Vì sao những chuyến bay rỗng vẫn cất cánh?

Vì sao những chuyến bay rỗng vẫn cất cánh?

Sụt giảm khách nghiêm trọng vì Covid-19 nhưng các hãng bay vẫn cất – hạ cánh những chuyến không người, hoặc rất ít khách.

Nhiều hành khách đã đăng những bức ảnh về các chuyến bay vắng người mà họ gặp phải. “Tôi chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ ngồi trên một chuyến bay quá trống chỗ như thế này”, “Trước đây tôi từng bay những chuyến bay vắng khách, nhưng không trống rỗng đến vậy”… là những dòng thông tin được hành khách ghi lại.

Hành khách Zain Jaffer đăng lên mạng hình ảnh nhiều ghế trống trên chuyến bay của hãng United Airlines ngày 25/2, từ San Francisco, Mỹ đến London, Anh. Ảnh: Twitter.

Hành khách Zain Jaffer đăng tải hình ảnh nhiều ghế trống trên chuyến bay của hãng United Airlines ngày 25/2, từ San Francisco, Mỹ đến London, Anh. Các ghế sậm màu đã có người ngồi. Ảnh: Twitter.

Các hãng hàng không khắp châu Âu phải đối mặt với một vấn đề lớn – đó là phải khởi hành các chuyến bay “ma” (các chuyến bay không có khách, hoặc rất ít hành khách). Những chuyến bay này nhiều hơn so với những gì từng xảy ra, vì Covid-19.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra: Tại sao các hãng vẫn thực hiện những chuyến bay mà họ biết trước sẽ “lỗ nặng”? Câu trả lời là họ “bắt buộc” phải làm thế. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất vị trí hạ cánh tại các sân bay, theo quy tắc quản lý không gian tại các sân bay ở châu Âu – “sử dụng hoặc mất chỗ”.

Vì sao những chuyến bay rỗng vẫn cất cánh?

Hành khách Melisa Herold đăng lên Twitter ngày 6/3 hình ảnh một chuyến bay quốc tế vắng khách, kéo dài 11 tiếng mà cô vừa trải qua. Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp du lịch, kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Ảnh: Twitter.

Theo luật của Liên minh châu Âu, các hãng bay phải sử dụng 80% các vị trí tại sân bay mà họ được phân. Nếu không sẽ mất chúng vào tay các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.

Tim Alderlade, CEO của Airlines UK, cho biết việc tuân theo luật này trong thời điểm hiện tại là bất hợp lý. “Chúng ta cần khẩn cấp dừng áp dụng quy tắc trên để cho phép các hãng sử dụng máy bay một cách hiệu quả”, ông nói. Ý kiến này được Shai Weiss, CEO của Virgin Airlines đồng tình. Các hãng muốn quy tắc này được hoãn lại cho đến ít nhất là sau mùa hè – thời điểm kỳ vọng hành khách sẽ quay lại sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps đã gửi thư tới Cơ quan điều phối bay, Airport Coordinator Limited (ACL) hôm 5/3, kêu gọi nới lỏng quy tắc trên. Các hãng bay chỉ ra rằng, việc vận hành các chuyến bay trống lãng phí nhiên liệu, không chỉ tăng khí thải nhà kính mà còn tổn hại tài chính của các hãng bay vốn đang phải chịu nhiều áp lực từ dịch bệnh.

Rob Burgess, biên tập của trang Headforpoint giải thích, các chuyến bay “ma” là bí mật tồi tệ của ngành hàng không. Chúng diễn ra từ lâu tại sân bay Heathrow, Anh nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Trong trường hợp các hãng bay không sử dụng hết các chỗ cất hạ cánh của mình trước dịch, họ có thể cho các hãng khác thuê. Hãng Flybe từng thuê vị trí cất – hạ cánh của hãng Air France, KLM, Delta và Virgin Atlantic. Hãng Etihad gần đây cũng thuê chỗ của Air Serbia.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch toàn cầu Scott Solombrino cho biết,  sau vụ 11/9, Covid-19 lại đặt mọi người vào một thách thức mới, khi số lượng các ca lây nhiễm ngày một tăng. Về cơ bản, mọi người chỉ muốn tránh xa máy bay để phòng ngừa sự lây lan, dẫn đến một mối đe dọa chưa từng có đối với ngành này. Các chuyên gia ước tính, ngành hàng không toàn cầu có thể mất từ 63 đến 113 tỷ USD trong năm 2020. Sự sụt giảm hành khách đột ngột dẫn đến số lượng hủy chuyến ngày càng tăng.

“Có rất ít người bay trong tuần này so với tuần trước. Các chuyến bay đang giảm dần vì mọi người không đi máy bay nữa”, Nicholas E. Calio, CEO của Airlines for America nói trên New York Times.

“Chúng tôi bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh vào tuần trước. Thật lòng, tôi nghĩ rằng sợ hãi chính là những gì mọi người đang trải qua trong lúc này. Nó gợi cho tôi tới cảm giác của sự kiện 11/9”, Gary Kelly, CEO của Southwest Airlines nói.

Vào cuối tuần trước, Qantas trở thành hãng hàng không mới nhất của Australia cắt giảm các chuyến bay trên những chặng phổ biến như Nhật Bản, Hong Kong, New Zealand.. Đầu tháng 3, hãng bay giá rẻ Jetstar tuyên bố tạm dừng các chuyến đến Seoul, Hàn Quốc cho đến sớm nhất là vào tháng 7. Trong khi đó, Virgin Australia rút mọi chuyến bay khỏi Hong Kong.

Sáng 5/3, hãng hàng không Flybe đã tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ của hãng một phần được cho có tác động từ Covid-19, khiến số lượng khách giảm đáng kể. Lufthansa của Đức và một số hãng ở Áo, Thụy Sĩ cho biết họ sẽ hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Israel trong ba tuần, tính từ ngày 8/3.

Cathay Pacific của Hong Kong cho biết trong các biện pháp cắt giảm chi phí sẽ có 75% nhân viên, tương đương 25.000 người, nghỉ phép không lương vì số lượng các chuyến bay giảm mạnh. Tại Mỹ, Southwest Airlines đã cắt giảm kỳ vọng doanh thu trong quý này, từ 200 đến 300 triệu USD. Hãng hàng không quốc gia Finnair đang tạm cho thôi việc nhân viên tại trụ sở Phần Lan từ hai tuần đến một tháng.

Nguồn: vnexpress.net

Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Khi hàng loạt hãng bay thương mại hủy chuyến trên khắp thế giới, những doanh nghiệp chuyên cung cấp máy bay tư nhân đang hoạt động hết công suất.

 

“Thị trường đang bùng nổ,” Justin Crabbe, Tổng giám đốc Jettly, cho hay. “Tôi chưa bao giờ thấy những chuyến bay sơ tán của chúng tôi hoạt động với tần suất cao như vậy”.

Jettly, công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) và Toronto (Canada), chuyên kết nối khách hàng với 23.713 máy bay tư nhân trên khắp thế giới.

Đơn vị này đã chứng kiến nhu cầu gia tăng đột biến khi nhận tới hàng nghìn yêu cầu đặt chuyến gấp từ những khách hàng đang cố gắng di tản, tránh các lệnh cấm đi lại hiện tại và sắp có hiệu lực. Để đáp ứng thị trường, Jettly đang tăng gấp ba nhân viên.

“Thông thường, chúng tôi có khoảng 2.000 đến 3.000 yêu cầu mỗi ngày vào thời điểm này trong năm, nhưng vài tuần qua, đơn đặt chuyến tăng gấp đôi số đó để đưa mọi người khỏi các khu vực bị ảnh hưởng vì dịch bệnh”, Crabbe nói.

Một chuyến bay khứ hồi sử dụng phi cơ với sức chứa khoảng 12 - 14 hành khách có giá từ 250.000 - 300.000 USD, một mức giá khá cạnh tranh so với vé hạng nhất. Ảnh: Zach Griff/The Points Guy.

Một chuyến bay khứ hồi sử dụng phi cơ với sức chứa khoảng 12 – 14 hành khách có giá từ 250.000 – 300.000 USD, một mức giá khá cạnh tranh so với vé hạng nhất. Ảnh: Zach Griff/The Points Guy.

Covid-19 đã lan tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 120.000 người, ít nhất 4.300 trường hợp tử vong. Hơn 74 hãng hàng không thương mại đã hủy các chuyến bay trên khắp thế giới vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không toàn cầu thiệt hại gần 30 tỷ USD vào năm 2020.

Thông tin về dịch bệnh và lệnh cấm du lịch đã thúc đẩy thị trường thuê bao máy bay tư nhân, bởi khách hàng sẵn sàng trả giá cao nhất cho các chuyến bay vào phút chót. Số chuyến bay tư nhân từ Hong Kong đến Bắc Mỹ và Australia đã tăng 214%, và số chuyến bay từ xứ cảng thơm tới các địa điểm trên toàn cầu đã tăng 34,2% so với năm 2019, Financial Times đưa tin.

Crabbe chỉ ra rằng, các báo cáo về lệnh cấm du lịch, phong tỏa các thành phố, sơ tán và các ca lây nhiễm hay tử vong mới “khiến công chúng cực kỳ sợ hãi và tránh xa các nhà ga, sân bay, máy bay thương mại do nguy cơ lây nhiễm cao”.

Adam Twidell, CEO của PrivateFly có trụ sở tại London, cũng ghi nhận lượng yêu cầu đặt dịch vụ gia tăng đột biến từ các tập đoàn và cá nhân.

“Một gia đình từ Hong Kong đặt chuyến để đến Bali du lịch. Họ thường bay với các hãng hàng không thương mại, nhưng dịp này, khách lo ngại về khả năng tiếp xúc với mầm bệnh trên chuyến bay”, Twidell tiết lộ.

Những khách hàng của Jettly, cả khách lẻ và doanh nghiệp, sẵn sàng trả cao hơn bình thường để sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng trong 24 – 48 giờ thay vì phải chờ vài ngày. Một máy bay tư nhân có sức chứa tối đa 6 hành khách giá 5.000 USD/một giờ thuê.

Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Không gian trong máy bay riêng giúp hành khách hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Ảnh: Simply Jet SA.

Crabbe nhận định nhu cầu gia tăng, nhưng nguồn cung máy bay và phi hành đoàn lại thiếu, dẫn đến tình trạng khách phải trả tiền gấp đôi ba lần giá thông thường để giữ chỗ. Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn sẵn sàng chi không giới hạn để sơ tán nhân viên khỏi các khu vực bị ảnh hưởng về Mỹ.

Những máy bay tư nhân có thể tận dụng “nhiều lỗ hổng” trong hệ thống, để tránh các lệnh cấm đi lại và các quy định khác liên quan đến nCoV.

Crabbe đánh giá, máy bay tư nhân linh hoạt hơn khi bay vào và ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 so với máy bay thương mại. “Hành khách đang sử dụng các nhà ga tư nhân bên cạnh các nhà ga thương mại thông thường không phải thực hiện thủ tục an ninh, thậm chí không bị kiểm tra thân nhiệt”, ông nói.

GlobeAir, một công ty cho thuê máy bay tư nhân có trụ sở tại châu Âu, đã thiết lập một trang tư vấn về Covid-19 trên website chính thức cho khách du lịch muốn tránh bị lây nhiễm virus, khẳng định các máy bay và phòng chờ tư nhân “an toàn hơn nhiều so với nhà ga sân bay lớn”. Tuy nhiên, công ty khuyến khích khách hàng và nhân viên tuân thủ các biện pháp y tế dự phòng của chính quyền địa phương.

Những ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 với ngành hàng không tư nhân vẫn chưa được xác định dù nhu cầu đang tăng mạnh.

“Rõ ràng, bất kỳ lợi ích ngắn hạn đều được cân bằng với những mối lo ngại và thách thức dài hạn, bao gồm cả tác động đến nền kinh tế toàn cầu,” Twidell nhận định.

“Ngay cả khi chúng ta đang thấy nhu cầu gia tăng ngắn hạn, rất nhiều khách hàng khác đang thay đổi hoặc hủy bỏ kế hoạch du lịch”, Twidell nói. “Công tác hậu cần để điều phối chuyến bay vào hoặc ra khỏi Trung Quốc hay giữa các quốc gia khác, hiện rất phức tạp. Chúng tôi đang theo dõi sát sao những biến động hàng ngày”.

Theo Crabbe, đội máy bay giới hạn và thiếu hụt nhân lực cũng là một thách thức. Một số phi công và nhà khai thác không còn sẵn sàng bay vào các khu vực đáng báo động như Iran vì lo sợ bản thân hoặc gia đình có nguy cơ bị lây nhiễm từ hành khách”.

Nguồn: vnexpress.net

Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

MỸ – Hành khách ngồi ghế 13A ngả lưng khiến máy tính xách tay của nam hành khách ngồi sau bị bể màn hình.

Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng Delta, từ thành phố Austin đến Los Angeles, Mỹ, vào cuối tháng 2. Pat Cassidy mở máy tính ra làm việc và để trên khay bàn ăn, nhưng người ngồi ghế trước đã ngả ghế, vô tình làm bể màn hình.

Pat sau đó đăng tải câu chuyện của mình lên trang cá nhân và khẳng định, máy tính của anh bị phá hủy cùng ảnh chụp làm bằng chứng. Màn hình máy tính chỉ hiện thị hình ảnh một nửa, nửa còn lại đen thui.

Pat cho biết phi hành đoàn khi đó cũng không giúp được gì cho anh. Tiếp viên chỉ nói với Pat rằng “người ngồi trước cần được ngả lưng ghế”. Thậm chí, tiếp viên còn hỏi người ngồi trước liệu anh ta có ổn không. “Như thể ghế của anh ta chưa từng phá hỏng máy tính của tôi”, Pat nói.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Sau khi phản ánh tới hãng bay, Pat được tặng một voucher trị giá 75 USD cùng 7.500 dặm bay. Hãng cũng gửi lời xin lỗi tới anh, nhưng khẳng định Pat không được bồi thường cho thiệt hại này.

Câu chuyện của Pat nhanh chóng được nhiều người quan tâm. Tính đến ngày 4/3, bài viết nhận được hơn 1.200 bình luận, hơn 5.400 lượt yêu thích. Mọi người tranh cãi quyết liệt về vấn đề: ai sai ai đúng. Một số người đứng về phía Pat và cho rằng, không nên ngả ghế khi ngồi máy bay. Nếu có ý định đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến người ngồi sau. Jud Mackrill, một hành khách Mỹ, chia sẻ chuyện tương tự, cùng hình ảnh chiếc máy tính bị hư hỏng: “Người trước mặt ngả ghế, và chiếc MacBook Pro của tôi bị kẹt ở góc”.

Ed Bastian, giám đốc điều hành Delta từng bị chỉ trích khi nói rằng, ông không bao giờ ngả ghế nhưng cũng không phản đối người ngồi trước làm điều đó. Ngoài ra, ông cũng đưa ra lời khuyên khi ngả ghế, bạn nên để ý đến cảm xúc của người ngồi sau.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là lỗi đáng tiếc, vì người ngồi trước không cố ý. Ngoài ra, ngả lưng ghế trên máy bay chỉ bị cấm lúc cất, hạ cánh và ăn uống. Họ chỉ trích Pat vì đây là lỗi của anh. “Tôi rất tiếc vì máy tính của bạn bị hỏng, nhưng đó là lỗi của bạn”, một người nói.

Bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Nguồn: vnexpress.net

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

ISRAEL Hãng hàng không quốc gia El Al có thể thiệt hại 50-70 triệu USD doanh thu chỉ trong 4 tháng đầu năm, do Covid-19.

El Al Airlines và nhân viên của hãng đang đàm phán với đại diện Liên đoàn lao động Israel trước kế hoạch sa thải 1.000 người. Tổng số nhân viên của hãng hiện khoảng 6.300, trong đó có 3.600 người là lao động dài hạn. Những người có thể bị sa thải gồm cả các nhân viên thời vụ và dài hạn.

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Những chiếc Boeing của hãng El Al, đỗ tại sân bay Ben Gurion, Israel. Ảnh: Tomer Neuberg/Flash90.

Thông báo về kế hoạch cắt giảm nhân sự được Gonen Usishkin, giám đốc điều hành công ty, viết trong bức thư gửi cấp dưới vào hôm 27/2. Theo Calcalist, Gonen nhấn mạnh rằng kế hoạch này cần thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ban lãnh đạo đang bàn bạc với các bên để đưa ra một phương án thay thế.

Theo Liên đoàn Lao động Israel, nhân viên của El Al Airlines sẽ biểu tình vào 1/3.

Thời gian qua, hãng hàng không quốc gia Israel chịu tổn thất nặng nề vì Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 50-70 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu của hãng giảm 7,47% vào ngày 27/2, và giảm 20% kể từ đầu năm 2019.

El Al quyết định tạm dừng các chuyến bay đến Italy và Thái Lan, vì lo ngại virus nCoV. Hãng cũng hoãn kế hoạch triển khai các đường bay thẳng tới Tokyo, Nhật Bản và Bắc Kinh, Hong Kong.

Các hãng bay khác của Israel cũng đang gặp khó khăn về tài chính, do lệnh hạn chế đi lại ngày càng nghiêm ngặt, và cảnh báo liên quan đến virus nCoV ngày một nhiều của Bộ Y tế nước này.

Hiện tại, Israel ban lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách gần đây đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy. Công dân nước này nếu trở về từ các địa điểm kể trên phải tự cách ly. Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân cân nhắc hạn chế đi du lịch nước ngoài khi dịch đang bùng phát.

Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khiến ít nhất 2.869 người tử vong, gần 84.000 người lây nhiễm tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh và tử vong ở Trung Quốc đại lục.

Nguồn: vnexpress.net

Hủy nhiều chuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam

Hủy nhiều chuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam

Một số hãng hàng không thông báo tạm dừng đường bay giữa Hàn Quốc và Việt Nam đến tháng 3 năm nay.

Bamboo Airways cho biết hãng hủy tất cả chuyến bay Nha Trang, Đà Nẵng đi Incheon và ngược lại từ ngày 26/2 đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện hãng khai thác với tần suất 7 chuyến khứ hồi một tuần trên mỗi chặng này. Hành khách đã đặt vé trong thời gian tạm ngừng khai thác sẽ được hỗ trợ hoàn hủy.

Theo Vietnam Airlines, các chuyến bay mang số hiệu VN 414, 415 đi và đến giữa sân bay quốc tế Incheon (Seoul, Hàn Quốc) và Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) vào các ngày 26, 28/2; 4, 6/3; 8 – 12/3, 18 – 19/3, 25 – 26/3 sẽ tạm dừng. Đại diện hãng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang bám sát chỉ đạo của cơ quan chức năng về kiểm soát dịch bệnh, từ đó có kế hoạch về dừng khai thác hay điều chỉnh lịch bay phù hợp”. Theo website bán vé, mỗi ngày hãng có hai chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội và Seoul.

Với các hãng hàng không nước ngoài, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho biết Korean Air dừng khai thác các chuyến bay mang số hiệu KE 483, KE 484 chặng Incheon – Nội Bài từ ngày 25/2 đến ngày 23/3. Mỗi ngày có 6 chuyến bay tuyến này.

Air Seoul cũng thông báo tạm dừng đường bay Hà Nội – Seoul từ 1 – 28/3. “Ngoài các ngày hủy chuyến trên, hãng vẫn khai thác các chuyến bay bình thường”, trích thông báo gửi đến các đại lý. Hãng cũng hỗ trợ hoàn, đổi vé cho khách. Hiện hãng còn khai thác đường bay Seoul – Đà Nẵng, Nha Trang.

Trước đó, Asiana Airlines dừng đường bay Seoul – Hà Nội trên các chuyến bay mang số hiệu OZ 727, 728 từ 18/2 đến 9/3. Hãng vẫn duy trì 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày cho chặng bay này.

T’Way Air dừng tất cả đường bay đi và đến giữa Hà Nội và Hàn Quốc từ nay đến 28/3. Hiện hãng có 12 chuyến bay mỗi ngày, khởi hành từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM, tới Seoul, Busan và Daegu.

Khách Hàn Quốc tham quan Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Khách Hàn Quốc tham quan Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bà Trần Phương Linh, đại diện BenThanh Tourist cho biết, tất cả tour khởi hành đi Hàn Quốc trong tháng 3 của công ty đã bị hủy, 50% tour đi Nhật Bản vào thời gian trên cũng dừng. Số tour Nhật Bản còn lại của công ty đang chờ đến cuối tháng 3 theo diễn biến của dịch Covid-19.

Đại diện của Hana Tour, đơn vị chuyên phục vụ thị trường khách Hàn Quốc, cho biết lượng khách từ Việt Nam đi Hàn Quốc và ngược lại của công ty giảm mạnh. Từ tháng 2, công ty không có tour mới nào.

Hàn Quốc đang là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam hàng năm tăng trưởng đều, khoảng 20%. Trước tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng bùng phát tại Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp du lịch đang lo lắng lượng khách từ thị trường này (cả đi và đến) sẽ giảm mạnh.

Để chủ động trong kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép khai báo y tế, cách ly kiểm dịch với người nhập cảnh từ hoặc đi qua Hàn Quốc.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách bị chỉ trích vì chiếm ba ghế

Hành khách bị chỉ trích vì chiếm ba ghế

Tại sân bay, một nam hành khách ngồi dạng chân, chiếm khoảng không gian trước mặt của ba chiếc ghế trong sân bay.

Sự việc diễn ra tại nhà ga số 1, sân bay quốc tế Toronto Pearson, Canada. Một nam hành khách ngồi ở phòng chờ đã dạng chân rộng, lấn chiếm luôn khoảng không trước mặt của ghế hai bên. Do đó, những chiếc ghế này bị bỏ trống, không ai ngồi.

Hành khách bị chỉ trích vì chiếm ba ghế

Bức ảnh được đăng lên mạng vào ngày 11/2 và nhanh chóng trở thành đề tài thu hút sự chú ý, tranh cãi của nhiều người. Ảnh: Instagram.

Một hành khách đã chụp lại khoảnh khắc trên và đăng lên Instagram với chú thích: “Người đàn ông này thực sự muốn ngồi một mình, hoặc anh ta mắc bệnh phù chân voi vô hình tồi tệ nhất thế giới mà tôi từng thấy”. Tác giả cho biết người phụ nữ ngồi cạnh mỉm cười khi thấy mình giơ máy ảnh lên chụp.

Ảnh đăng tải nhanh chóng nhận được phản hồi của nhiều người. “Bức hình này khiến tôi nổi giận”, một người nói. Không riêng nam hành khách này, nhiều người khác cũng vô ý khi ngồi cho cả hai chân lên ghế trong phòng chờ, nằm dài chiếm 3 – 4 ghế, ngồi một ghế và đặt hành lý lên ghế khác.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc chụp ảnh cận mặt ai đó và đăng lên mạng là không đúng đắn. “Bạn có thể nhắc nhở người đàn ông khép chân, ngồi gọn lại là được”, một người bình luận. Số khác cho rằng sân bay không quy định tư thế ngồi của khách, nên bất kỳ ai cũng có thể ngồi theo sở thích của mình.

Bạn nghĩ sao về hành động này? Hãy chia sẻ nhé!

Nguồn: vnexpress.net

Các hãng hàng không mất hơn 10.000 tỷ đồng vì nCoV

Các hãng hàng không mất hơn 10.000 tỷ đồng vì nCoV

Việc dừng các chặng Trung Quốc khiến các hãng bay Việt mất 400.000 khách một tháng, thiệt hại ban đầu hơn 10.000 tỷ đồng. 

Thông tin trên được Bộ Giao thông tổng hợp từ các hãng và nêu ra trong báo cáo trình Chính phủ mới đây.

Với tần suất khai thác lớn của chặng Việt Nam – Trung Quốc, thị trường Trung Quốc chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Do đó, việc dừng khai thác các chặng bay đến Trung Quốc khiến các hãng mất khoảng 400.000 khách một tháng. Đồng thời, doanh thu từ nguồn khách này trên các chặng nội địa cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hãng tốn thêm nhiều chi phí vì việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, vệ sinh phòng dịch…

Các hãng hàng không mất hơn 10.000 tỷ đồng vì nCoV

Vietnam Airlines khử trùng máy bay. Ảnh: Ngọc Thành

Sau một tuần dừng khai thác thị trường Trung Quốc dù vẫn trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán (1-7/2), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt chỉ đạt 1,06 triệu khách (giảm 4%), trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ các hãng bay, các doanh nghiệp khác trong ngành như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay (VATM) cũng bị ảnh hưởng. Doanh thu của hai đơn vị này đều giảm so với kế hoạch khi hơn 640 chuyến bay thường lệ và không thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị dừng.

Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, Bộ Giao thông đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường cho đến khi Trung Quốc hết dịch, trong đó 2 kịch bản dự kiến lượng khách giảm.

Cụ thể, nếu đến tháng 6 Trung Quốc mới công bố hết dịch, tổng thị trường hàng không đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7% và lượng khách qua các cảng hàng không đạt 111,6 triệu lượt giảm 4,2% so với năm ngoái. Còn đến tháng 8 mới hết dịch, thị trường dự kiến mất đến 17,2% và lượng khách qua các cảng khoảng 98,5 triệu lượt, giảm 15,5%.

Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát, nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét thực hiện cơ chế giảm giá đối với dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý như điều hành bay đi/đến, cất hạ cánh.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực đường sắt. Bộ Giao thông cho biết, doanh thu của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đạt 222,4 tỷ đồng dịp Tết Canh tý, chỉ bằng 89% cùng kỳ năm ngoái. Khi có thông tin về nCoV, công ty nhận 26.630 vé trả, với tổng số tiền hơn 13.000 tỷ đồng.

Do lượng khách giảm mạnh, công ty đã phải ngừng chạy một đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội – Lào Cao từ 1/2. Công ty đường sắt Hà Nội dự kiến doanh thu tháng 2, 3 chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Giai đoạn 25/1 – 8/2, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cũng ghi nhận lượng khách giảm 37.000 lượt (tương đương hụt 17,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 10/2, công ty đã phải ngừng chạy 13 đôi tàu và dự kiến doanh thu tháng 2 chỉ đạt 75%.

Nguồn: vnexpress.net

Điều tiếp viên để ý khi khách lên máy bay

Điều tiếp viên để ý khi khách lên máy bay

Việc phân tích hành khách không phải kết thúc tại khu vực an ninh, mà còn diễn ra cả khi bạn bước lên máy bay.

Tiếp viên đứng ở cửa lên máy bay đón khách không đơn giản chỉ để… chào, đó còn là một phần trong công việc phân tích hành khách. Những cử chỉ, hành động của khách sẽ quyết định tiếp viên phải lưu tâm đến ai nhiều hơn trong số hàng trăm người, theo Bright Side.

Điều tiếp viên để ý khi khách lên máy bay

Những hành khách cười quá nhiều cũng thể hiện rằng họ đang lo lắng và cần được quan tâm nhiều hơn. Do đó, khi đã ổn định chỗ ngồi, các tiếp viên sẽ nhanh chóng xác định vị trí của họ và âm thầm quan tâm, trợ giúp nhanh nhất khi họ cần. Vì những hành khách quá lo lắng này có thể trở nên hung hăng, ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay. Ảnh: iStock/Brauns.

Không nói “Xin chào”

Nếu ai đó phớt lờ lời chào niềm nở của tiếp viên hàng không tại cửa máy bay, họ có thể là những người khó nhờ vả trong tình huống khẩn cấp. Ngược lại, nếu ai đó vui vẻ đáp lại lời chào, hay thể hiện sự thân thiện, họ là những nhân tố được tiếp viên lưu tâm và nhờ giúp đỡ đầu tiên khi cần.

Tránh giao tiếp bằng mắt

Phi hành đoàn luôn nhìn thẳng vào mắt hành khách, khi họ chào đón bạn trên máy bay. Nếu hành khách cố gắng tránh giao tiếp bằng mắt, đó là dấu hiệu đáng báo động. Điều này được dựa trên thực tế đơn giản: nếu bạn làm điều gì không đúng, bạn sẽ nhìn đi chỗ khác. Tuy nhiên, không phải hành khách nào không nhìn vào mắt tiếp viên, họ cũng gây ra điều tồi tệ. Đấy chỉ là một trong những dấu hiệu mà tiếp viên cần để ý hơn.

Có gương mặt nhợt nhạt, đỏ mũi

Trước khi lên máy bay, hành khách có thể bị yêu cầu điền vào mẫu đơn xác nhận không có bệnh, hoặc căn bệnh của họ không gây nguy hiểm cho những người xung quanh, không lây lan qua không khí. Những người bị ho, sổ mũi vẫn có thể được phép lên máy bay. Do đó, những người có gương mặt nhợt nhạt sẽ khiến tiếp viên chú ý nhiều hơn để có thể hỏi han, quan tâm họ trong chặng bay để đảm bảo sức khỏe. Trong một số tình huống cụ thể, tiếp viên sẽ có nhiệm vụ tìm cho họ một chỗ ngồi cách xa những hành khách sợ bị lây nhiễm bệnh.

Cầm tờ rơi/quảng cáo

Điều gì sẽ xảy ra nếu một hành khách bắt đầu trò chuyện với những người xung quanh, cố gắng thuyết phục họ mua đồ hay tham gia vào một giáo phái. Công việc chính của tiếp viên là giữ cho chuyến bay an toàn, thoải mái nhất có thể với mọi hành khách. Đây là lý do những hành khách cầm tờ rơi có thể sẽ bị xếp vào danh sách đáng chú ý, có khả năng gây rối cao hơn người khác.

Nói lắp hoặc quá nhanh

Là dấu hiệu cho thấy hành khách đang lo lắng, hoặc muốn che giấu ý định thực sự của họ trên chuyến bay. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những dấu hiệu để tiếp viên chú ý đến hành khách đó hơn, chứ không khẳng định họ là những người gây rối.

Thân hình lực lưỡng, khỏe mạnh

Nếu một tiếp viên mỉm cười và nhìn vào cánh tay cơ bắp săn chắc của bạn, chưa chắc họ làm thế vì bị thu hút bởi sự đẹp trai. Trên thực tế, cô ấy đang xác định bạn là một nguồn trợ giúp tiềm năng. Bạn sẽ là một hành khách hữu ích vì có thể giúp tiếp viên khống chế kẻ gây rối, giúp đỡ người già để lấy túi đồ trên cao hay mở cửa thoát hiểm. Tiếp viên hàng không rất vui khi thấy những vị khách to lớn, mạnh khỏe như khi họ phát hiện ra trên chuyến bay của mình có hành khách làm bác sĩ, phi công, tiếp viên hoặc cứu hộ chuyên nghiệp.

Nguồn: vnexpress.net

Lý do cơ trưởng ngồi ghế trái trong buồng lái

Lý do cơ trưởng ngồi ghế trái trong buồng lái

Từ thời thế giới mới chỉ có những chiếc máy bay một ghế trong buồng lái, phi công đã luôn ngồi bên trái.

Ngay cả khi những chiếc máy bay hai ghế lái ra đời, vị trí của cơ trưởng vẫn cố định bên trái, và cơ phó ngồi phía còn lại. Phi công không phải những người duy nhất lên máy bay từ bên trái – phần lớn người đạp xe cũng ngồi lên yên từ phía này, ngay cả tài xế xe máy cũng vậy.

Một trong những lời lý giải hoa mỹ nhất ví von người cầm lái máy bay, xe máy hay xe đạp với kỵ binh – những người thường đeo kiếm bên trái, do đó họ leo lên ngựa từ bên này để tránh vướng chân. Song điều này chỉ là phỏng đoán.

Lý do cơ trưởng ngồi ghế trái trong buồng lái

Cơ trưởng luôn ngồi bên trái trên những máy bay thương mại. Ảnh: Caleb Woods/Unplash.

Lim Khoy Hing, cựu cơ trưởng có khoảng 25.000 giờ bay của Air Asia, nhận định lịch sử đã quyết định vị trí ngồi của phi công. Vào cuối Thế Chiến I, phần lớn phi cơ chiến đấu có thiết kế động cơ pistol xoay (rotary engine). Với dòng máy bay này, phi công sẽ dễ dàng chuyển hướng sang trái theo chiều quay của pistol. Trong khi đó, rẽ phải sẽ khó hơn do nghịch chiều mô men lực của động cơ, phi công cần cần bẻ lái nhiều hơn. Bởi vậy, phi công thường chọn rẽ trái cho thuận tiện, và một phần vì những vạch chỉ dẫn trên sân bay có rất nhiều lối rẽ trái.

Tới khi máy bay lớn hơn ra đời, buồng lái có thêm một vị trí bên phải dành cho cơ phó, còn ghế trái vẫn chỉ dành riêng cho cơ trưởng – người toàn quyền kiểm soát chuyến bay. Thực tế, ghế lái bên trái còn cho cơ trưởng tầm nhìn tốt hơn bởi phi cơ sẽ hướng sang phía này nhiều lần trong suốt hành trình bay.

Tuy nhiên, “truyền thống” này có vài ngoại lệ, ví dụ như cơ trưởng của vài hãng có thể ngồi ghế bên phải khi huấn luyện phi công mới. Một điều thú vị khác là ghế của phi công trên máy bay trực thăng luôn ở bên phải – vị trí này phụ thuộc vào thiết kế của những nút bấm quan trọng trên bảng điều khiển.

Nguồn: vnexpress.net

Bị sa thải vì quay video giữa sân bay

Bị sa thải vì quay video giữa sân bay

Bốn nhân viên mặt đất tại sân bay quốc tế Fresno Yosemite mất việc vì thực hiện video âm nhạc trong ca trực.

Tommy Chan và ba đồng nghiệp dành khoảng 30 phút cuối trong ca trực đêm để quay video, sau khi hoàn thành mọi công việc. Bốn chàng trai đã nhảy phía trước máy bay, chui vào xe chở hành lý và khu vực của hành khách.

Dannon Kredo, một thành viên trong nhóm, đăng video lên TikTok vào 24/1, sau đó chia sẻ trên Twitter. Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và khiến ban quản lý sân bay chú ý. Họ cho rằng các nhân viên đã sử dụng thiết bị của công ty một cách “không phù hợp”.

Video thu hút hơn 370.000 lượt xem và 50.000 lượt thích trên TikTok.

Ban quản lý sân bay tại bang California quyết định sa thải Tommy và ba đồng nghiệp. Họ là nhân viên do bên thứ ba thuê, không có hợp đồng lao động trực tiếp với Fresno Yosemite.

“Tôi không hiểu việc chúng tôi làm có gì xấu vì điều đó đang quảng bá danh tiếng cho sân bay. Rất nhiều người nói rằng họ muốn đến sân bay của chúng tôi thay cho những nơi khác”, Tommy bày tỏ.

Ngày 9/2, Kredo trả lời truyền hình địa phương rằng anh không hối hận vì đã đăng video lên mạng, bởi đa phần phản hồi đều tích cực. Bốn chàng trai sớm nhận tin vui khi một trung tâm spa địa phương tuyển họ về để dựng video quảng cáo.

Nguồn: vnexpress.net