Két sắt trong khách sạn có thực sự an toàn như bạn vẫn nghĩ?

Một người thuê phòng dùng mật khẩu của nhà sản xuất để mở khóa két sắt trong khách sạn và vài giây sau, cảnh cửa đã được mở.

Video hơn một phút ghi lại quá trình kiểm tra két sắt trong một khách sạn được người dùng tên LockPickingLawyer đăng tải trên You Tube ngày 21/1. Đoạn phim nhanh chóng gây chú ý với hơn 245.000 lượt xem.

Người kiểm tra cho rằng, nhiều người thuê phòng khách sạn vẫn tin tưởng rằng két sắt là nơi an toàn nhất để họ cất ví tiền, đồ vật có giá trị, hộ chiếu… Tuy nhiên trên thực tế, không phải bất kỳ thứ gì mang tên là “an toàn” cũng an toàn tuyệt đối.

Thủ thuật mở két sắt không cần biết mật mã. Nguồn: Youtube.

Trong video, người đàn ông đã để một chai rượu vào bên trong, khóa két và đặt mật khẩu cá nhân. Sau đó, anh giả làm kẻ gian và tìm cách mở két sắt bằng cách ấn các dãy số ngẫu nhiên. Tất nhiên, vì mật khẩu sai nên két sắt không mở. Tuy nhiên, khi anh ấn mã số 999999 do nhà sản xuất đưa ra, cánh cửa tự động mở.

Người đàn ông giải thích rằng khi mua két về, khách sạn đã không đặt lại mật khẩu do nhà sản xuất sử dụng. Do vậy, ngoài mật khẩu riêng của du khách, kẻ gian sẽ dễ dàng mở két sắt bằng mật khẩu của nhà sản xuất. Và mật khẩu này thì ai cũng biết, chỉ cần họ ra hàng và tìm hiểu đúng loại két sắt khách sạn đang sử dụng. “Nếu bạn ở trong một khách sạn và cất giữ đồ giá trị, tốt nhất bạn nên hỏi khách sạn xem họ đã thay mật khẩu mới chưa”.

Vấn đề an ninh cá nhân là ưu tiên hàng đầu cho du khách nếu muốn hưởng thụ kỳ nghỉ hạnh phúc. Hầu hết các khách sạn đều cung cấp dịch vụ két sắt để chống trộm hoặc các nhân viên không trung thực.

Nguồn: vnexpress.net

Cảnh giác với đại lý vé máy bay “ma”

Tết là dịp nhiều người mua vé máy bay về quê hoặc đi du lịch. Nắm bắt tâm lý hành khách thích “săn” vé giá rẻ, nhiều trang mạng “ma” và cả “đại lý” ảo đã được lập ra để lừa đảo khách hàng…

* Đừng ham rẻ

Thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng một số người mua vé máy bay giá rẻ, nhưng khi đến sân bay làm thủ tục mới biết bị lừa.

Lên mạng, chỉ cần đánh cụm từ “vé máy bay giá rẻ” thì ngay lập tức có hàng chục trang thông tin hiện ra. Bên cạnh những website bán vé online chính thức của các hãng hàng không, như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar…, vẫn có không ít trang bán vé “ảo” với lời chào hấp dẫn.

Năm rồi, anh Nguyễn Văn Chiến (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị một vố lừa đau khi mua phải vé máy bay giá rẻ giả. Anh Chiến cho biết, năm nào anh cũng đưa cả nhà về quê Nam Định ăn tết cùng gia đình. Trước tết năm ngoái 2 tháng, anh mua 3 vé máy bay giá rẻ của hãng Jetstar tại một “đại lý” gần nhà. So với những nơi khác, giá vé ở đây rẻ hơn khoảng 2 triệu đồng.

Ngày 27 tết khi đưa vợ con đến sân bay làm thủ tục, anh Chiến được thông báo tất cả mọi người trong gia đình anh đều không có tên trên hệ thống đặt chỗ; 3 vé anh Chiến đưa ra cũng không phải của Jetstar.

Sau đó, nhiều lần anh Chiến liên lạc với “đại lý” mua vé nhưng không kết nối được. Đến điểm bán vé máy bay đã mua, chủ nhà cho biết những người thuê nhà đã chuyển đi chỗ khác.

Tương tự là trường hợp của chị Trần Nguyễn Quỳnh Như (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Trở về từ Hà Nội trong tâm trạng ấm ức vì mua phải vé “ảo”, chị Như kể: Ngày 7-1 vừa qua, chị đặt vé đi Hà Nội qua trang facebook “Dịch vụ hàng không – **r****o” với giá chỉ 1,2 triệu đồng/chuyến khứ hồi trên chuyến bay của Vietnam Airlines.

Sau khi nhận được mã đặt chỗ, chị Như gọi đến Vietnam Airlines để xác minh thông tin tên, số hiệu chuyến bay và ngày giờ bay. Được nơi đây xác nhận chính xác, chị Như chuyển tiền theo tài khoản người bán cung cấp.

Đến ngày đi, khi đến sân bay làm thủ tục, chị Như mới ngã ngửa vì vé đã bị hủy ngay sau khi xác nhận thông tin đặt chỗ. Bức xúc vì bị lừa, chị Như gọi đến số điện thoại trên trang mạng thì không có tín hiệu. Do có việc cần nên chị Như đành mua vé giá cao ra Hà Nội. Xong việc, chị tìm đến địa chỉ văn phòng bán vé đã đặt mua thì nơi đó chỉ là một tiệm tạp hóa.

Website Cục Hàng không dân dụng Việt Nam từng công khai thủ đoạn lừa đảo của các trang mạng bán vé online để khách hàng cảnh giác. Đó là khi khách đăng ký mua vé, người bán gửi mã đặt chỗ và yêu cầu khách kiểm tra qua hệ thống. Sau khi được hệ thống xác nhận thông tin đã chính xác, khách mới chuyển tiền. Tuy nhiên, đã có trường hợp ngay sau khi nhận được tiền khách chuyển, người bán lập tức hoàn vé, vì thế mã đặt chỗ (code) khách nhận được trở nên vô giá trị. Theo khuyến cáo của cục hàng không dân dụng, hành khách nên cảnh giác với giá vé rẻ trên mạng. Người dân cần tìm đến các đại lý uy tín và hiểu thông tin về đại lý trước khi mua vé.

* Cảnh giác với trò lừa đảo

Các hãng hàng không đã và đang phát triển hệ thống bán vé online để người dân tiết kiệm thời gian đi lại, thuận tiện trong chọn lựa ngày giờ, so sánh giá vé giữa các hãng bay,… Tuy nhiên, mạng giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kẻ xấu lợi dụng kẻ hở để lừa đảo khách hàng.

Được biết, năm 2014 một “đại lý” ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bán ra hàng trăm vé máy bay giả và ôm gần 2 tỷ đồng tiền vé của khách hàng đã mua rồi trốn mất. Năm 2016 một đại lý khác trên đường Đồng Khởi (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng ôm gần 1 tỷ đồng tiền vé máy bay của khách đặt mua và… “lặn mất tăm” khiến không ít người dở khóc dở cười trong kế hoạch của hành trình về quê ăn tết…

Người dân có nhu cầu đi máy bay nên đến các đại lý chính thức hoặc vào các trang mạng có địa chỉ cụ thể, thông tin rõ ràng để mua. Với uy tín nhiều năm phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách đi máy bay, ATADI cam kết luôn mang lại những chiếc vé giá rẻ, minh bạch mọi thông tin và mang lại sự tiện lợi nhất cho khách hàng.

Nguồn: baodongnai.com.vn