Đây có lẽ là trang phục tiếp viên hàng không xa xỉ nhất từ trước đến giờ

Hãng hàng không Hải Nam vừa hợp tác với một thương hiệu Haute Couture để mang đến cho đội ngũ nhân viên của mình những bộ đồng phục vô cùng sang xịn.

Đội ngũ tiếp viên được coi là bộ mặt của một hãng hàng không, do đó không lạ khi khoản đồng phục luôn được các hãng chú trọng. Đồng phục của nhân viên hàng không thường được thiết kế kỹ lưỡng để vừa đảm bảo được tính chuyên nghiệp mà lại vừa đẹp mắt, phản ánh được hình ảnh mà hãng hàng không muốn hướng đến. Mặc dù phần lớn các hãng hàng không cao cấp đều không tiếc tiền của để đầu tư vào đồng phục của tiếp viên nhưng chịu chơi đến mức đặt cả thiết kế Haute Couture cho dàn nhân viên trai xinh gái đẹp thì có lẽ chỉ có mỗi Hainan Airlines – Hãng hàng không Hải Nam, TQ.

Đây chính là đồng phục mới của Hainan Airlines, những thiết kế haute couture của Laurence Xu.

Vừa qua, Hainan Airlines đã “chơi lớn” khi hợp tác với Laurence Xu, NTK Haute Couture nổi tiếng nhất nhì TQ và cũng là một trong số ít những NTK của nước này từng tham dự Tuần lễ thời trang Haute Couture Paris. Theo đó, Laurence Xu đã sáng tạo riêng cho Hainan Airlines những bộ đồng phục vô cùng sang xịn pha trộn hài hòa văn hóa Trung Hoa với âm hưởng Tây phương.

Trong đó đồng phục cho tiếp viên nữ được lấy cảm hứng từ xường xám, trang phục truyền thống nổi tiếng của người Hoa và được diện cùng với blazer rất kiểu cách nhưng vẫn không kém phần tinh tế. Ngoài set đồ này, tiếp viên nữ còn có thêm một chiếc áo choàng dáng cape vô cùng sang trọng, đẳng cấp để diện khi trời lạnh. Đồng phục của tiếp viên nam có phần đơn giản hơn, bao gồm suit và áo măng tô màu ghi lịch thiệp.


Những thiết kế đồng phục mà Laurence Xu thực hiện riêng cho Hainan Airlines cũng vừa được giới thiệu trong BST Haute Couture mà NTK này vừa ra mắt tại Tuần lễ thời trang Haute Couture Paris Thu 2017 mới đây.

Đồng phục của Hainan Airlines được trình diễn trong show Laurence Xu thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Haute Couture Paris Thu 2017.



Đây có lẽ là lần đầu tiên đồng phục của một hãng hàng không được ra mắt trong một show diễn Haute Couture tầm cỡ.

Được biết, lý do Hainan Airlines đầu tư “khủng” cho đồng phục nhân viên là để nâng tầm hình ảnh của hãng và cũng là để phục vụ cho mục tiêu vươn ra thế giới của hãng hàng không này. ‘Chúng tôi không chỉ đơn thuần tạo ra một bộ đồng phục mới mà còn là để thể hiện hình ảnh quốc tế của Hainan Airlines. Đặc biệt là trên những chặng bay quốc tế, chúng tôi muốn các hành khách biết rằng TQ rất hiện đại và trendy’ – XuFei, giám đốc thương hiệu của Hainan Airlines chia sẻ.

Các tiếp viên của Hainan Airlines rạng rỡ trong bộ đồng phục sang xịn.
Nguồn: gotit.cool

Doanh nghiệp cho thuê nhà kho, chỗ đậu máy bay thu tiền tỷ mỗi ngày

Trung bình cứ 10 đồng doanh thu thì Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn thu về 5,5 đồng lợi nhuận trước thuế.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) vừa được giao dịch trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 12/7, cổ phiếu SCS đã tăng tối đa 40% lên 72.800 đồng một cổ phiếu, đồng thời đưa vốn hóa của doanh nghiệp này lên gần 3.400 tỷ.

Cung cấp dịch vụ tại các sân bay, vốn chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp có thể tiếp cận, được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” trong bối cảnh ngành hàng không đang phát triển nhanh, với khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp hiện tại.

Hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đỗ xe, năm 2016 SCSC đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 1,4 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ, với biên lợi nhuận 55%.

doanh-nghiep-cho-thue-nha-kho-cho-dau-may-bay-thu-tien-ty-moi-ngay

Cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng là 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn.

Hàng không đang trở thành một lĩnh vực phát triển nhanh vượt qua nhiều loại hình khác trong thời gian gần đây, không chỉ trong vận chuyển hành khách mà còn cả lĩnh vực hàng hóa.

Là lĩnh vực kinh doanh “béo bở”, nhưng thị trường cung cấp dịch vụ tại hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ có sự hiện diện một số công ty như Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn, Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội… Trong số này, riêng Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn là công ty duy nhất được Cục Hàng không công nhận là nhà ga hàng hóa (Air Cargo Terminal).

Được triển khai từ tháng 6/2009 và hoàn thành vào cuối năm 2010, dự án Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất là dự án trọng điểm của SCSC có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được bố trí phía Tây Nam ga hành khách với diện tích 143.000 m2, trong đó chia làm 3 khu vực: sân đậu máy bay (hơn 52.400 m2), nhà ga hàng hóa (26.670 m2) và khu vực nhà kho, nhà đậu xe, công trình phụ trợ (64.000 m2).

Với công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn, khai thác nhà ga hàng hóa là lĩnh vực kinh doanh đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho SCSC trong những năm gần đây. Năm 2016, hoạt động này đem về hơn 455 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng doanh thu, với biên lợi nhuận đạt gần 73%.

Lợi thế của SCSC là giá vốn rất thấp chỉ chiếm hơn 27%, khả năng mở rộng hoạt động và sự hỗ trợ của các cổ đông lớn, đều là những doanh nghiệp nắm thị phần cao trong lĩnh vực logistics.

Trong bản cáo bạch mới công bố, doanh nghiệp này cũng cho biết đã có 23 hãng hàng không là khách hàng trong tổng số 45 hãng hàng không có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có những hãng lớn như Lufthansa, Cargolux, Singapore Airlines, Cathay Pacific…

Hiện tại cơ cấu cổ đông của SCSC gồm 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 55% vốn điều lệ và hơn 1.200 cổ đông khác. Trong đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty cổ phần Gemadept là 2 cổ đông lớn nhất sở hữu lần lượt 14,05% và 34,55% vốn của SCSC.

Nguồn: vnexpress.net