10.000 chuyến bay bị hủy vì virus corona

10.000 chuyến bay bị hủy vì virus corona

Ngày 23-28/1, số chuyến bay quốc tế đến và đi Trung Quốc đại lục bị hủy đạt gần 10.000.

Trong thời gian trên, 92% chuyến bay theo lịch trình đến và đi Vũ Hán bị hủy, với 2.406 chuyến không được thực hiện.

Theo dữ liệu trên trang Cirium, gần 10.000 chuyến bay trên khắp thế giới đến và đi từ Trung Quốc hay nội địa trong đại lục đã bị hủy trong 5 ngày kể từ 23/1.

Theo dữ liệu trên trang Cirium, gần 10.000 chuyến bay trên khắp thế giới đến và đi từ Trung Quốc bị hủy trong 6 ngày kể từ 23/1.

Virus corona tác động mạnh đến các hãng hàng không Trung Quốc. China Eastern hủy 1.591 chuyến bay trên toàn mạng lưới trong và ngoài nước, trong đó 62 chuyến là đường bay quốc tế.

China Southern đứng vị trí thứ hai với 1.510 chuyến, 85 trong đó là chuyến quốc tế. Vũ Hán là thành phố quan trọng với hãng hàng không này khi kết nối một số tuyến quốc tế đến New York, Rome, San Francisco và London. Hãng này dự kiến mở lại các dịch vụ quốc tế từ Vũ Hán vào tháng 3.

Xiamen Airlines có 837 chuyến bị hủy.

Không chỉ riêng ở Vũ Hán, dịch vụ hàng không trên khắp cả nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ở sân bay Bắc Kinh, 920 chuyến bay bị hủy, chiếm 10% tổng số chuyến. Quảng Châu ghi nhận gần 830 chuyến bay phải bỏ lịch trình ban đầu.

Từ ngày 29/1, sau cuộc triệu tập ủy ban khẩn cấp của WHO, hàng loạt lệnh ngừng bay đến Trung Quốc được đưa ra. British Airways là hãng hàng không đầu tiên tuyên bố việc này. Tính đến 1/2, có 29 hãng hàng không dừng hoặc thông báo dừng các chuyến bay đi, tới Trung Quốc, trong đó có các hãng của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Anh, Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net

Chim, sóc, cá cảnh giá ngàn đô ‘hiện nguyên hình’ khi qua an ninh sân bay

Chim, sóc, cá cảnh giá ngàn đô ‘hiện nguyên hình’ khi qua an ninh sân bay

Chim cảnh, chuột cảnh, sóc giấu trong balô, cột trong áo khoác hoặc có những trường hợp mang theo cả bịch cá cảnh trị giá cả ngàn USD để lên máy bay, nhưng không qua được “mắt thần” của an ninh soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Chim, sóc, cá cảnh giá ngàn đô hiện nguyên hình khi qua an ninh sân bay - Ảnh 1.

Các nhân viên an ninh soi chiếu làm nhiệm vụ gác cổng cho những chú “chim sắt” vào ngày giáp tết – Ảnh: NGỌC HIỂN

Ông Nguyễn Đức Tiến – phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất kiêm giám đốc Trung tâm an ninh hàng không – cho biết những ngày cận tết này, lượng hành khách đổ về sân bay cao kỷ lục và cũng có “1.001” chuyện xảy ra trước cánh cổng an ninh soi chiếu sân bay Tân Sơn Nhất.

Mang chim thật lên “chim sắt”

Hơn 20 năm làm nhân viên an ninh soi chiếu, chị Nguyễn Thị Nụ cho biết nhiều trường hợp cố tình giấu động vật mang lên máy bay đều bị phát hiện. Phổ biến trong đó là chim cảnh, chuột cảnh, sóc với đủ chiêu qua mắt lực lượng an ninh.

Có hành khách giấu trong balô, cắt một lỗ nhỏ để chim thở, có khách cho vào túi rồi giấu trong áo khoác và cứ nghĩ rằng có thể lách qua được cổng từ.

Khi nhân viên an ninh kiểm tra kỹ trang phục phát hiện ra vật cộm cộm, lòi ra ngay mang theo động vật trong người. Còn đối với những con thú khi qua máy soi chiếu, chỉ trong tích tắc là các nhân viên an ninh phát hiện ra ngay.

Khi hỏi ra, các hành khách viện đủ lý do nào là không biết quy định, nào là “con chim của người thân cho bỏ đi thì tiếc” nên mang lên luôn máy bay, tính cho chim bay cùng “chim sắt”.

Có nhiều hành khách liều lĩnh hơn khi toan tính cho cá bay lên trời theo máy bay khi đưa cá cảnh vào trong bịch nilông, thổi oxy căng phồng đặt vào vali để mang từ Sài Gòn ra Hà Nội. Đây là các loại cá cảnh quý, giá từ vài trăm đến hàng ngàn USD mỗi con.

Tuy vậy, theo quy định thì những loại động vật trên không được mang lên hành lý xách tay nên nhiều khách hàng mang trở lại hành lý ký gửi, có khách tiếc của chờ người thân đến mang về nhưng lắm khách quá cập rập nên phóng sinh ngay tại sân bay.

“Ngay cả những cô gái mang theo sextoy trong hành lý chỉ cần liếc qua máy là chúng tôi còn biết bao nhiêu cái, huống gì là cả một con chim” – một nhân viên an ninh cho biết.

Chỉ tay vào những vật phẩm nằm trong chiếc thùng đựng các vật sắc nhọn đặt phía sau cổng từ ở khu vực soi chiếu, nam nhân viên an ninh Nguyễn Văn Vinh cho biết tuần nào sân bay cũng phải dọn thùng bởi… quá đầy. Từ dao, kéo, kìm, tuốcnơvít, dao rọc giấy, kìm bấm móng tay, lưỡi lam, kéo cắt chỉ, dao bấm, bình xăng zippo… đều được phát hiện qua máy soi chiếu và loại khỏi hành lý trước khi khách lên “chim sắt”.

Chim, sóc, cá cảnh giá ngàn đô hiện nguyên hình khi qua an ninh sân bay - Ảnh 2.

Hành khách cho hành lý xách tay vào khay, chuẩn bị qua cửa an ninh soi chiếu về quê ăn tết – Ảnh: NGỌC HIỂN

Giấu ma túy trong quần lót tính qua mặt an ninh

Ông Đặng Xuân Vịnh, đội trưởng đội an ninh soi chiếu quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết có những vật nguy hiểm cấm mang lên máy bay song hành khách vẫn rất tinh vi, ngụy trang để mang lên máy bay như súng điện, roi điện, đèn pin phóng điện, bình xịt hơi cay, vật sắc nhọn…

Theo ông Vịnh, nhiều hành khách tháo rời các loại vũ khí, đặt trong laptop, âm li hoặc các thiết bị điện vẫn bị phát hiện.

Mới đây, có trường hợp khách giấu ma túy trong người, thấy dáng vẻ khách rất bất thường như “dân chơi hàng”, nhân viên an ninh hoá trang mật phục đã đưa vào tầm ngắm. Khi mời kiểm tra, nam hành khách này vã mồ hôi, chân tay bủn rủn và tính bỏ chạy nhưng bị khống chế ngay lập tức, kết quả có ma túy giấu trong… quần lót.

Bên cạnh soi chiếu hành lý của khách, các nhân viên an ninh này còn hỗ trợ cho khách rất nhiều trường hợp mất cắp trong sân bay. Theo nhân viên an ninh Tạ Quang Hưng, những ngày tết cập rập, khách rất dễ đánh rơi hoặc bỏ quên tiền bạc, tài sản ở sân bay khiến nhiều người nảy lòng tham.

Có trường hợp, một cụ già thấy khách để chiếc ví hớ hênh ẵm luôn ví có hơn 4.000 USD của một Việt kiều Úc. Kiểm tra camera, phát hiện ngay cụ già “lượm” và buộc phải trả lại cho hành khách.

Theo ông Hưng, cũng có nhiều trường hợp khách trộm điện thoại, trang sức hoặc ví tiền của khách nhưng chỉ cần kiểm tra camera an ninh là lòi ra ngay và trả tài sản về cho khổ chủ.

Nhiều giải pháp giảm tải khu soi chiếu cao điểm tết

soi chieu 4

Dòng người đông nghẹt xếp hàng chờ qua khu an ninh soi chiếu tại nhà ga quốc nội vào chiều 23 tháng Chạp – Ảnh: NGỌC HIỂN

Ông Nguyễn Đức Tiến – phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất kiêm giám đốc Trung tâm an ninh hàng không – cho biết hiện nay các hãng đã đẩy mạnh dịch vụ checkin online trong dịp tết và đã có khoảng 40% hành khách checkin ở nhà, sau đó đi thẳng đến quầy an ninh soi chiếu. Do đó, các nhân viên an ninh đã tiếp nhận “bước 1” giấy tờ tùy thân, thẻ lên máy bay và phát hiện có những trường hợp sai sót, có không ít hành khách đi bằng những giấy tờ không hợp lệ, thậm chí là giấy tờ giả.

Trong dịp tết này, ông Tiến cho biết đã chỉ đạo các lực lượng tại sân bay, trong đó có an ninh soi chiếu hỗ trợ tối đa xác minh nhân thân với các trường hợp quá hạn giấy chứng sinh, giấy khai sinh… để người dân được về quê ăn tết thuận lợi. Ngoài ra, sân bay cũng bố trí lối soi chiếu riêng cho những hành khách là người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi và người đi cùng, hành khách giờ chót.

Theo ông Tiến, để đáp ứng lượng khách đi lại hơn 150.000 lượt khách/ngày vào ngày cao điểm trước và sau tết, cảng đã bổ sung thêm 3 điểm an ninh soi chiếu ở sảnh A và 2 điểm soi chiếu ở sảnh B.

“Lượng khách tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên chúng tôi huy động hết quân số, làm hơn 100% khả năng, nhiều người chỉ kịp ăn mì gói lót dạ những lúc cao điểm. Có những người đã 20-30 năm chưa nghỉ phép ngày tết. Miễn sao đảm bảo an ninh, an toàn cho khách về quê ăn tết là chúng tôi thở phào” – ông Tiến nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Hành khách chiếm màn hình sân bay để chơi game

Hành khách chiếm màn hình sân bay để chơi game

 ‘Chỉ cần bạn thoải mái thì đâu cũng là nhà mình’, một hành khách tại sân bay Portland của Oregon (Mỹ) là minh chứng rõ nhất câu nói này khi hồn nhiên chiếm các màn hình thông báo ở đây để chơi game, bất chấp sự khó chịu của khách khác.

Hành khách chiếm màn hình sân bay để chơi game

Ảnh: Stefan Dietz

Câu chuyện được Stefan Dietz, một hành khách có mặt tại sân bay khi ấy, ghi lại và đăng lên trang cá nhân hôm 16-1.

Theo câu chuyện mà Stefan Dietz chia sẻ thì khi tất cả mọi người đang ngồi ở những băng ghế chờ lúc 4h30 sáng thì một hành khách nam đên bên cạnh, ngang nhiên cắm dây nối HDMI để chơi Apex Legends trên chiếc PlayStation 4.

Anh chàng này không hề quan tâm đến ánh mắt khó chịu của những người khác, coi đó như nhà mình và hăng say chơi game, thậm chí còn trò truyện qua tai nghe với các game thủ khác.

Các nhân viên an ninh sân bay nhanh chóng tiếp cận, yêu cầu người dần ông này rút dây nối trò chơi ra khỏi màn hình và bất ngờ nhận lại nụ cười cũng câu hỏi lịch sự: “Các anh có thể đợi tôi chơi xong đã không?”.

Màn hình thường hiển thị bản đồ của sân bay, hỗ trợ khách du lịch với các vị trí của nhà hàng và phòng tắm nên các nhân viên an ninh không thể đồng ý và ngay lập tức khống chế để rút trò chơi ra.

Danh tính của nam hành khách này không được tiết lộ.

Nguồn: tuoitre.vn

3 phương án vốn sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

3 phương án vốn sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Sử dụng vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp và nguồn thu từ khai thác khu bay là các phương án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Bộ Giao thông Vận tải tuần trước đã đề xuất Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, gồm sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn của Tổng công ty cảng hàng không (ACV) và sử dụng nguồn thu từ khai thác khu bay do ACV quản lý.

Với phương án đầu tư công, Bộ đề xuất Thủ tướng bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 950 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn trung hạn 2021-2025 khoảng 3.202 tỷ đồng.

Trường hợp sử dụng nguồn vốn của ACV, Bộ trình Thủ tướng xem xét phương án giao đơn vị này quản lý, khai thác tài sản khu bay theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (ACV là doanh nghiệp do nhà nước giữ cổ phần chi phối).

Một điểm lún vỡ trên mặt đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Duy.

Một điểm lún vỡ trên mặt đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Duy.

Nếu Thủ tướng không chấp thuận điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ Giao thông Vận tải sang ACV theo hình thức tăng vốn nhà nước, khi đó phần vốn đầu tư sửa chữa khu bay sẽ được Nhà nước hoàn trả cho ACV từ nguồn thu khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng phê duyệt.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không, nếu phương án nguồn vốn được phê duyệt đầu tháng 1/2020, thì việc sửa chữa sẽ được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay. Việc sửa chữa đường băng Nội Bài mất khoảng 26 tháng và Tân Sơn Nhất là 23 tháng từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành.

Tại Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư cần 6 tháng thiết kế, chọn nhà thầu, xin cấp phép xây dựng và 16 tháng thi công. Trong đó, đường cất/hạ cánh 25R/07L, các đường lăn tiếp giáp và xây dựng các đường lăn chờ phía bắc thi công trong 4 tháng mùa thấp điểm (tháng 8 đến 12). Đường lăn thoát nhanh giữa hai đường cất/hạ cánh và đường lăn song song phía nam thi công trong 16 tháng.

Tại Nội Bài, ngoài 6 tháng cho phần thiết kế và thủ tục tương tự Tân Sơn Nhất, thì việc thi công cần 19 tháng. Trong đó, đường cất/hạ cánh 1B và các đường lăn tiếp giáp sẽ thi công trong 4 tháng thấp điểm.

Từ năm 2017, chỉ số mặt đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất là 48 – mức độ xấu. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), chỉ số 40-55 là cần phải cải tạo, nâng cấp. Đường băng 1B (11R/29L) tại Nội Bài cũng thường xuyên bị bong bật, vỡ nứt…

Tuy nhiên, khu bay do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và chịu trách nhiệm đầu tư sửa chữa song thiếu vốn ngân sách. Hai năm qua, ACV không có thẩm quyền sửa chữa lớn mà chỉ được sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn theo nguyên tắc “hỏng đâu sửa đó”.

Nguồn: vnexpress.net

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Người đưa tiễn hành khách tại sân bay Nội Bài sẽ bị hạn chế vào khu vực làm thủ tục trong giờ cao điểm.

Sáng 16/1, ông Nguyễn Huy Dương, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, để giảm tình trạng quá tải trong giờ cao điểm tại khu vực check-in nhà ga hành khách T2, an ninh sân bay sẽ ngăn chặn người đưa tiễn vào khu vực làm thủ tục.

“Chúng tôi linh động cho các trường hợp như người già, trẻ em, người tàn tật cần có người nhà đi cùng hoặc các đoàn tour cần người hướng dẫn vào khu vực làm thủ tục”, ông Dương nói.

Khung giờ cao điểm hạn chế người đưa tiễn 8h đến 11h sáng và 19h đến 23h hàng ngày.

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Khách và người nhà đưa tiễn đứng kín tiền sảnh nhà ga T2 Nội Bài. Ảnh: Phan Công. 

Hành khách sau khi hoàn thành thủ tục check-in được hướng dẫn di chuyển để làm thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh soi chiếu và vào khu vực cách ly, tránh ùn tắc ở quầy thủ tục hay soi chiếu an ninh.

Nhà chức trách sân bay Nội Bài cũng khuyến cáo hành khách đến sân bay trước 3 giờ đối với các chuyến bay quốc tế, trước 2 giờ đối với các chuyến bay quốc nội để làm thủ tục hàng không. Hành khách không có hành lý ký gửi có thể tự làm thủ tục online hoặc tại kiosk của nhà ga.

Dịp cao điểm Tết, sân bay Nội Bài sẽ có 715 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày (ngày thường có 550 lượt chuyến), tăng 16% so với Tết năm trước. Lượng hành khách cao nhất đạt khoảng 115.000 người mỗi ngày (ngày thường 80.000 khách).

Nguồn: vnexpress.net

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Sức ảnh hưởng, sự mới mẻ, sự đa dạng văn hóa… là ba trong nhiều tiêu chí các hãng xét duyệt phim và chương trình giải trí trên máy bay.

Một số hãng hàng không thuê hẳn đội ngũ chuyên gia để chọn phim cho khách, nhiều hãng khác giao trọng trách này cho các nhân viên công ty. Các nhóm nhân viên có nhiệm vụ xem hết các bộ phim, tranh luận về việc chọn tác phẩm nào để đưa lên bầu trời.

Singapore Airlines có hơn 70 nhân viên chuyên về lĩnh vực phim ảnh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, để đại diện cho các địa điểm hãng này có đường bay tới đó. Ng Yung Han, Phó chủ tịch Bộ phận Phát triển Sản phẩm, cho biết thành viên Ủy ban đánh giá phim có trụ sở tại Singapore sẽ gặp mặt trực tiếp mỗi tháng để chọn phim. Các văn phòng nước ngoài sẽ gửi email đề xuất.

Việc bình chọn và đánh giá của các thành viên trong Ủy ban sẽ giúp hãng bay hiểu hơn về những bộ phim nổi bật hoặc gây tranh cãi trên thế giới. Điều này giúp hãng bay không bị “lạc hậu” khi cung cấp nội dung giải trí cho khách.

Ông Ng cho biết ngoài mức độ nổi tiếng, những giải thưởng và tính phù hợp về văn hóa của các bộ phim là những yếu tố được ưu tiên. Việc đưa phim mới phát hành trên thị trường (khoảng ba tháng sau ngày công chiếu với phim Hollywood) là một trong các tiêu chí quan trọng. Ngoài ra, hãng cũng tham khảo thêm ý kiến hành khách.

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Một số hãng bay chọn hiển thị phim, chương trình truyền hình phụ thuộc vào các tuyến đường bay trong ngày. Ảnh: Reader.

Là hãng đầu tiên lắp màn hình giải trí ở mọi ghế trong cabin vào năm 1992, Emirates có một đội gồm 8 người chuyên xem phim. Nhiệm vụ của họ là xem nhiều phim nhất có thể mỗi tháng, ghi lại nhận xét làm cơ sở dữ liệu. Hệ thống giải trí ICE của Emirates cung cấp khoảng 700 phim, chương trình truyền hình… trên các chặng bay.

Còn Cathay Pacific có quan điểm rằng sự cân bằng về ngôn ngữ và thể loại phim là chìa khóa làm hài lòng khách. Nếu các phòng vé Trung Quốc chỉ ưu tiên phim từ Hollywood, Bollywood, Trung Quốc, Nhật Bản…, Cathay hướng tới sự đa dạng về quốc gia và cung cấp lượng lớn chương trình giải trí.

Với từng khu vực, đội ngũ chuyên trách mảng giải trí của hãng sẽ làm việc với các chuyên gia, nhà phê bình phim địa phương để hiểu được tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của mỗi tác phẩm. Ít nhất 20 người tham gia chọn phim. Hãng mua bản quyền từ 70 đến 200 phim, chương trình truyền hình một tháng với những thể loại ăn khách như hài kịch, tình cảm…

Nguồn: vnexpress.net

Vì sao phi công cất rìu trong buồng lái?

Vì sao phi công cất rìu trong buồng lái?

Rìu không phải thứ bắt buộc có của mọi hãng hàng không, nhưng thực tế chứng minh sự tồn tại của vật dụng này trên máy bay.

Ngành hàng không có những quy định chặt chẽ về hành lý xách tay và ký gửi, đặc biệt là những thứ khách không thể mang lên máy bay như vũ khí hoặc bất kỳ đồ gì có thể dùng làm vũ khí trên chuyến bay thương mại.

Tuy nhiên, có ít nhất một ngoại lệ cho quy định này. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, mọi máy bay thương mại chở hơn 19 hành khách phải được trang bị một chiếc rìu trong buồng lái. Chiếc rìu này sẽ được sử dụng như một thiết bị an toàn, để phi hành đoàn phá cửa buồng lái hay những bề mặt khác khi xảy ra sự cố.

Vì sao phi công cất rìu trong buồng lái?

Một số đồ được trang bị trên máy bay. Ảnh: Life Support International.

Một phát ngôn viên của Cục Hàng không Anh (CAA) cho biết: “Nhiều máy bay có một cây rìu nhỏ đặt đâu đó trong buồng lái, để phi công phá cửa kính khi cần thiết trong trường hợp sơ tán khẩn cấp”.

Phi công chuyên điều khiển Airbus A320/A321, Anas Maaz cho biết một chuyến bay chuyên chở hơn 200 hành khách cần được trang bị thêm một chiếc rìu và xà beng trong hoặc gần khu vực bếp cuối máy bay nhất.

Anas Maaz lý giải: “Máy bay có nhiều lớp cấu thành. Do đó, nếu ngọn lửa bùng bên trong lớp vỏ, bạn cần tìm cách để phát hiện nguồn hỏa hoạn. Một chiếc rìu sẽ cho phép bạn làm vậy và dập lửa dễ dàng hơn bằng bình cứu hỏa”. Maaz trấn an, phi công sẽ không bao giờ dùng rìu để khống chế những hành khách quá khích trên máy bay.

Nguồn: vnexpress.net

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Sau quá trình thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh.

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Cánh Diều mong muốn cất cánh vào giữa năm 2020 với 6 máy bay ATR 72 – Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG

Dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) có mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Hãng hàng không Cánh Diều dự kiến cất cánh trong quý 2-2020 với 6 máy bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương.

Số máy bay sẽ tăng dần qua các năm và đến năm thứ 6 sẽ có 25 máy bay, trong đó có 15 chiếc Airbus A320, A321 hoặc tương đương.

Tổng vốn của dự án hãng Cánh Diều là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư).

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam – nơi đặt trụ sở kinh doanh của Hãng hàng không Cánh Diều – chỉ đạo Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án theo ý kiến của cơ quan thẩm định và các bộ ngành liên quan, giám sát chặt việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án.

Theo dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, trong năm đầu tiên khai thác hãng Cánh Diều chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đến các sân bay địa phương như Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo, trong đó số chuyến bay khai thác tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 21 chuyến mỗi tuần…

Hãng Cánh Diều có kế hoạch khai thác đường bay quốc tế từ năm thứ 2 thành lập và mở rộng phạm vi khai thác từ năm thứ 3.

Như vậy, đến thời điểm này Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu với 3 dự án lập hãng hàng không Vietravel Air, Vinpearl Air và Cánh Diều – Kite Air.

Nguồn: tuoitre.vn

Vietnam Airlines được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh với Delta Air Lines

Vietnam Airlines được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh với Delta Air Lines
Vietnam Airlines vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với hãng hàng không Delta Air Lines sau khi hai hãng ký kết thỏa thuận vào tháng 8 vừa qua.

Sự kiện mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với hãng hàng không Delta Air Lines một lần nữa khẳng định năng lực đảm bảo an toàn khai thác, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines để hiện thực hóa đường bay đến Mỹ trong tương lai.

Hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều giữa Vietnam Airlines và Delta Air Lines dự kiến chính thức đi vào triển khai từ tháng 1/2020. Theo đó, hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần duy nhất với Vietnam Airlines hoặc Delta Air Lines để thực hiện toàn bộ hành trình, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ dàng ghé thăm những điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam và Mỹ.

Sự kiện một lần nữa khẳng định năng lực đảm bảo an toàn khai thác, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

Các chuyến bay của Vietnam Airlines có hợp tác liên danh với Delta Air Lines sẽ được phép hiển thị số hiệu của Delta Air Lines (bắt đầu bằng mã DL*) bên cạnh số hiệu của Vietnam Airlines. Phạm vi các chuyến bay này bao gồm các hành trình quốc tế giữa một hoặc các điểm tại Mỹ và một hoặc các điểm tại Việt Nam (các hành trình bay thẳng hoặc có điểm dừng tại Nhật hay các nước khác theo Hiệp ước Bầu trời mở); giữa các điểm nội địa Mỹ; giữa các điểm nội địa Việt Nam; giữa các điểm ngoài Việt Nam hoặc Mỹ tới một hoặc các điểm khác. Delta Air Lines sẽ triển khai bán vé các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác giữa Hà Nội và Tokyo để phục vụ hành khách có nhu cầu nối chuyến bay đến Mỹ.

Trong khi đó, Delta Air Lines được phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, thư tín dưới hình thức hợp tác liên danh giữa Mỹ và Việt Nam trên cơ sở phạm vi đã được quy định tại Hiệp định hàng không Việt – Mỹ năm 2003. Số hiệu chuyến bay bắt đầu bằng mã VN* (số hiệu của Vietnam Airlines) không những được hiển thị trên các chuyến bay của Delta Air Lines mà còn của các hãng hàng không liên kết gồm Compass Airlines, Endeavor Air, GoJet Airlines, Republic Airlines và SkyWest Airlines trên các hành trình đến 25 điểm tại Mỹ theo Hiệp định hàng không Việt – Mỹ.

Với quyết định cấp phép này, Vietnam Airlines đã hoàn thiện quyền khai thác các hành trình đến, đi từ Mỹ trên tất cả các hình thức gồm khai thác thường lệ, thuê chuyến và liên danh hai chiều. Đây là những bước tiến quan trọng để Hãng thăm dò thị trường Việt – Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.

Thông tin bổ sung:

Từ năm 2010, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh linh hoạt một chiều với Delta Air Lines trên 10 đường bay đến/đi từ Mỹ và 10 đường bay nội địa Mỹ. Nhờ thỏa thuận hợp tác này, hành khách của Vietnam Airlines có thể đến 8 tiểu bang tại Mỹ thông qua nối chuyến với Delta Air Lines tại Tokyo (Nhật Bản) hoặc Frankfurt (Đức).

Cụ thể, hành khách có thể mua vé trên hệ thống của Vietnam Airlines để đi trên các chuyến bay do Delta Air Lines khai thác giữa thành phố Tokyo và Detroit (Michigan), Portland (Oregon), Honolulu (Hawaii), Atlanta (Georgia), Seattle (Washington); Los Angeles (California), Minneapolis (Minnesota); giữa Frankfurt và Detroit (Michigan), Atlanta (Georgia), New York.

Ngoài ra, hành khách còn có thể mua vé trên hệ thống của Vietnam Airlines để bay các chuyến nội địa Mỹ do Delta Air Lines khai thác giữa Minneapolis (Minnesota) và Boston (Massachusetts), Chicago (Illinois), Denver (Colorado), Philadelphia (Pennsylvania), St. Louis (Missouri); giữa Atlanta (Georgia) và Austin, Dallas, Houston (Texas), Miami (Florida), Washington D.C (Columbia).

Nguồn: Vietnam Airlines

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng cho phép ACV sửa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với chi phí 4.152 tỉ đồng.

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Máy bay của các hãng hàng không cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, nguồn vốn được đề xuất lấy từ nguồn tiền khai thác tài sản khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) kết hợp với nguồn tiền ACV tạm ứng.

Theo ACV, từ năm 2017, một số đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện hư hỏng đến mức cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hiện nay, cả sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài phải thường xuyên duy tu, sửa chữa nhỏ đường băng, đường lăn để đảm bảo duy trì hoạt động khai thác an toàn.

Từ năm 2017 – 2019, việc khai thác liên tục, với số lần cất hạ cánh ngày càng tăng, ngày càng nhiều các loại máy bay tải trọng lớn hoạt động khiến các đường băng, đường lăn tiếp tục xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp đồng bộ có thể sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải đóng cửa khai thác một đường băng vào bất kỳ thời điểm nào.

Do khu bay thuộc tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nên theo quy định của pháp luật, hạng mục này thực hiện đầu tư, sửa chữa bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Nhà nước chưa có ngân sách để đầu tư nâng cấp đường băng. Trong khi đó, ACV sẵn sàng bỏ tiền của mình để cải tạo đường băng nhưng lại không được chấp nhận do doanh nghiệp này đã cổ phần hóa.

Trước thực trạng xuống cấp của đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và vướng mắc của cơ chế như trên, ACV đề xuất Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phương án bố trí nguồn vốn để thực hiện hai dự án cấp bách nâng cấp đường băng, sân đỗ như sau: để lại nguồn chênh lệch thu – chi từ khai thác tài sản khu bay (do ACV đang tạm quản lý, khai thác) từ năm 2019 cho đến khi đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt để đầu tư hai dự án trên (từ tháng 7-2014 đến hết năm 2018, ACV đã nộp vào ngân sách hơn 2.031 tỉ đồng tiền thu từ khai thác khu bay).

Với số kinh phí còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, có tính yếu tố sử dụng vốn với chi phí sử dụng vốn theo lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cho đến khi được hoàn trả.

Theo tính toán của ACV, nếu được Thủ tướng chấp thuận phương án trên, tổng thời gian thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.

4.152 tỉ đồng để làm gì?

Theo tính toán của ACV, để cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L và xây mới, cải tạo 10 đường lăn liên quan nhằm đáp ứng khai thác sân bay Tân Sân Nhất, đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm… tổng mức đầu tư dự kiến 1.876 tỉ đồng.

Tương tự, với sân bay Nội Bài nếu muốn khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm cho tới năm 2025 cần khoảng 2.276 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp đường băng 11R/29L (1B) và cả đường băng 11L/29R (1A), đồng thời xây mới, cải tạo khoảng 20 đường lăn.

Nguồn: tuoitre.vn

Vietnam Airlines mở quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

VNA mở quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Việc ra mắt quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách.

Từ ngày 1/1/2020, Vietnam Airlines sẽ bố trí quầy làm thủ tục hàng không và cửa lên máy bay riêng để phục vụ hành khách bay giữa Hà Nội và TP HCM. Đồng thời, khách hàng có cơ hội được mời lên chuyến bay có giờ khởi hành sớm hơn trong vòng 90 phút so với giờ cất cánh ghi trên vé nếu còn chỗ. Chính sách mới này sẽ giúp hành khách đi lại thuận lợi, linh hoạt, tiết kiệm thời gian chờ đợi, làm thủ tục trên chặng bay nội địa nhộn nhịp nhất cả nước.

Theo đó, tại sân bay Nội Bài, khách bay Hà Nội – TP HCM được phục vụ riêng tại quầy B1, B2, B3. Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, khách bay TP HCM – Hà Nội được phục vụ riêng tại quầy B5, B6, B7. Để rút ngắn thời gian di chuyển cho hành khách, các quầy thủ tục đều được đặt gần lối vào cửa an ninh. Hành khách cũng có thể tự làm thủ tục check-in qua ứng dụng di động, website hoặc kiosk tại sân bay để tiết kiệm thời gian hơn nữa.

Ngoài ra, cửa lên máy bay đi các chuyến giữa Hà Nội và TP HCM được quy tụ riêng trong 1 khu vực để thuận tiện cho hành khách. Các thay đổi này của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách, đặc biệt là các khách công vụ, kinh doanh, hành khách thường xuyên đi lại giữa Hà Nội – TP HCM.

Việc ra mắt quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách. (Ảnh: VNA).

Hiện nay, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific (đều thuộc Vietnam Airlines Group) cung ứng tổng số chuyến bay lớn nhất giữa Hà Nội và TP HCM với gần 40 chuyến bay/ngày, trải đều từ 5h00 sáng đến 22h30 đêm. Các chuyến bay đều được bố trí vào khung giờ tròn, dễ nhớ, cách nhau từ 30 phút đến 1 tiếng, cung cấp cho hành khách rất nhiều lựa chọn linh hoạt. Đặc biệt, các máy bay thân rộng thế hệ mới như Boeing 787-9, Boeing 787-10 và Airbus A350 khai thác trên đường bay này sẽ mang tới cho hành khách trải nghiệm thoải mái, dịch vụ nổi trội, cùng chương trình giải trí hấp dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.

Nguồn: Vietnam Airlines

So sánh các suất ăn hạng thương gia

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Chất lượng dịch vụ và đồ ăn của một hãng hàng không có thể phụ thuộc vào độ dài ngắn của chuyến bay.

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Mark Wiens, sở hữu trang Migrationology, là một blogger ẩm thực nổi tiếng với bài đăng trên những tờ báo uy tín như New York Times, CNN... Có mặt trên nhiều chuyến bay của Star Alliance (Liên minh nhiều hãng hàng không trên thế giới), blogger này chia sẻ những bữa ăn hạng thương gia trong hành trình vòng quanh thế giới của mình. Mark lưu ý, mọi chia sẻ đều dựa trên trải nghiệm và cảm nhận cá nhân của anh, chất lượng dịch vụ và đồ ăn còn phụ thuộc vào độ dài của chuyến bay.

Air India: Chặng Bangkok (Thái Lan) đến Mumbai (Ấn Độ)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Bữa ăn tối gồm cà ri tôm, kèm súp đậu lăng, bánh mì, salad, món tráng miệng có bánh mousse và sữa chua. Những con tôm trong món cà ri to, dày thịt và tươi ngon. Phần súp cà ri cũng được Mark đánh giá là ấn tượng không kém, đậm đà mùi hương của các loại gia vị mà không quá dầu mỡ.

Air India: Chặng Mumbai đến Muscat (Oman)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Bữa ăn tối, anh được phục vụ món gà masala, ăn kèm khoai tây cùng bông cải trắng, salad và bánh mì. Dù không ấn tượng bằng món cà ri tôm, Mark cho rằng gà sốt masala ngon và đậm đà đúng gia vị kiểu Ấn.

Turkish Airlines: Chặng Muscat đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Bữa sáng trên chuyến bay của Turkish Airlines là bữa ăn truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ. Mở đầu là một đĩa phô mai các loại, đặt cạnh vài lát cà chua và dưa chuột, cùng một chiếc bánh mì hạt giòn rụm. Trên khay còn có một ít hoa quả, oliu, một bát sốt chấm làm từ ớt đỏ nướng… Món ăn chính của bữa sáng là trứng ốp ăn kèm khoai tây cắt miếng, rau bina và ớt chuông đỏ. Món trứng thơm mịn, phô mai và bánh mì cũng ngon miệng không kém.

Turkish Airlines: Chặng Istanbul đến Rome (Italy)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Chuyến bay từ thành phố Istanbul tới Rome phục vụ anh bữa trưa. Mở đầu là món khai vị với phô mai dê đặt trên lát cà chua tươi, được trang trí với một ít lá mùi tây và dầu oliu. Bên cạnh còn có salad cà tím cùng quả bơ.

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Có hai lựa chọn cho món chính: thịt băm viên nướng vùng Adana, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cá vược ăn cùng củ cải. Món thịt nướng kiểu kebab hơi khô một chút so với bình thường nhưng vẫn khá đậm đà. Món cá rất hấp dẫn.

Scandinavian Airlines (SAS): Chặng Rome đến Stockholm (Thụy Điển)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Có lẽ vì đây là một chuyến bay ngắn nên bữa ăn khá nhẹ nhàng, được phục vụ trong một chiếc hộp nhỏ có ghi “Hương vị Scandinavian, truyền cảm hứng bởi thế giới.” Trong hộp có món gà sốt mè đen, kim chi táo, gạo lứt và sốt kem gừng. Dù cũng khá ngon miệng, bữa ăn này với Mark hơi đơn giản và không đủ no.

Lufthansa: Chặng Stockholm đến Barcelona (Tây Ban Nha)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Chặng bay từ Stockholm đến Bacerlona phải nối chuyến tại Frankfurt, vậy nên có đến hai bữa ăn được phục vụ trong hành trình. Trong chuyến bay đầu tiên, họ phục vụ bữa sáng như nhau cho tất cả hành khách. Khay đồ ăn gồm một chiếc bánh sừng bò, một chiếc bánh muffin, hoa quả, vài loại phô mai và thịt nguội khác nhau.

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Trên chuyến bay thứ hai, bữa ăn tương tự, với giăm bông màu hồng sẫm và các loại phô mai. Bữa ăn trên Lufthansa cũng không thực sự khiến anh no bụng nhưng vẫn chất lượng. Mark đánh giá đây không thực sự là một suất ăn đầy đặn, mà giống đồ ăn vặt khai vị hơn.

TAP Portugal: Chặng Barcelona đến Lisbon (Bồ Đào Nha)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Bữa ăn trên chuyến bay này không thực sự xứng đáng với tiêu chuẩn thương gia. Món đu đủ chín nhũn và nhạt, thịt gà tây nguội được đặt lên miếng bánh mì sũng nước với một nắm rau sống lộn xộn ở trên.

United Airlines: Chặng Lisbon đến New York (Mỹ)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Chuyến bay khởi hành từ Lisbon vào buổi sáng nên bữa ăn đầu tiên được phục vụ là bữa trưa. Bữa ăn có phần tráng miệng với một lát cá hồi hun khói, cocktail tôm và salad, còn món chính là cá hồi, mì couscous cùng sốt cà chua. Món cá và mì hợp vị với món sốt chua nhẹ. Bữa sáng sau đó là trứng ốp cùng xúc xích.

United Airlines: Chặng New York đến Hong Kong

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Chuyến bay thẳng từ New York đến Hong Kong kéo dài 16 tiếng với nhiều bữa ăn được phục vụ. Khai vị là món cá hồi hun khói và salad tươi ngon. Món chính là phần thịt bò sườn non lớn ngập trong sốt rượu vang, ăn kèm khoai tây nghiền và rau củ. Phần thịt bò vừa mềm, đậm vị sốt, không hề kém cạnh với những món ăn được phục vụ trong các nhà hàng cao cấp. Món tráng miệng là kem sôcôla, phô mai và nho. Trước khi máy bay hạ cánh xuống Hong Kong, hành khách được phục vụ thêm một bữa ăn trưa với mì soba và cá hồi như trong một nhà hàng.

Thai Airways: Chặng Hong Kong đến Bangkok (Thái Lan)

So sánh các suất ăn hạng thương gia

Trên chuyến bay từ Hongkong đến Bangkok, một lần nữa món cá hồi hun khói được phục vụ với thì là và nụ bạch hoa. Đến món chính, gà nấu húng quế kèm cơm và trứng rán được mang lên. Phần cơm và trứng cũng khá ngon, tuy nhiên thịt gà lại không được như vậy vì quá nhiều dầu mỡ và thiếu hương vị đặc trưng của húng quế tây.

Kết luận: Mark cho rằng United Airlines, Turkish Airlines và Air India có những bữa ăn ngon miệng cùng với cung cách phục vụ rất chuyên nghiệp; trong khi đó TAP Portugal và Thai Airways cần cải thiện thêm.

Nguồn: vnexpress.net