vượt một con dốc “gắt” nhất cung leo núi này – dốc Hai Cây.

Đường lên rất vất vả, nhưng bù lại cảnh núi và mây trong đoạn leo này đẹp và nên thơ. Mọi người vừa đi vừa chụp ảnh, quay phim các áng mây trắng bên sườn núi và cánh rừng già trải dài trong nắng chiều cực đẹp, nên mất khá nhiều thời gian.

Sau khi vượt qua dốc Hai Cây, đoàn đi qua khu rừng trúc nhỏ trước khi tới khu lán nghỉ. Chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên tới được lán trại lúc 16h30. Từ lán có thể nhìn thấy đỉnh Tà Chì Nhù và theo các hướng dẫn viên thì người bình thường mất khoảng 2 tiếng để lên tới đỉnh.

Khu lán nghỉ chứa được khoảng 120 người mới được dựng lên năm ngoái sau khi có nhiều du khách tới khám phá. Dịp cuối tuần khi chúng tôi leo có khoảng 150 du khách nên phải ngủ ở lều bên ngoài do không đủ chỗ nằm trong lán. Theo anh Giàng A Long, porter của đoàn, dịp đông nhất từng có tới 200 du khách tới khám phá Tà Chì Nhù.

Khu vực lán nghỉ được bố trí làm hai dãy nhà bằng gỗ, có hai khu nhà vệ sinh khá sạch sẽ và có nước nóng (50.000 đồng/ xô nước nóng) để tắm. Tuy nhiên, do đông người nên phải xếp hàng hơi lâu mới được dùng phòng tắm và nhà vệ sinh.

Chúng tôi ăn tối lúc 19h và sau đó nhanh chóng đi ngủ để giữ sức cho ngày hôm sau. Dự kiến dậy lúc 5h và xuất phát lúc 6h để leo lên đỉnh và xuống núi luôn trong ngày mai.

Thời tiết trên núi về đêm khá lạnh, gió mạnh và trời mưa cả đêm. Chúng tôi khi tỉnh dậy đều nghĩ rằng mưa to cả đêm nên chắc chắn sẽ không thể leo lên đỉnh được vì đường trơn trượt và khả năng có lũ. Tuy nhiên, anh Mạnh Chiến, trưởng nhóm tổ chức chuyến đi cho biết cả đêm chỉ mưa nhẹ, do mưa đập vào mái tôn làm cho có cảm giác mưa to. Chúng tôi vẫn có thể thực hiện kế hoạch. Ai cũng thở phào, nhanh chóng dậy ăn sáng và chuẩn lên đường.

Chúng tôi xuất phát lúc 7h30, chậm hơn 1,5 tiếng so với kế hoạch ban đầu. Sau hơn 30 phút leo, đoàn tới các triền núi nơi loài hoa tím dại mọc dầy đặc. Thời tiết lúc này vẫn mưa nhẹ nên hoa không sặc sỡ như mọi người mong đợi. Tuy nhiên, không ai bỏ lỡ dịp để tạo dáng và chụp ảnh bên loài hoa đặc biệt chỉ mọc nhiều ở vùng này.

Chinh phục núi Tà Chì Nhù vào mùa hoa tím

Chúng tôi đi khoảng 1 tiếng nữa thì tới đỉnh. Lúc này đã có hơn chục bạn trẻ xuất phát trước đó đang cùng nhau chụp ảnh với điểm mốc.

Theo anh Mạnh Chiến thì Tà Chì Nhù không chỉ có hoa tím này mà còn là nơi ngắm mây và đón bình minh đẹp nhất trong các núi mà anh từng đặt chân tới.

“Hoa tím cũng có ở Bạch Mộc Lương Tử nhưng với số lượng ít hơn nên không có cảnh cả vạt núi đầy hoa nở rực rỡ như ở đây. Tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa chi pâu còn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, Tà Chì Nhù là địa điểm săn mây lý tưởng cho du khách”, anh Mạnh Chiến nói.

Lần đầu leo núi, chị Linh Đinh cho biết cung leo Tà Chì Nhù quá khó với chị, nhiều lúc chị muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, do được các bạn bè và người dẫn đường có kinh nghiệm động viên, hỗ trợ cùng cảnh rừng núi đẹp với những áng mây và hoa tím thơ mộng đã giúp chị chinh phục được đỉnh núi.

“Thực sự leo lên đến đỉnh cực kỳ vất vả với tôi, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng bù lại bạn sẽ thấy được đền đáp xứng đáng với khung cảnh trên đỉnh”, chị Linh Đinh chia sẻ.

Chúng tôi quay trở lại lán ăn nhẹ và sau đó một nhóm đi cùng với porter xuống dưới chân núi trước. Lúc đi mất khoảng 7 tiếng thì lúc xuống đoàn chỉ mất khoảng nửa thời gian dù đường khá trơn trượt. Một lý do khác chúng tôi đi nhanh hơn đó là nhờ qua khu Mỏ Chì, không phải vượt 2 dòng suối như hôm trước.

Kinh nghiệm khi leo xuống trong điều kiện thời tiết mưa và đường trơn trượt là đi chậm và xoay ngang bàn chân. Đây cũng là thời điểm nhiều người bị đau đầu gối hoặc cổ chân, mũi chân và hai bắp đùi do trọng lượng cơ thể liên tục dồn xuống các bộ phận này này khi xuống núi. Leo núi dù có sức khỏe tốt, bạn nên chuẩn bị bó đầu gối, cổ chân và gậy leo núi để giúp giảm chấn thương cho cơ thể.

Nhóm đi trước xuống tới điểm xuất phát lúc 15h30 và đi xe ôm về thị trấn Trạm Tấu tắm nước khoáng nóng trong khi đợi các thành viên còn lại của đoàn xuống núi. Cả đoàn rời thị trấn Trạm Tấu lúc 19h tối về Hà Nội, kết thúc hành trình leo Tà Chì Nhù 2 ngày 1 đêm đáng nhớ.

Nguồn: Nguyễn Đức Hùng, vnexpress.net

Ảnh: Đức Hùng, Mạnh Chiến, Phạm Tuyên

Thung lũng đồi chè đẹp nhất Việt Nam

Thung lũng đồi chè đẹp nhất Việt Nam

PHÚ THỌ – Hơn 100 đồi chè lớn nhỏ tạo cảnh sắc thiên nhiên thú vị.

Đồi chè Long Cốc thuộc huyện Tân Sơn, cách Hà Nội hơn 100 km, được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam. Những ngày này là thời điểm giao mùa, đồi chè bao phủ sương mù huyền ảoMỗi đồi có diện tích khoảng 1 ha. Từ trên đồi nhìn xuống, Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn lúc hiện trong sương mây.

Bao quanh chân hàng trăm quả đồi lớn nhỏ là những ruộng lúa nằm ở xóm Măng 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn. Người dân thường chăn thả trâu bò dọc theo lối mòn.

Toàn bộ thung lũng trồng gần 700 ha chè thuộc sở hữu của người Mường.

Hầu hết chè có tuổi thọ hơn hai mươi năm, sau 45 ngày lại được thu hái ngọn. Long Cốc đẹp nhất là vào sáng sớm.

Đồi chè xếp lớp san sát nhau, lối mòn quanh đồi người dân trồng cây lớn có tán rộng để tránh mưa nắng, nghỉ ngơi mỗi khi lao động. Đó cũng là điểm nhấn trên mỗi quả đồi xanh mướt.

Đây cũng là nơi trú ngụ nhiều loài chim, cò…

5 năm trở lại đây, những chiếc máy cắt ngọn chè đều đặn đánh thức đồi chè buổi bình minh. Máy hái chè có thể cắt được hơn 1 tấn trong buổi sáng.

Chè được trồng tại đây chủ yếu là giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, chè Shan tuyết… Người dân thường thu hoạch từ 6h để búp chè được tươi và đậm sương.

Chị Hoàng Thị Minh, người dân Tân Sơn, nói: “Hái chè bằng tay khiến búp đồng đều, mỗi buổi sáng hái chè bằng tay chỉ được 15 kg, gia đình nhỏ chủ yếu trồng chè Bát Tiên”.

Đồi chè nhìn từ trên cao được qui hoạch, chăm sóc rất ngăn nắp và tự nhiên.

Nguồn: vnexpress.net

Việt Nam vào top điểm đến mơ ước

Việt Nam vào top điểm đến mơ ước

Theo khảo sát của Agoda, điểm đến được nhiều người tìm kiếm và muốn đến nhất năm 2020 là Đài Loan, Việt Nam đứng vị trí thứ 4.

Khảo sát điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho nửa cuối năm 2020 do nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda thực hiện với nhiều đối tượng như khách đi một mình, khách nhóm, gia đình, ở nhiều nơi khác nhau. Trong đó, Đài Loan đứng đầu trong danh sách các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất ở mọi đối tượng khách du lịch.

Tình hình Covid-19 có những biến chuyển tích cực ở nhiều điểm đến nên các quy định về di chuyển được nới lỏng, đồng thời ham muốn du lịch sẽ càng tăng lên sau nhiều tháng ở nhà. Kết quả khảo sát của Agoda cũng cho thấy, du khách vừa mong muốn tới các điểm đến xa xôi vừa lựa chọn du lịch trong nước nhiều hơn.

Danh sách 10 điểm đến mơ ước năm 2020

1 – Đài Loan (Trung Quốc)

2- Thái Lan

3- Nhật Bản

4 – Việt Nam

5 – Hàn Quốc

6 – Mỹ

7 – Australia

8 – Hong Kong (Trung Quốc)

9 – Malaysia

10 – Indonesia

Dữ liệu của Agoda còn cho thấy khác biệt về điểm đến mơ ước của từng nhóm du khách. Nhật Bản và Thái Lan đứng lần lượt thứ 2, 3 trong danh sách điểm đến cho khách đi một mình. Trong khi khách gia đình quan tâm tới ưu đãi du lịch Thái Lan và Việt Nam nhiều hơn. Với khách đi theo nhóm, Việt Nam đứng thứ 2 ngay sau Thái Lan.

Do Covid-19 kéo dài, du khách có xu hướng chuyển từ tìm kiếm những điểm du lịch nổi tiếng sang các điểm ít người biết, nhiều cảnh quan tự nhiên như núi, biển hơn là các thành phố. Điều đó thể hiện ở sự xuất hiện của những cái tên mới trong top 10 tìm kiếm của một số dưới đây:

Việt Nam vào top điểm đến mơ ước

Điểm đến được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất cho nửa sau năm 2020 hầu hết là những thành phố trong nước. Với du khách đi theo đôi, khách đi một mình Nha Trang hấp dẫn nhất; khách gia đình lại ưa chuộng Phú Quốc còn khách đoàn; nhóm lại tìm kiếm về Đà Nẵng nhiều nhất.

Nguồn: vnexpress.net

Cao Bằng vào top điểm đến đẹp nhất thế giới

Cao Bằng vào top điểm đến đẹp nhất thế giới

Hội tụ thác, hồ núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được Insider xếp vào top 50 điểm đến view đẹp.

Top 50 điểm đến view đẹp nhất thế giới do Insider lựa chọn tập hợp nhiều nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất. Dưới đây là 10 điểm trong số đó:

Việt Nam

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng có diện tích gần 3.300 km2, là di sản đã được UNESCO công nhận vào tháng 4/2018. Insider chọn Cao Bằng là một trong 50 điểm đến có view đẹp nhất thế giới khi nơi này hội tụ từ thác nước, hồ lớn và hệ thực vật phong phú với lịch sử phát triển đã hơn 500 triệu năm. Ảnh: Hoang Tuan/pixabay.

Myanmar

Theo UNESCO, những tàn tích khảo cổ còn lại ở thành phố cổ Bagan đều có niên đại từ thế kỷ 11 – 13. Bagan gây ấn tượng với du khách thế giới nhờ phong cảnh độc đáo từ hàng nghìn đền tháp Phật giáo, khung cảnh bình minh và hoàng hôn yên bình. Ảnh: pixabay.

Singapore

Vườn nhân tạo Gardens By The Bay gồm nhóm cây năng lượng cao tới gần 50 m, là nơi du khách có thể tới và chiêm ngưỡng những góc view đẹp nhất ở Singapore. Ảnh: pixabay.

Trung Quốc

Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà cũng là di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Nơi đây nổi bật với cảnh quan những dãy núi đá màu cầu vồng sặc sỡ trải dài tới tận chân trời. Ảnh: pixabay.

Pháp

Trong top 50 điểm đến view đẹp nhất có những cánh đồng oải hương trải màu tím ngắt thơ mộng ở Provence – mảnh đất sở hữu nhiều cảnh quan và thành phố di sản nằm ở miền đông nam nước Pháp. Tới Provence, du khách không thể bỏ qua chuyến tham quan những cánh đồng oải hương rộng mênh mông và thơm ngát. Ảnh: pexels.

Phần Lan

Bắc cực quang là hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo bậc nhất thế giới bạn có thể chiêm ngưỡng khi đến Lapland, miền bắc Phần Lan. Mùa “săn” cực quang ở Lapland diễn ra từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 4 năm sau. Ảnh: pixabay.

Argentina

Vườn quốc gia Los Glaciares ở miền nam Argentina được đặt theo đặc điểm những dòng sông băng lớn ở đây, chiếm tới nửa diện tích đất của khu vực. Những ngày trời trong nắng đẹp, các sông băng phản chiếu trên hồ Argentino tạo nên cảnh tượng sống động như được chiếu qua mặt gương khổng lồ. Ảnh: pixabay.

Mỹ

Vườn quốc gia Grand Canyon ở bang Arizona là nơi có cấu tạo địa chất với lịch sử 2 tỉ năm. Những hẻm núi hùng vĩ có địa hình và vẻ đẹp siêu thực như hiện nay do sông Colorado chảy qua và bào mòn qua thời gian dài tạo nên. Ai từng đặt chân tới đây cũng phải ngạc nhiên vì sự kỳ diệu của bàn tay tạo hóa và tưởng như đang ở một hành tinh khác. Ảnh: Ian Beckley/Pexels.

Mỹ

Khác với cảnh quan khô cằn ở Grand Canyon, vườn quốc gia Yosemite ở bang California nổi tiếng bởi hệ thống hồ, suối thác, thung lũng và những vách núi kỳ vĩ tạo nên nhiều góc ngắm đẹp xiêu lòng. Ảnh: pixabay.

Nguồn: vnexpress.net

Bức họa miền quê Việt Nam

Bức họa miền quê Việt Nam

Dọc đất nước chữ S, mỗi vùng miền hiện lên với vẻ đẹp riêng, từ mùa nước đổ ở Mường Hum, Lào Cai đến cánh đồng cây năn bộp Cà Mau.

Mùa nước đổ đẹp như tranh tại Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai. Những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc nông dân vào vụ cấy mới. Du khách đến Bát Xát trong tháng 5 – 6 có thể thấy từng nhóm nông dân xuống đồng be bờ, dẫn trâu ải đất, còn nhóm khác cấy lúa tạo nên bầu không khí nhộn nhịp trên đồng.

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Sắc màu miền quê Việt Nam” của tác giả Phạm Huy Trung, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Thực hiện nhiều bộ ảnh phong cảnh miền quê, thành phố cho đến thiên nhiên là cách tác giả góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, khuyến khích người Việt đi du lịch nội địa.

Người phụ nữ chăm sóc hoa, chụp tại làng hoa Tây Tựu, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km về phía tây. Năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Làng hoa có diện tích hơn 200 ha, một trong những nơi cung cấp hoa chủ lực cho thành phố và các khu vực lân cận. Nơi đây trồng hoa quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, với các loại phổ biến như hồng, cúc, ly, thược dược hay đồng tiền.

Nhịp sống mưu sinh trên đầm Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế giữa khung cảnh rực rỡ sắc màu lúc bình minh. Đầm này thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang, cách TP Huế khoảng 30 km. Ngư dân nơi đây đa phần là dân vạn đò, xem thuyền là nhà và sống với con nước.

Cánh đồng cỏ năng xanh mướt được chụp tại vùng quê Quảng Nam.

Bức tranh quê hương yên ả với hình ảnh người chăn vịt trên cánh đồng ngập nước ở vùng ngoại ô Quảng Nam.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía đông bắc trong mùa cóc trắng trổ lá non. Đây là loài cây gỗ nhỏ, được quy hoạch trồng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.

Những thửa ruộng sau mùa gặt được dẫn nước vào, để người dân chăn vịt chạy đồng. Gần đó là những cây gòn, thường thấy ở vùng nông thôn Phan Rang, Ninh Thuận.

Người phụ nữ rửa hoa súng làm sạch bùn đất, sau khi hái trên cánh đồng ngập nước Kiến Tường, Long An. Mùa lũ miền Tây vào khoảng tháng 7 – 10, mang lại sức sống cho những cây sen, bông súng.

Nhịp sống mưu sinh trên mùa nước nổi trong ánh hoàng hôn ở Mộc Hóa, Long An.

Đàn trâu băng qua đồng lũ trong buổi chiều ở Tân An, Long An.

Cất vó trên cánh đồng ngập nước Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên đón lũ, rồi sau đó tới các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mưu sinh trên cánh đồng năn bộp (gọi là năn) ở vùng quê Cà Mau. Năn phát triển tốt vào mùa mưa và người dân ăn năn như một loại rau sống chấm mắm kho, nhúng lẩu hoặc chế biến năn xào tép. Ngày nay loại năn này trồng nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Du khách đến miền Tây được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân như bắt cá đồng, hái rau muống, bông súng, bông điên điển hay hái năn, gợi nhớ hình bóng quê nhà khi xa quê.

Nguồn: Huỳnh Phương
vnexpress.net

Trên thảo nguyên Lạng Sơn

Hữu Liên với cảnh quan rừng núi, thảo nguyên, suối thác, hang động và khu du lịch sinh thái là điểm đến mới mẻ cho du khách.

Xã Hữu Liên nằm cách trung tâm huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn khoảng 25 km về phía bắc; cách Hà Nội khoảng 150 km theo quốc lộ 1A và đường tỉnh lộ 243. Xã có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số hơn 3.000 người gồm chủ yếu các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao và Mông.

Du khách tới Hữu Liên sẽ được chiêm ngưỡng những khối núi đá vôi kỳ vĩ cho tới những đồng cỏ mênh mông, từ thác nước phủ đầy rêu phong cho tới hồ nước trong xanh màu ngọc bích.

Trong ảnh là toàn cảnh thảo nguyên Đồng Lâm, khu sinh thái rộng đến 100 ha với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, nằm ở phía bắc xã. Trên núi có hang, dưới có cánh đồng cỏ xanh ngút ngàn và dòng suối nước xanh ngọc uốn lượn chảy qua.

Ngày nay, hoạt động du lịch tại đây dần khởi sắc với loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, với các mô hình thành công tại thôn Làng Bên, Làng Cóc và thôn Là Ba.

Trong tiền cảnh bức ảnh là thôn Làng Bên, đối diện là thôn Làng Cóc với nhà sàn bốn mái lợp ngói âm dương của dân tộc Tày, Dao sinh sống qua nhiều thế hệ. Hiện có trên 5 khu nhà sàn kiểu homestay nằm cách thung lũng 2 – 3 km có giá khoảng 100.000 đồng/ người/ đêm. Ở đây có những dịch vụ khác như ăn uống, văn nghệ, lửa trại, tắm thuốc, ngâm chân và thuê hướng dẫn viên, người dẫn đường rừng.

Từ làng nhà sàn ở thôn Làng Bên, du khách đi khoảng 2 km là tới đồng cỏ Đồng Lâm. Thảo nguyên trải dài khoảng 1,5 km, có đường mòn và dòng suối chảy vắt ngang. Nguồn nước khởi phát từ các khối núi đá vôi chảy về điểm cuối đồng cỏ là hồ nước Đồng Lâm trong xanh. Mùa nước ngập, khu vực hồ này tập trung đông người dân di chuyển bằng bè mảng và thả lưới, đánh bắt cá.

Tác giả cho biết từ điểm cuối hồ Đồng Lâm, du khách băng rừng thêm khoảng một tiếng đường rừng nguyên sinh sẽ tới thôn Lân Đặt với khoảng 26 hộ gia đình dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây hoàn toàn hoang sơ, không sóng wifi, không có điện và xung quanh là rừng nguyên sinh.

Đàn ngựa gặm cỏ trên thảo nguyên mùa khô. Đây đa phần là giống ngựa hoang dã thuần chủng, được người dân huấn luyện để du khách chụp ảnh hoặc thuê xe ngựa tham quan, kiếm thêm nguồn thu nhập và phát triển du lịch địa phương. Đồng cỏ trù phú cũng là nơi người dân chăn nuôi gia súc như bò và đi trâu (chăn trâu).

Dòng suối chảy trên đồng cỏ Đồng Lâm đang cạn nước. Vào mùa khô, thảo nguyên thích hợp cho các hoạt động du lịch dã ngoại, văn hóa thể thao và leo núi khám phá hang động. Tuy nhiên vào mùa mưa, tháng 7 – 10, nước sẽ ngập tràn vùng đồng cỏ với độ sâu từ 2 – 3 m. Đây là lý do người dân không canh tác nông nghiệp trên vùng thảo nguyên này vì mùa nước ngập sẽ cuốn trôi hết hoa màu.

“Nghĩa địa cây” với khung cảnh có phần ma mị khi chiều về. Gần khu vực này với có cây sung cổ thụ tán lớn cao khoảng 10 m, là nơi cắm trại lý tưởng.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak trên dòng suối chảy qua thảo nguyên Đồng Lâm. Nơi đây cũng thích hợp để du khách cắm trại và tận hưởng không khí trong lành.

Để phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã xây dựng bãi giữ xe ô tô, cách đường vào Đồng Lâm khoảng 1 km, hoặc du khách có thể thuê xe ôm vào thảo nguyên với chi phí 30.000 – 40.000 đồng/lượt. Ngoài ra là trải nghiệm đi bộ và đạp xe để khám phá thiên nhiên.

Quang cảnh các khối núi đá vôi kỳ vĩ, xen kẽ là phần rừng đặc dụng Hữu Liên, hồ Nong Dùng (bên trên) và hồ Mỏ Áng (bên phải).

Rừng đặc dụng có tổng diện tích 8.293,4 hecta, thuộc Khu dự trữ rừng quốc gia Hữu Liên, với 3 phân khu trải dài trên 3 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan.

Địa hình khu vực rừng này hình lòng chảo, bao bọc xung quanh là các đỉnh và dãy núi đá vôi trùng điệp; trung tâm là vùng đồi đất, làng bản, đồng cỏ và khu sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tại phân khu dịch vụ hành chính của rừng có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến liên hệ Ban Quản lý rừng để khám phá rừng sinh thái đặc dụng này.

Đa dạng sinh học ở khu rừng Hữu Liên khá phong phú, với 776 loài thực vật bậc cao và 409 loài động vật, trong đó, có 30 loài thực vật và 61 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Trải nghiệm chèo thuyền trên mặt hồ Mỏ Áng, điểm du lịch được ví như “tuyệt tình cốc” có màu nước trong xanh, được bao bọc bởi khối núi đá vôi và rừng cây xanh.

Từ UBND xã Hữu Liên, du khách đi ô tô theo đường tỉnh khoảng 2,4 km, sau đó rẽ trái theo đường mòn vào rừng tới hồ Nong Dùng, nơi du khách có thể thuê thuyền kayak (100.000 đồng/2 thuyền), thả trôi theo dòng nước xanh trong vắt và hòa mình giữa thung lũng. Từ đây, du khách nếu yêu thích khám phá có thể liên hệ homestay để thuê người dẫn đường, băng rừng, có đoạn khá lầy và vượt các mỏm đá tai mèo để đến hồ Mỏ Áng.

Nước từ hồ Mỏ Áng theo các khe núi đá vôi chảy xuống tạo thành thác Khe Dầu kỹ vĩ với những mảng bám rêu xanh. Tác giả cho biết, ở đây dù có nhiều rêu bám nhưng do kiểu địa chất đặc trưng là các khối núi đá vôi, mặt đá sần sùi không trơn trượt.

Ở khe suối có nhiều cua đá với mai to có kích cỡ chừng 3 ngón tay. Sau khi trải nghiệm, ngắm cảnh đẹp, du khách đừng quên trở về homestay thưởng thức các đặc sản ẩm thực địa phương như vịt quay, lợn quay mác mật Lạng Sơn, cá suối nướng, cua đá rang, ốc núi luộc, rau dớn xào tỏi với mẻ, lá sung nem chạo, xôi nếp cẩm, bánh bí đỏ và bánh chưng đen.

Bên cạnh phong cảnh và hệ sinh thái tự nhiên, Hữu Liên còn có điểm đến là nhà thờ Thánh Quý Minh Đại Vương. Ngoài ra, Hữu Liên còn là nơi lưu giữ được nguyên vẹn những phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống, di sản phi vật thể như lễ hội Gò Chùa, hát pá xoan, hát nhà tơ, hát then hay diễn chèo cổ.

Hòn ngọc thô Hữu Liên đang được mài giũa, sẽ trở thành địa chỉ mới, hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Lạng Sơn. Du khách khi tham quan, cắm trại không nên xả rác làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh, anh Thuận chia sẻ.

Nguồn: vnexpress.net
Huỳnh Phương
Ảnh:
 Bùi Vinh Thuận

Bên trong vali của tiếp viên Việt

Bên trong vali của tiếp viên Việt

Điện thoại di động, máy tính bảng, trang phục dự phòng luôn được chuẩn bị sẵn trong hành lý xách tay của tiếp viên hàng không Nguyễn Thanh Anh Quân.

Nguyễn Thanh Anh Quân (1992) là tiếp viên làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Cũng là một vlogger, anh đã đăng tải video chia sẻ 10 vật dụng tiếp viên mang đi bay, với lời ghi chú “nhằm giúp mọi người hiểu hơn về nghề tiếp viên hàng không”.

Nguyễn Thanh Anh Quân có 6 năm làm tiếp viên, trong đó gồm 4 năm ở vị trí hạng thương gia. Ảnh: NVCC.

Nam tiếp viên 28 tuổi có 6 năm trong nghề, trong đó gồm 4 năm ở vị trí hạng thương gia. Ảnh: NVCC.

Bằng cấp, chứng chỉ bay là món đồ bắt buộc khi làm nhiệm vụ. Bộ hồ sơ Quân luôn mang khi đi làm có 5 loại giấy tờ, gồm: Chứng nhận Huấn luyện kiến thức An ninh hàng không, Chứng chỉ Huấn luyện tiếp viên, Chứng nhận Sức khỏe, thẻ bay và hộ chiếu.

Trong đó, Quân cho biết cuốn sổ Chứng chỉ Huấn luyện tiếp viên là loại giấy phép, xác nhận tiếp viên đã trải qua huấn luyện và kiểm tra về khả năng làm việc trên loại tàu bay nhất định. Hiện Quân có thể đi trên các chuyến thuộc loại tàu bay Airbus A321, A321NEO, A350 và tàu bay Boeing 787.

Thẻ bay luôn được đeo trên người. Nếu không có, tiếp viên sẽ không được vào khu vực an ninh sân bay, đồng nghĩa với việc không thể thực hiện chuyến bay và có thể bị kỷ luật.

Máy tính bảng cài đặt ứng dụng dành riêng cho phi hành đoàn là thứ tiếp viên phải mang trên chuyến bay theo yêu cầu của hãng.

Ứng dụng này được Quân ví như Google của ngành, cung cấp và cập nhật mọi thông tin, thông báo, hướng dẫn về tàu bay, quy định hành khách, phương thức phục vụ… Trước đây khi chưa được trang bị máy tính bảng, các tiếp viên phải mang theo cuốn sổ rất dày chứa những nội dung đó.

Theo Quân chia sẻ, hãng của anh yêu cầu dung lượng pin máy tính bảng phải duy trì ở mức hơn 70% mới đủ tiêu chuẩn bay. Nam tiếp viên từng rơi vào tình huống chiếc máy cạn pin trước giờ bay, vì anh thực hiện nhiều chuyến bay liên tục nên quên sạc. Một đồng nghiệp đã cho anh mượn máy thay thế, nếu không có sẽ bị kiểm điểm.

Đồ bảo hộ sức khỏe gồm găng tay cao su, khẩu trang y tế, kính chống giọt bắn, khăn ướt cồn, cồn rửa tay, được đoàn tiếp viên luôn mang theo từ khi xuất hiện Covid-19. Riêng Quân tự chuẩn bị thêm lọ nước rửa tay khô treo ở hành lý xách tay để tiện sử dụng.

Đối với các tiếp viên thực hiện chuyến bay từ nước ngoài về, chuyến đưa hành khách Việt Nam hồi hương, nhất là trở về từ tâm dịch, họ phải mặc trang phục bảo hộ kín mít. Ảnh: NVCC.

Đối với các tiếp viên thực hiện chuyến bay từ nước ngoài về, chuyến đưa hành khách Việt Nam hồi hương, nhất là trở về từ tâm dịch, họ phải mặc trang phục bảo hộ kín mít. Ảnh: NVCC.

Đồng phục dự phòng tiếp viên thường mang theo trong hành lý xách tay, được giặt ủi và gấp cẩn thận, phòng trường hợp quần áo bị dính bẩn, xước rách thì có thể thay được luôn.

Áo gilet đồng phục của hãng được các nam tiếp viên mặc khi phục vụ đồ ăn cho khách, nữ tiếp viên dùng tạp dề. Đây là món Anh Quân thường xuyên sử dụng, do đó nó được gấp gọn trong ngăn ngoài cùng của vali.

Ngoài ra, Anh Quân mang theo trang phục thường ngày. Anh cho rằng bộ quần áo này cần thiết cho tiếp viên mặc khi sinh hoạt bình thường sau chuyến bay, và trong trường hợp thay đổi lịch trình hay có sự cố, tiếp viên cũng có sẵn quần áo để sử dụng.

Bảng kẹp giấy lấy yêu cầu của hành khách chỉ được trang bị cho tiếp viên hạng thương gia và tiếp viên trưởng, để phục vụ hành khách được thuận lợi và chính xác hơn. Tờ giấy in sẵn nội dung số ghế, họ tên khách, yêu cầu về đồ ăn thức uống và các món phục vụ trên chuyến bay.

Theo Quân, nước hoa là thứ tiếp viên cần mang khi đi bay. Do tiếp xúc với nhiều môi trường trong quá trình bay cả ngày, các tiếp viên nên thể hiện sự sạch sẽ, đảm bảo cơ thể có mùi dễ chịu để tạo thiện cảm với mọi người. Trong không gian kín trên tàu bay, chàng trai dùng mùi nước hoa nhẹ, tránh mùi nồng gắt gây khó chịu cho hành khách và đồng nghiệp.

Các tiếp viên thường mang vài cây viết (bút), để ghi chép, khai báo giấy tờ và thường xuyên cho hành khách mượn. Anh Quân cũng nhắn nhủ hành khách nên chuẩn bị sẵn viết để chủ động khi khai báo xuất nhập cảnh, khai báo sức khỏe.

Điện thoại di động là vật bất ly thân mà các tiếp viên cần mang theo vì mục đích công việc. Tiếp viên dùng điện thoại để kiểm tra thông tin chuyến bay, cập nhật lịch trình bay, liên lạc các đơn vị hỗ trợ bay như đội xe sân bay, gọi hotline khi có vấn đề sức khỏe của hành khách và bản thân.

Trước đây thông tin chuyến bay được chuyển phát dạng giấy từ bộ phận mặt đất cho đoàn tiếp viên, nay nhiều hãng đổi qua hình thức email để tiết kiệm thời gian cho chuyến bay đúng giờ hơn.

10 vật dụng được Nguyễn Thanh Anh Quân chia sẻ trên kênh Youtube Tiếp Viên Quân của mình, cùng hành động diễn tả cách sử dụng từng món đồ. Video: NVCC.

Anh Quân từng phục vụ các chuyến bay đến tất cả điểm đến mà hãng khai thác. Hai năm trở lại đây, để chất lượng dịch vụ được đồng nhất, các tiếp viên được phân công theo một vài chuyến cố định, dựa vào sự nắm bắt thói quen, sở thích từng nhóm khách hàng. Quân thường phục vụ đường bay đi Paris (Pháp), Melbourne (Australia), Nagoya (Nhật Bản) và Busan (Hàn Quốc).

Trước Covid-19, số giờ bay trung bình một tháng của Quân là 90 giờ. Trở lại bầu trời vào 1/6, Anh Quân chỉ làm trên các chuyến nội địa, thời gian bay giảm còn 50 giờ, một ngày 2 – 4 chuyến. Dù bay quốc tế hay trong nước, Quân cho biết anh vẫn mang đủ những vật dụng trên.

Nguồn: vnexpress.net

Sài Gòn hơn 300 năm qua ảnh

Sài Gòn hơn 300 năm qua ảnh

Những bức ảnh, tranh vẽ về Sài Gòn từ khi người Việt đến khai hoang cho tới ngày nay được trưng bày, khái quát sự phát triển của thành phố.

Từ ngày 27/6, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) diễn ra triển lãm ảnh “Sài Gòn – TP HCM hơn 320 năm văn hóa, lịch sử”. Hoạt động nhằm kỷ niệm 44 năm ngày Sài Gòn – Gia Định được đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2020).

Khoảng 100 bức ảnh triển lãm cho thấy sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế và đô thị của thành phố từ khi hình thành đến giai đoạn đổi mới và hiện nay. Những bức ảnh được sắp xếp theo chủ đề như: Dấu ấn Sài Gòn xưa, Hào khí Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, TP HCM đổi mới phát triển và hội nhập…

Trong chủ đề Dấu ấn Sài Gòn xưa là những bức tranh vẽ cảnh con người, làng nghề, nếp sinh hoạt… của vùng đất Sài Gòn – Gia Định thời kỳ đầu, khi người Việt mới đặt chân đến khai hoang cách đây hơn 300 năm.

Trong ảnh là tranh vẽ trang phục của những lưu dân người Việt trong thế kỷ 17 – 18 theo quan quân chúa Nguyễn vào khai khẩn, lập ấp vùng đất phương Nam.

Tranh vẽ cảnh sĩ tử lều chõng tại trường thi Gia Định trong thế kỷ 19. Trường thi này ngày nay tương ứng với khu vực của Nhà văn hóa Thanh niên trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1).

Một bữa cơm của gia đình người Sài Gòn trong thế kỷ 19.

Công trình kiến trúc nổi bật của Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà, được người Pháp xây năm 1877, thu hút nhiều du khách tham quan mỗi ngày. Sau hơn trăm năm tồn tại, nhà thờ vẫn nguyên vẹn, giữ được nét đẹp riêng độc đáo.

Dinh Norodom xây dựng năm 1868 đã không còn nữa vì bị ném bom năm 1962. Do không thể phục hồi nên công trình được xây mới tại vị trí cũ, mang tên Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Tòa nhà này hiện mang tên Hội trường Thống Nhất, là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Sài Gòn.

Những bức không ảnh chụp trung tâm Sài Gòn – TP HCM từ thời Pháp và ngày nay cho thấy sự phát triển của thành phố sau một thế kỷ. Khu vực này tương ứng với quận 1 hiện nay.

Con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn chảy qua cầu Kiệu trong ảnh chụp năm 1955 và hiện nay. Kênh dài khoảng 10 km, những năm 1980 bị ô nhiễm nặng, khu ổ chuột mọc lên san sát bờ. Hiện nay kênh đã được cải tạo, làm bờ kè, công viên dọc hai bờ, không còn cảnh ô nhiễm như trước.

Khu vực Chợ Lớn trong không ảnh chụp khoảng năm 1950 và hiện nay với công trình nổi bật là chợ Bình Tây. Chợ Lớn do cộng đồng người Hoa xây dựng từng một thời là thành phố bên cạnh Sài Gòn. Từ khi hình thành, Chợ Lớn vẫn phát triển sầm uất cho đến ngày nay.

Chiếc xe tăng tiến vào cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 đánh dấu kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Một năm sau sự kiện lịch sử này, Quốc hội quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành TP HCM.

Người dân Sài Gòn tham quan đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên năm 1981, sau ngày đất nước thống nhất. Nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên đán, đường hoa đều được tổ chức, tạo thành nét văn hóa riêng của thành phố.

45 năm qua, TP HCM dần phát triển, là thành phố lớn nhất cả nước. Trong ảnh là khu vực quận 2 và Bình Thạnh, cách nhau bởi con sông Sài Gòn; nổi bật với công trình Landmark 81, cao 461 m, là tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Triển lãm diễn ra đến ngày 22/7; ngoài ra còn có các hoạt động khác như văn nghệ, trưng bày áo dài, trò chơi dân gian, trưng bày tiểu cảnh làng nghề… trên phố đi bộ.

Nguồn: vnexpress.net

Vẻ đẹp miền trung trên báo Mỹ

Vẻ đẹp miền trung trên báo Mỹ

Phóng viên Andrew Faulk, tạp chí Travel+Leisure ca ngợi sự hiếu khách, những món ăn ngon, khung cảnh bình dị ở miền trung Việt Nam.

Việt Nam đang được ca ngợi là quốc gia chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ngành du lịch đang dần khôi phục với khách nội địa và chuẩn bị khởi động để sẵn sàng đón khách quốc tế. Từ vùng núi phía bắc đến sông nước Cà Mau, địa hình của dải đất hình chữ S rất đa dạng. Theo Andrew Faulk, miền trung Việt Nam, vùng đất giàu lịch sử, văn hóa với cố đô Huế, thành phố hiện đại Đà Nẵng, Nha Trang sẽ là điểm đến gợi ý cho du khách.

Dưới đây là những hình ảnh mà anh yêu thích nhất, được ghi lại trong chuyến đi Việt Nam năm 2018. Anh cho biết, miền trung là nơi anh muốn ghé thăm một lần nữa.

Trên ảnh là thuyền chạy trên sông Hương, dòng sông uốn lượn ở cố đô Huế.

Người phụ nữ phân loại hải sản từ sớm tinh mơ. Tác giả chia sẻ, anh thường chụp ảnh thông qua sự quan sát, thay vì chuẩn bị sẵn mình sẽ chụp gì, ở đâu. Với anh, vẻ đẹp tự nhiên có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, từ sợi phở, đến người phụ nữ với nếp nhăn trên khóe mắt hay công việc bận rộn khi sáng sớm.

Bà cụ ngồi bên hiên nhà, trong khung cảnh làng quê miền trung là bức ảnh anh yêu thích nhất. Hình ảnh thể hiện được sự cởi mở, thân thiện của người dân miền trung.

“Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, tôi được người dân cho tham quan nhà. Tôi còn được phép chụp ảnh chân dung bà, một trong những người có tâm hồn đẹp nhất mà tôi từng gặp”, anh nói.

Bên cạnh những bãi biển, đầm phá hay thành phố hiện đại, vẻ đẹp nông thôn bình dị và người dân mến khách luôn là điểm thu hút đặc trưng của Việt Nam.

Trẻ em nông thôn miền trung Việt Nam. Sân chơi của chúng chính là những góc sân, cánh đồng hay những con đường làng.

Mặt hồ rợp xanh bởi lục bình, hay còn gọi là bèo tây, thường mọc cao khoảng 30 cm trên các ao hồ, kênh rạch.

Khoảnh khắc bình dị ở phố cổ Hội An. Để ngắm nhìn phố Hội trọn vẹn nhất, bạn hãy thức dậy sớm, trước khi thành phố đông nghẹt du khách.

Những ngôi nhà cổ sơn vàng soi bóng sau mưa.

Người phụ nữ lớn tuổi với gương mặt phúc hậu, bán hàng ở chợ Hội An. Andrew chia sẻ, nếu quay lại Việt Nam lần nữa, anh sẽ dành thời gian ở vùng ngoại ô Hội An. Ở đây, anh có thể đi bộ qua cánh đồng lúa tươi tốt, trò chuyện cùng người dân địa phương, khám phá những tàn tích ở thánh địa Mỹ Sơn, cụm đền thờ được xây dựng bởi vương quốc Chăm Pa giữa thế kỷ 4 – 14.

Tác giả không quên gợi ý, cao lầu là món ăn nhất định phải thử khi đến với Hội An.

Nguồn: vnexpress.net

Một ngày khám phá bản người Mông

Một ngày khám phá bản người Mông

LAI CHÂU – Nằm ở độ cao 1.500 m, bản Sin Suối Hồ là chốn mát mẻ, yên bình dành cho những ai muốn tạm xa phố thị ồn ào.

Đến với Sin Suối Hồ, du khách được đắm mình trong đời sống văn hóa bản địa của người Mông. Bản nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, cách TP Lai Châu khoảng 30 km. Trong tiếng địa phương, Sin Suối Hồ có nghĩa là “suối có vàng”. Không khí tại đây trong lành, mát mẻ quanh năm.

Sáng: Chợ phiên – Tham quan đời sống dân bản

Bước chân vào bản, du khách được người dân đón tiếp nồng nhiệt và mời uống một cốc nước thảo quả đựng trong ống tre. Sở dĩ họ dùng nước thảo quả vì có tính mát, tốt cho cổ họng. Người Mông lo rằng du khách từ dưới xuôi lên, khi thay đổi độ cao đột ngột dễ bị khan họng. Ngoài ra, thảo quả cũng là loại cây rừng phổ biến tại vùng này, là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Nó cũng được sử dụng trong việc chế biến nhiều món ăn hàng ngày.

Giống như các bản vùng cao khác, chợ phiên Sin Suối Hồ họp vào sáng sớm thứ 7 hàng tuần. Chợ được thiết kế theo vòng tròn, chân các gian hàng xếp đá tảng và những viên sỏi lớn. Sản phẩm được bày bán chủ yếu là các nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hoạch từ rừng. Ngoài ra còn có những trang phục truyền thống do phụ nữ thêu thùa, may dệt. Tại chợ phiên, du khách sẽ được tham gia vào các trò chơi dân gian của người dân tộc, xem văn nghệ, thưởng thức thắng cố, trải nghiệm xay ngô…

Trước kia, ở đây không có chợ, bà con phần lớn tự cung, tự cấp hoặc trao đổi hàng hóa với nhau. Muốn đi chợ hay mua đồ, bà con phải đi rất xa về chợ TP Lai Châu. Khi Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng vào năm 2015, người dân trong bản đã họp lại, đưa ý tưởng xây dựng ngôi chợ làm nơi trao đổi, mua bán, đồng thời thu hút thêm khách du lịch. Để hình thành nên ngôi chợ ngày nay, trưởng bản Vàng A Chỉnh là người đi tiên phong, tự nguyện hiến phần đất của gia đình. “Mình là trưởng bản, phải làm gương để hỗ trợ cho bà con. Chợ giúp tạo việc làm cho những người già, họ không phải đi chợ xa nữa mà có thể mang lợn, gà ra chợ bán để có thêm thu nhập”, anh Chỉnh cho hay. Các hộ gia đình trong bản đã cùng hợp sức để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng.

“Có chợ rồi việc mua bán cũng tiện lợi hơn, không phải đi xa. Lúc có khách du lịch, những đồ nhà trồng đều có thể mang ra chợ bán, ngoài ra còn đổi được với mọi người trong bản”, Sùng Thị Ly, người dân tại đây chia sẻ.

Khoảng 10h, du khách bắt đầu tham quan quanh bản. Hướng dẫn viên chính là những người Mông bản địa. Du khách được trải nghiệm các nghề truyền thống như rèn, đan mây, dệt vải, các công đoạn làm váy, làm bánh dày… tùy theo nhu cầu của khách.

Trưa: Khám phá ẩm thực Tây Bắc 

12h, du khách ghé về homestay để nghỉ ngơi và dùng bữa. Dân bản đã chuẩn bị những món ăn đơn giản nhưng đẹp mắt. Đồ ăn được trải trên mẹt lá chuối xanh mướt, mâm thường có 6 – 7 món. Món đặc trưng ở đây là thịt lợn bản quay cuốn lá rau thơm tiêu rừng, chấm chẳm chéo – gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc. Lá tiêu rừng chua chua, ngọt ngọt, tê tê đầu lưỡi làm nên hương vị độc đáo. Du khách cũng được thưởng thức xôi nếp nương, loại xôi được nhuộm màu kì công bởi các loại lá tự nhiên. Ngoài ra, nộm măng, nộm rau dớn… cũng là những đặc sản nên thử. Khách quý đến với bản uống rượu chứa trong những ống tre, với chén là những đốt tre nhỏ, gần gũi với thiên nhiên.

Chiều: Thác Trái Tim – Khu Bungalow

Khoảng 13h30, du khách bắt đầu lên Thác tình yêu, hay còn gọi là Thác trái tim. Hành trình lên thác sẽ đi qua khu rừng nguyên sinh, những đồi cây thảo quả tươi đẹp. Quãng đường từ bản lên thác chỉ hơn 1 km nhưng vì địa hình núi cao nên mất khoảng 2 tiếng di chuyển cả đi và về.

Khoảng 16h, du khách có thể tham quan một số homestay, vườn hoa hoặc khu bungalow… Trẻ con trong bản thường tập trung tại đây để chơi nên du khách có cơ hội cùng trò chuyện, đá bóng giao lưu… Đón hoàng hôn tại San Sín Hồ cũng là trải nghiệm mà du khách nên thử.

Nhờ tính cách chân thật, mến khách của người Mông ở Sin Suối Hồ mà nơi đây nhận được nhiều sự yêu mến của du khách. Người dân thân thiện, luôn sẵn sàng giới thiệu về những nét văn hóa của người Mông. “Tôi đã đến nhiều nơi, nhưng ở Sin Suối Hồ là được chào đón nồng nhiệt nhất, họ sẵn sàng chia sẻ mọi thứ. Điều đặc biệt là người dân ko hút thuốc, không uống rượu và không bao giờ tranh cãi vì bất kì điều gì, rất văn minh”, chị Thanh Huyền, một du khách chia sẻ.

Tối: Giao lưu văn nghệ cùng người Mông

Buổi tối, du khách có thể ở lại bản nghỉ ngơi và giao lưu văn nghệ với người dân. Hiện ở Sin Suối Hồ có 10 homestay, 1 nhà nghỉ và 3 bungalow, tất cả đều được vận hành bởi người dân địa phương.

Lưu ý thêm:

– Di chuyển: Sin Suối Hồ cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km, di chuyển mất khoảng 1 tiếng. Du khách có thể thuê xe máy, ô tô hoặc taxi từ thành phố Lai Châu. Nếu di chuyển bằng xe ô tô, chỉ đi được xe 29 chỗ.

– Thời tiết: Lai Châu có 2 mùa: mùa mưa và khô. Mùa mưa giữa tháng đến tháng 9, mùa khô giữa tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Vào mùa mưa, đường sá thường trơn trượt và khó đi hơn.

– Cảnh quan: Bản Sin Suối Hồ xinh đẹp quanh năm. Nếu đến đây vào gần dịp Tết âm lịch, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bông hoa địa lan. Tháng 4 – 5 là mùa nước đổ, tháng 9 – 10 là mùa vàng của những thửa ruộng bậc thang, hoặc du khách có thể đến vào tháng 11 – 12 để ngắm hoa dã quỳ.

– Chi phí:

+ Giá vé vào bản: 20.000 đồng/ người

+ Giá homestay nghỉ tại bản: 250.000 đồng/ đêm/ người (bao gồm 1 bữa ăn sáng và 1 bữa chính).

+ Giá thuê trang phục dân tộc: 50.000 đồng/ bộ.

+ Giá thuê xe ở thành phố Lai Châu là 150.000 đồng/ ngày với xe máy, khoảng 1 triệu đồng/ ngày với xe ô tô (tự lái) hoặc du khách có thể thuê taxi từ thành phố.

Nguồn: Ngân Dương, Xuv Haam, Thanh Huyền
vnexpress.net

Đón bình minh trên biển Quy Nhơn

Đón bình minh trên biển Quy Nhơn

Bãi tắm Hoàng Hậu, cầu Thị Nại, Eo Gió… là những điểm ngắm bình minh đẹp khi đến tại Quy Nhơn.

rạng đông - bãi hoàng hậu - ngọc thành

Bãi tắm Hoàng Hậu còn có tên gọi khác là bãi Trứng, cách TP Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam. Nơi đây nổi bật với những hòn đá to, tròn xếp chồng, thu hút du khách đến ngắm cảnh. Khi trời vừa hừng đông, những tia sáng yếu ớt ló dạng dưới đường chân trời, tạo nên khung cảnh mờ ảo như sương khói. Ảnh: Ngọc Thành.

bình minh - bãi trứng - ngọc thành

Khi mặt trời lên hẳn, những chỏm đá nhấp nhô phía dưới mặt nước càng tạo cho bãi Trứng vẻ huyền hoặc, kỳ ảo. Từ bãi Trứng, du khách còn có thể ghé thăm nhà thờ đá, mộ thi nhân Hàn Mặc Tử, Lầu Ông Hoàng… ở gần đó. Ảnh: Ngọc Thành. 

Cầu Thị Nại dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Từ trên cầu, du khách có thể đón được những tia sáng đầu tiên ánh lên trên đường chân trời trên đầm Thị Nại, hòa mình vào bầu không khí trong lành nơi đây. Ảnh: Trung Phạm

Cầu Thị Nại dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Từ trên cầu, du khách có thể đón được những tia sáng đầu tiên ánh lên trên đường chân trời trên đầm Thị Nại, hòa mình vào bầu không khí trong lành nơi đây. Ảnh: Trung Phạm

Điểm đón bình minh đẹp ngỡ ngàng ở Quy Nhơn - 4

Bình minh dần hé lộ trên cầu Thị Nại. Sau khi đón bình minh, du khách có thể đến bãi Kỳ Co, Eo Gió và nhâm nhi đồ uống trên bãi biển vào cuối ngày. Ảnh: VnExpress Marathon.

Điểm đón bình minh đẹp ngỡ ngàng ở Quy Nhơn - 2

Eo Gió cách trung tâm TP Quy Nhơn 20 km về phía Đông Bắc. Nơi đây nổi tiếng với những dãy núi hình cánh cung nhiều hình thù kỳ lạ, bãi đá Đẻ và 19 hang chim yến. Đón bình minh trên Eo Gió cũng là một trong những cảnh sắc được nhiều du khách săn đón khi tìm đến địa danh này. Ảnh: Trung Phạm.

bãi biển đường Xuân Diệu - ảnh Ngọc Thành

Ngoài các địa danh nổi tiếng, đến Quy Nhơn, du khách vẫn có thể đón bình minh ngay trên bãi biển giữa trung tâm thành phố từ những con lộ chạy sát biển như đường Xuân Diệu. Ảnh: Ngọc Thành

Trên bãi cát, 

Trên bãi cát biển Quy Nhơn, ánh bình minh ngả bóng tạo nên khung cảnh đẹp cho các vận động viên tham gia giải VnExpress Marathon 2019. Ảnh: Ngọc Thành.

Nguồn: vnexpress.net

Cẩm nang lần đầu tới Lý Sơn

Cẩm nang lần đầu tới Lý Sơn

Du lịch quần đảo trong 3 – 4 ngày, du khách sẽ đắm mình trong những bãi biển nước xanh trong, tham quan đỉnh Thới Lới, hang Câu, hòn Mù Cu.

Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo là Cù Lao Ré (đảo Lớn), đảo An Bình (đảo nhỏ) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30 km. Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, chi phí du lịch tiết kiệm, trong những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Thời điểm đẹp nhất để đến Lý Sơn là mùa khô, từ tháng 4 – 8 hàng năm. Tháng 9 – 12 là mùa mưa, bão và biển động, du khách nên tránh du lịch lúc này.

Phương tiện di chuyển chính là tàu thủy từ cảng Sa Kỳ. Ở đây có nhiều hãng tàu cao tốc đưa du khách tới đảo Lý Sơn với giá vé khoảng 300.000 – 340.000 đồng (khứ hồi). Bạn nhớ mang theo chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe để mua vé. Thời gian di chuyển từ cảng đến đảo khoảng 35 phút.

Ảnh: KernelNguyen/Shutterstock.

Từ Hà Nội, TP HCM, du khách đặt vé máy bay tới sân bay Chu Lai với giá vé một chiều khoảng 1.200.000 đồng, thời gian bay 1 tiếng 30 phút. Sân bay cách cảng Sa Kỳ khoảng 42 km, bạn có thể di chuyển bằng taxi, giá một chiều khoảng 350.000 đồng hoặc đi xe bus dừng chặng tại TP Quảng Ngãi để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, du khách có lựa chọn là bay tới Đà Nẵng, từ đây đi taxi hoặc tàu hỏa đến TP Quảng Ngãi, giá vé tàu 180.000 khứ hồi. Cảng cách trung tâm thành phố 20 km.

Du khách có thể thuê xe điện 300.000 đồng một lượt để khám phá vòng quanh đảo. Ngoài ra có thể thuê xe máy, giá 150.000 đồng một ngày để tham quan.

Điểm đến nổi tiếng nhất trên đảo lớn là đỉnh Thới Lới. Đây là một trong 5 ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động của huyện đảo, với phần mỏm đá nhô ra nhìn xuống biển. Núi có độ cao khoảng 170 m so với mặt nước biển và đỉnh núi là lòng chảo khổng lồ, với hồ nước ngọt cấp nước cho huyện đảo. Ở đây có cột cờ tổ quốc cao 20 m, điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi tới Lý Sơn.

Điểm đến gợi ý thứ 2 trong hành trình là Hang Câu, với một bên các vách đá dựng thẳng đứng, một bên bãi biển với bờ cát trắng mịn. Dưới tác động của gió và sóng biển, các vách đá mang hình thù khách biệt, gần bờ là những rạn san hô nhiều màu sắc. Ở Hang Câu, hoạt động gợi ý là lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak.

Một trong những điểm đến mang tính đặc trưng khác của đảo lớn là cổng Tò Vò, phía đông đảo. Thực chất, đây là một cổng đá, cao hơn 2 m nằm bên biển. Người dân cho rằng, nham thạch phun trào từ núi lửa cách đây 2 triệu năm trước, bị đông cứng khi gặp nước biển đã tạo thành cổng vòm với hình dạng đặc biệt này. Xung quanh là bãi đá nham thạch đen. Thời điểm đẹp nhất để đến cổng Tò Vò vào hoàng hôn, khi mặt trời dần khuất sau đường chân trời và những tia nắng le lói qua khe đá.

Tuy nhiên, cánh cổng thường thu hút đông đúc du khách nên khó để chụp ảnh. Gần đây, khu vực xuất hiện nhiều rác thải du lịch.

Gần cổng Tò Vò là Chùa Hang, ngôi chùa hơn 400 tuổi, nằm trong hang đá lớn ở lưng chừng núi. Nơi đây thờ Phật và các vị có công khai hoang hòn đảo. Sân chùa lớn được bao quanh bởi hàng cây cổ thụ, nơi đặt tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra biển. Trong chùa là các bệ thờ tạc trên nhũ đá tự nhiên và di tích Chăm Pa.

Đoạn đường núi lên chùa cũng là một trong những điểm ngắm cảnh đẹp, với tầm nhìn về cánh đồng tỏi và xóm làng yên bình.

Một ngôi chùa khác du khách có thể đến thăm trong hành trình là chùa Đục, trên vách núi Giếng Tiền, một trong những ngọn núi lửa khác của huyện đảo. Ngôi chùa mới được xây dựng năm 2008 với 3 am thờ. Du khách leo 100 bậc theo sườn núi để tới chùa. Trước cửa hang là tượng Phật Bà Quan Âm cao 27 m hướng ra biển, có tên là Quan Âm Đài.

Trong những ngày ở Lý Sơn, du khách nên dậy sớm để tới hòn Mù Cu, điểm ngắm bình minh đẹp nhất trên quần đảo, nằm cách trung tâm đảo Lớn khoảng 3 km về phía đông. Do chưa có người ở nên phong cảnh còn rất nguyên sơ, không khí trong lành.

Giá vé khứ hồi từ đảo Lớn tới đảo Bé 80.000 – 100.000 đồng. Đi theo đoàn đông, bạn có thể lựa chọn thuê tàu riêng với giá 800.000 đồng. Sau khi đến đảo, du khách có lựa chọn xe điện, xe tuk tuk hoặc xe ôm 50.000 đồng một lượt tham quan.

Ảnh: Lan Huong.

Gần khu vực cảng đảo Bé là làng bích họa, với những bức tranh tường nhiều màu sắc. Đây là một trong những điểm chụp ảnh yêu thích của du khách, dù không lớn và đẹp như những làng bích họa khác trên cả nước.

Ảnh: Lan Huong.

Bãi Ngang với làn nước trong vắt màu xanh ngọc được nhiều du khách ưu ái gọi là “Maldives của Việt Nam”. Ở đây có những mỏm đá, hốc đá gần bờ với nhiều loài cá màu sắc có thể nhìn thấy rõ khi du khách bơi hoặc lội nước. Lặn biển ngắm san hô là trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi tới đảo Bé. Giá dịch vụ thuê đồ lặn và tắm nước ngọt 110.000 đồng mỗi người.

Gần bãi tắm có cây cầu Tình Yêu, với phí tham quan 5.000 đồng một người. Ở đây nước trong vắt, có thể nhìn rõ rong rêu và san hô, thích hợp cho những du khách yêu thích chụp ảnh.

Ảnh: Lan Huong.

Ở Lý Sơn có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay, trung bình từ 200.000 – 400.000 đồng một đêm. Với du khách thích nơi nghỉ có phong cách trẻ trung, nên chọn homestay Bep’s House, Bé Ecolodge hoặc nhà nghỉ DHT Hang Câu.

Ngoài ra, du khách có thể tham khảo khu nghỉ dưỡng Lý Sơn Pearl Hotel & Resort có view biển.

Du khách có thể trải nghiệm ở một đêm tại đảo Bé. Các homestay gợi ý là Ly Son Bungalow với những nhà gỗ nhiều màu sắc, XaLaBin với các phòng ở trên cao có view biển hoặc Gió Biển. Lý Sơn chủ yếu là hải sản, đặc biệt là cua Huỳnh Đế, nộm rong biển. Các quán ăn tập trung ở dọc cảng, một số quán gợi ý là quán Phát Hải, quán Khói Chiều. Ngoài ra còn có cơm hải sản Đại Hằng, quán Út Ngọc.

Nguồn: vnexpress.net