Hệ thống bí mật giúp phi công tránh ngồi cùng kình địch

Các phi công đều có cảm xúc yêu ghét riêng với đồng nghiệp, và khó chịu được nhiều giờ trong một không gian hẹp với người mình không ưa.

Buồng lái giống như văn phòng của phi công, nên việc tạo ra môi trường bình tĩnh, tôn trọng và tương tác tốt là điều thiết yếu. Vì vậy, các hãng hàng không đã phát triển một hệ thống giúp tránh cho hai người ghét nhau phải ngồi chung buồng lái.

Hệ thống có tên là “Do Not Pair” (không bắt cặp). Mỗi cơ trưởng, cơ phó và cơ phó thứ hai có một danh sách điện tử được đưa vào hệ thống lập kế hoạch của hãng hàng không. Họ có thể điền tên bất cứ ai họ không muốn ngồi cạnh nhiều giờ liên tiếp. Sau đó bảng phân công sẽ tránh để cho hai cái tên nằm trong danh sách của nhau ở chung buồng lái.

He thong bi mat giup phi cong tranh ngoi cung kinh dich hinh anh 1

Hệ thống Do Not Pair giúp các phi công tránh ngồi cùng buồng lái với người mình không ưa.

Tiếp viên hàng không Elliot Hester kể anh từng chứng kiến một phi công ẩu đả với cơ phó thứ ba chỉ vài phút trước chuyến bay cất cánh từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Miami (Mỹ). Nguyên nhân là cơ phó này đã đăng nhập vào website của nhân viên và điền tên cơ trưởng vào danh sách Do Not Pair.Đây là khía cạnh ít được biết đến của cuộc đời phi công. Một vài sự cố khiến họ phải điền tên đồng nghiệp vào danh sách Do Not Pair. Năm 2008, một cơ trưởng của hãng American Airlines đã châm ngòi vụ lộn xộn sau khi nộp đơn khiếu nại về phi công của một chuyến bay khác vì di chuyển quá chậm. Hậu quả là cả hai người bị đình chỉ không lương 15 ngày và có mặt trong danh sách Do Not Pair của nhau.

He thong bi mat giup phi cong tranh ngoi cung kinh dich hinh anh 2

 Nhiều chuyến bay kéo dài tới 17 tiếng, nên các phi công khó có thể chịu đựng
việc ngồi chung với người mình không ưa.

Giải pháp khác với những phi công không ưa nhau là một quy định có tên “Sterile Cockpit Rule”. Theo đó, các phi công không được trao đổi bất cứ điều gì ngoài những việc thiết yếu liên quan đến chuyến bay khi máy bay ở độ cao dưới 3.048 m, để đảm bảo sự tập trung tối đa trong buồng lái. Vì vậy, ít nhất những cuộc trò chuyện không vui vẻ của họ bị hạn chế vì độ cao.

Nguồn: news.zing.vn

Hàng không “đốt” trăm tỉ vì phải bay vòng chờ ở Tân Sơn Nhất

Mỗi chuyến bay đi/đến từ Tân Sơn Nhất vào khung giờ đẹp phải chờ 15-30 phút, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách mà còn “đốt” tiền của các hãng hàng không nội địa.

Máy bay xếp hàng ở đường lăn chờ cất cánh tại Tân Sơn Nhất. Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết năm 2016, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất đã làm tăng giờ bay thực tế so với kế hoạch khoảng 1.392 giờ, đẩy chi phí khai thác của hãng tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng.

Tình trạng này vẫn không được cải thiện trong năm 2017 vì nhà chức trách hàng không đã có dự kiến cuối năm sẽ tiến hành các đợt sửa chữa, nâng cấp tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Theo đó, giới hạn khai thác ở sân bay Nội Bài có thể chỉ bằng khoảng 70% so với hiện tại, tức là chỉ được tiếp nhận 22-24 chuyến bay/giờ thay vì tần suất 35 chuyến/giờ như hiện tại. Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng giảm năng lực tiếp nhận 40-42 chuyến/giờ xuống còn 28-30 chuyến/giờ.

Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2017, Vietnam Airlines và các hãng hàng không nội địa khác dự kiến phải giảm tối thiểu 15% tổng số chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất trong giờ bay ban ngày.

Không nêu con số thiệt hại cụ thể nhưng hãng hàng không Vietjet Air cũng đánh giá cơ sở hạ tầng tại sân bay và kiểm soát không lưu tại Việt Nam hiện còn những hạn chế. Mọi sự chậm trễ trong việc nâng cao năng lực khai thác ở các sân bay có thể ảnh hưởng đến khả năng tối đa hóa hiệu suất sử dụng máy bay, tăng thời gian quay vòng máy bay và có thể ảnh hưởng bất lợi đến kết quả tài chính của hãng. Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Vietjet là duy trì hiệu suất sử dụng máy bay hàng ngày cao, tạo thêm doanh thu từ máy bay. Thời gian quay đầu tại sân bay càng ngắn thì hiệu quả khai thác càng cao và ngược lại.

Lý giải vấn đề này, một phi công cho biết cơ trưởng là người ra quyết định số lượng dầu cấp cho máy bay trong phạm vi định mức của hãng. Trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng đánh giá thấy có khả năng phải bay vòng chờ hoặc chậm khởi hành thì phải lấy thêm dầu dự phòng. “Đốt” thêm nhiên liệu đồng nghĩa với việc tăng chi phí đầu vào, trong khi đó nguồn thu có thể giảm nếu số dầu lấy thêm lớn đến mức phải giảm sản lượng hành khách và hàng hoá trên chuyến bay. Trung bình mỗi ngày, một máy bay có lịch khai thác 4 chuyến nội địa. Nếu một chuyến phải vòng chờ quá lâu trên trời sẽ làm chậm giờ của chuyến tiếp theo. Đây là một trong những lý do khiến khách hàng ở sân bay thường nhận được thông báo của hãng hàng không “trễ chuyến vì máy bay về muộn”.

Nguồn: cafef.vn

Tiêu chuẩn khắt khe của tiếp viên hàng không: cao và xinh chưa đủ

Một số hãng hàng không lớn trên thế giới đưa ra khá nhiều tiêu chuẩn khắt khe với đội ngũ tiếp viên phi hành đoàn. Theo đó, yếu tố ngoại hình như cao và xinh là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Đội ngũ phi hành đoàn của nhiều hãng hàng không trên thế giới được đánh giá cao vì sự chuyên nghiệp, ngoại hình hấp dẫn, lịch sự. Để trở thành một tiếp viên đáp ứng yêu cầu của hãng, nhiều người phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt với những nguyên tắc khắt khe. Không chỉ đảm bảo yếu tố ngoại hình, họ còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để có thể làm việc trong môi trường đặc thù, khác hẳn những ngành nghề khác.

Chiều cao

Mỗi hãng hàng không đều đưa ra những tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng nhất định với đội ngũ phi hành đoàn. Ví dụ, hãng Qatar Airways quy định, các tiếp viên khi kiễng chân phải có tầm với tối thiểu 2,13m để xử lý hành lý trong khoang chứa. Trong khi đó, hãng bay Emirates lại yêu cầu thấp hơn.

Qatar Airways quy định nghiêm ngặt về chiều cao của tiếp viên
Qatar Airways quy định nghiêm ngặt về chiều cao của tiếp viên

Hãng Ryanair đưa ra tiêu chuẩn với phi hành đoàn có chiều cao hợp lý với cân nặng, từ 1,58m tới 1,8m.

Cân nặng

Đội ngũ nhân viên làm việc cho hãng hàng không Malaysia Airlines cần có chỉ số BMI (Chỉ số khối cơ thể) đạt ngưỡng 22-25 với nữ giới, và 25-28 với nam giới.

Bất cứ tiếp viên nào có chỉ số nằm ngoài tiêu chuẩn này sẽ phải nghỉ phép trong vòng 2 tuần để giảm cân. Đều đặn 2 tháng một lần, đội ngũ phi hành đoàn đều phải kiểm tra số đo.

Thị lực

Tiếp viên của AirAsia phải đảm bảo thị lực tốt
Tiếp viên của AirAsia phải đảm bảo thị lực tốt

Hãng hàng không giá rẻ AirAsia yêu cầu các ứng viên phi hành đoàn phải đạt thị lực xuất sắc. Tuy nhiên, các ứng viên thi tuyển vẫn có thể đeo kính áp tròng nếu cần thiết, nhưng họ bắt buộc không đeo kính có gọng.

Đào tạo tăng cường

Tiếp viên hãng hàng không TAM Airlines của Brazil được đào tạo nghiêm ngặt về kỹ năng sinh tồn
Tiếp viên hãng hàng không TAM Airlines của Brazil được đào tạo nghiêm ngặt về kỹ năng sinh tồn

Hãng hàng không TAM của Brazil yêu cầu tất cả các tiếp viên đều phải trải qua khóa đào tạo tăng cường để rèn luyện kỹ năng sinh tồn tại rừng rậm Amazon. Với hãng, điều này rất quan trọng khi hơn 1 nửa diện tích Brazil được bao phủ bởi rừng nhiệt đới.

Họ chuẩn bị sẵn cho tiếp viên mọi khả năng xấu nhất xảy ra khi máy bay hạ cánh khẩn cấp ở nơi dày đặc cây cối. Trên thực tế, chính phủ Brazil yêu cầu tất cả các hãng hàng không trong nước đều yêu cầu tiếp viên trải qua các khóa huấn luyện này.

Tiếp viên của TAM thậm chí còn được đào tạo cả phương pháp dùng các mảnh vỡ máy bay để dựng một nhà vệ sinh tạm thời.

Sức khỏe

Hãng West Jet yêu cầu phi hành đoàn của họ phải nâng được vật nặng chừng 22 kg từ sàn nhà tới thắt lưng và 10 kg phía trên đầu.

Khả năng bơi lội

Những ứng viên nộp đơn vào hãng EasyJet cần đảm bảo có thể đi bộ dưới nước ngập quá vai ít nhất 1 phút. Trong khi đó, hãng Ryanair yêu cầu tiếp viên của mình “đều biết bơi lội”.

Sức khỏe tổng quát

Hãng Alaska Airlines yêu cầu ứng viên nộp đơn không dùng nicotine ít nhất trong 6 tháng trước khi ứng tuyển.

Ngoại hình

Đội ngũ tiếp viên của Virgin Atlantic phải dự khóa học tại cơ sở hàng không của hãng tại Crawley, gần sân bay Gatwick, tìm hiểu về những quy định nghiêm ngặt về diện mạo khi xuất hiện, bao gồm cả cách trang điểm tối thiểu.

Các hãng hàng không Anh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng về ngoại hình của đội ngũ tiếp viên. Họ yêu cầu về trang phục khắt khe, thậm chí sơn móng tay phải là màu đỏ hoặc rất nhạt.

Malaysia Airlines yêu cầu phụ nữ mặc trang điểm để phù hợp với trang phục, sử dụng tối thiểu 3 màu phấn mắt. Nữ tiếp viên của hãng hàng không Emirates dùng màu sơn móng tay theo quy định, màu sắc tương đương với màu son môi hoặc màu mũ đồng phục.

Nguồn: dantri.com.vn