7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Rong, Song Saa, Koh Tang là những hòn đảo đẹp, hoang sơ mà CNN gợi ý cho du khách khi đến với Campuchia.

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Rong

Trước đây Koh Rong chỉ có vài căn bungalow cho khách nghỉ dưỡng nằm dọc theo các bờ biển cát trắng trải dài, liền kề với những khu rừng rậm rạp. Hòn đảo vẫn được coi là một nơi tách biệt với khu dân cư, nhưng vài năm gần đây khi hàng loạt điểm lưu trú mọc lên khiến nơi này trở thành thiên đường cho dân du lịch bụi.

Theo CNN, tuy Koh Rong chưa phát triển quá nhiều, nơi này vẫn là một điểm “phải tới” ở Campuchia dành cho người muốn có làn da rám nắng ban ngày và đêm xuống được quay cuồng trong tiệc tùng.

Các trò chơi mạo hiểm xây dựng trong rừng ở Koh Rong. Video: ML.
7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Song Saa 

Đây là một đảo tư nhân nằm ngoài khơi Koh Rong sẽ đem tới cho du khách những trải nghiệm riêng biệt nhất. Song Saa thực chất là hai đảo nhỏ tạo thành, trong tiếng Khmer Song Saa nghĩa là “người tình”.

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Ở Song Saa có một khu nghỉ dưỡng gồm 24 căn villa sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm trọn gói độc đáo ở Campuchia, với không gian biển được bảo tồn rất tốt. Một đêm nghỉ ở đây giá 3.000 USD.

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Rong Sanloem 

Đây là hòn đảo rất quen thuộc với dân expat (người nước ngoài định cư ở nước khác) ở Phnom Penh. Ở Saracen Bay, một vịnh nhỏ hình trái tim có làn nước xanh màu ngọc bích và các bãi cát trắng thoải, có rất nhiều khu nghỉ dưỡng từ đơn sơ tới sang trọng. Mặt kia của đảo là bãi Sunset, nơi lý tưởng để du khách ngắm hoàng hôn.

Ngoài thư thái nghỉ dưỡng, du khách có thể khám phá làng chài M’phey Bei, chèo thuyền, bơi, lặn, hoặc đơn giản là nằm lười dưới bóng dừa và đọc sách.

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Tang 

Nằm cách đất liền 5 giờ di chuyển, Koh Tang được biết tới từ năm 1975. Hiện đảo không có người sinh sống nên môi trường biển được bảo tồn rất tốt, nước trong sạch, và còn gần với Koh Prins nên thích hợp để lặn ngắm. Đảo có 8 điểm lặn nổi tiếng với nhiều rạn san hô đẹp mắt và vô số sinh vật biển như sên biển nudibranch, cá nóc, cá đuối…

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Totang

Đảo không có người sống, không internet nhưng có một điểm để lưu trú là Nomad’s Land với 5 nhà nghỉ gỗ, hoạt động nhờ năng lượng mặt trời. Koh Totang thích hợp cho những du khách muốn tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài và thực sự trải nghiệm tự nhiên.

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Thmei 

Nằm trong Vườn quốc gia Ream, Koh Thmei là nơi sinh sống của khỉ, chồn, thằn lằn, hơn 100 loài chim cùng nhiều loài động vật quý hiếm khác. Trên đảo chỉ có một nơi lưu trú là Koh Thmei resort gồm hơn 7 căn nhà nghỉ gỗ hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Du khách tới đảo có thể thỏa sức bơi, lặn, chèo kayak, đi bộ xuyên rừng, tìm hiểu các loài chim, ngắm cá heo bơi dọc bờ biển…

7 hòn đảo đẹp nhất ở Campuchia cho kỳ nghỉ hè

Koh Ta Kiev

Ngoài vài khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, đảo Koh Ta Kiev không có nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhưng vẻ đẹp tự nhiên thì hiếm nơi nào có được. Ban ngày du khách có thể tham gia bơi lội, đi bộ xuyên rừng, lặn biển, đêm xuống thì thuê lều, võng của các khu nghỉ dưỡng để tận hưởng trời sao và gió biển.

Nguồn: vnexpress.net

Bán đảo Sơn Trà mùa ‘thay áo’

Những cây cổ thụ trổ lộc non xanh, đỏ hay những cây lim xẹt nở rộ hoa vàng, đã biến những góc rừng Sơn Trà, Đà Nẵng như bức tranh.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Sơn Trà – bán đảo độc nhất vô nhị Việt Nam đang vào mùa “thay áo”, với hàng nghìn loài cây trổ lộc non đủ màu xanh, vàng, đỏ cả một góc rừng.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Lộc non của một cây cổ thu nhìn từ xa như những bông hoa màu đỏ.

Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Nơi đây có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Men theo những cung đường lên Sơn Trà mùa này, rất dễ dàng được nhìn ngắm những cây trổ lộc non.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Một cây lim xẹt nở hoa vàng rực một góc bán đảo Sơn Trà. Những cây lim xẹt cao trên 10 mét tập trung ở khu vực gần mũi Tiên Sa. Men theo con đường bê tông từ đường Yết Kiêu (đoạn gần cảng Tiên Sa) vào chừng 2 km là bắt gặp quần thể lim xẹt.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Voọc chà vá chân nâu tìm lộc non làm thức ăn trên cây lim xẹt. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh lục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Ảnh: Lê Phước Chín.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Hoa thàn mát khoe sắc trên Sơn Trà. Vào mùa cây ra hoa, voọc chà vá chân nâu cũng thường lui đến kiếm thức ăn. Ảnh: Lê Phước Chín.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Lộc non rừng Sơn Trà dưới ánh ban mai.

Sơn Trà xa xưa là đảo nổi với ba ngọn núi. Dòng nước biển chảy ven bờ đã mang lại phù sa và bồi đắp ba ngọn núi thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, hình thành bán đảo.

Bán đảo là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Sau khoảng mươi ngày, những cành lộc non sẽ chuyển thành màu xanh ngắt, trước khi hòa vào màu của rừng già. Cả vùng Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) chỉ có bán đảo Sơn Trà được coi là nơi đa dạng sinh học. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Hoa sim nở ven đường lên bán đảo. Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã cho thí điểm trồng con đường sim dài 30 m trên khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, từ ý tưởng của người dân gửi đến email của Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Bán đảo Sơn Trà mùa 'thay áo'

Tháng 11/2016, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm từ khoảng 5.600 xuống 1.600. Nhiều chuyên gia, người dân lo ngại bán đảo Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa khi thực hiện các dự án du lịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sau đó đã chỉ đạo dừng triển khai quy hoạch Sơn Trà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành có báo cáo thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng trên bán đảo Sơn Trà trong quý 1/2018.

Nguồn: vnexpress.net

25.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Đơn vị tư vấn trong nước đề xuất phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với chi phí thấp hơn Tư vấn Pháp khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ngày 9/5, ông Nguyễn Bách Tùng – Giám đốc Công ty tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC), cho biết trên cơ sở phương án quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất do Tư vấn Pháp (ADPi) lập và đã được Thủ tướng thông qua, đơn vị đang triển khai quy hoạch chi tiết có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về tổng thể, tại khu phía bắc, ADCC cơ bản giữ toàn bộ quy hoạch của ADPi trên khu vực sân golf, có điều chỉnh lại một số diện tích đất quốc phòng; quy hoạch lại sân đỗ theo hướng tuyến tính để tiết kiệm diện tích đất mà không giảm số vị trí đỗ so với phương án của ADPi, đồng thời giữ phương án đầu tư đường lăn như của Tư vấn Pháp.

Ngoài ra, ở phía bắc do toàn bộ là sân golf, mặt cỏ và nhiều hồ nên khả năng thoát nước tốt, thay vì bê tông hóa, đơn vị tư vấn đề nghị xây công viên và hồ điều hòa. Tại khu vực phía nam, tư vấn đề nghị điều chỉnh quy mô nhà ga T3, chỉ xây dựng trên diện tích 120.000m2 thay vì 200.000m2 như phương án của ADPi song vẫn đảm bảo năng lực khai thác 20 triệu khách mỗi năm.

Bộ Giao thông được yêu cầu báo cáo phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên Chính phủ vào cuối tháng 3. Ảnh minh họa: TSN

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TSN

Về giao thông tiếp cận, tư vấn trong nước thống nhất với phương án của ADPi đã lập cũng như dự án của TP HCM, đồng thời đề xuất xây dựng thêm cầu vượt từ đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, qua đường Thăng Long xuống đường Phan Thúc Diện và cầu vượt từ đường C12 theo quy hoạch qua đường Cộng Hoà, Trường Chinh sang đường Lê Trọng Tấn.

ADCC dự kiến chi phí triển khai quy hoạch trên khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó xây dựng nhà ga T3 là hơn 7.600 tỷ, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ, nhà ga hàng hoá hơn 3.000 tỷ, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm; tổng chi phí thấp hơn phương án của ADPi (hơn 35.700 tỷ đồng).

Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ đã yêu cầu, đồ án quy hoạch phải thực hiện hiệu quả khai thác cao nhất, ít ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng, với người dân, thể hiện tính bền vững cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông chỉ đạo Tư vấn ADCC cập nhật bản vẽ thuyết minh, Cục Hàng không thẩm định lại đồ án để trình Bộ Giao thông, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước ngày 21/5.

Trước đó tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADPi (Pháp). Theo phương án này, nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam với diện tích sàn 200.000 m2.

Diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Chính phủ giao Bộ Giao thông phối hợp với Công ty Tư vấn Pháp rà soát để chỉnh sửa quy hoạch hiện hữu, hoàn thiện phương án của đơn vị tư vấn.

Bộ có trách nhiệm tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.

Nguồn: vnexpress.net