Hãng hàng không Emirates kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Được biết, từ ngày 2/7/2017, hãng hàng không Emirates thuộc các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sẽ chính thức khai thác đường bay thẳng nối trục Hà Nội – Dubai và đồng thời, đánh dấu 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, ông Haitham Al Battawy, Tổng giám đốc Emirates Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Dân trí.


Ông Haitham Al Battawy, Tổng giám đốc Emirates Việt Nam

Ông Haitham Al Battawy, Tổng giám đốc Emirates Việt Nam

Hiện diện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, thưa ông, 5 năm qua, hãng hàng không Emirates đã đạt được những kết quả như thế nào?

-Ngày 4/6/2012, Emirates mở chuyến bay hàng ngày đầu tiên nối TP HCM và Dubai. Gần một năm sau đó, chúng tôi bắt đầu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa Dubai và Hà Nội. Tháng 8/2016, Emirates bắt đầu khai trương chặng bay hàng ngày giữa Hà Nội và Dubai với một điểm dừng tại Yangon – Myanmar.

Ngày 1/7/2017 tới đánh dấu bước chuyển mới trong kế hoạch mở rộng mạng lưới của chúng tôi tới thị trường châu Á, cụ thể là Việt Nam bằng việc mở chuyến bay thẳng nối Hà Nội – Dubai, bỏ qua điểm chuyển tiếp tại Yangon (Myanmar). Thông qua trung tâm ở Dubai, tham vọng của chúng tôi là kết nối hành khách đi từ Việt Nam với mạng lưới toàn cầu rộng khắp tại khu vực Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, Mỹ và Nam Á. Theo đó, chuyến bay thẳng đầu tiên nối Hà Nội – Dubai sẽ mang số hiệu EK395 với hai hạng vé phổ thông và thương gia, khởi hành lúc 1h30 sáng và đến nơi lúc 5h05 cùng ngày giờ địa phương. Các chuyến bay đều sử dụng tàu bay B777-300ER.

Tôi rất ấn tượng về sự tăng trưởng của đội ngũ nhân viên Emirates Việt Nam song hành cùng kế hoạch phát triển, đặt nền móng tại thị trường Việt Nam.

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh vô cùng khốc liệt với hơn 50 hãng quốc tế và 4 hãng nội địa đang hoạt động. Tại sao, Emirates lại quyết định mở đường bay thẳng tới Việt Nam vào thời điểm tháng 7/2017 thưa ông?

-Việc khai thác đường bay thẳng Dubai – Hà Nội đã nằm trong kế hoạch được tính toán thận trọng kể từ khi chúng tôi mở đường bay tới TP HCM lần đầu tiên năm 2012. Khi quyết định khai thác chính thức vào tháng 7/2017, chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu giao thương giữa 2 nước và nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam. Chặng bay từ Dubai tới TP HCM và chặng bay Dubai – Hà Nội nối chuyến tại Yangon (Myanmar) sau một thời gian khai thác cũng ghi nhận được kết quả rất khả quan.

Kể từ khi chuyến bay đầu tiên của Emirates cất cánh tới Việt Nam, nhìn lại 5 năm qua, ông đánh giá như thế nào về thị trường hàng không Việt?

-Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt khoảng 59 triệu lượt khách và khoảng 1,6 triệu tấn hàng hóa đến năm 2019. Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện có hơn 9.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Dubai. Từ điểm này, hành khách có thể di chuyển tới 39 điểm đến tại châu Âu với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày.

Với thị trường tiềm năng như vậy, chúng tôi kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa Việt Nam với kiều bào đang làm việc và sinh sống tại khu vực Âu – Mỹ, cũng như khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thông qua hai tuyến đường bay thẳng hàng ngày nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với Dubai.

Một lý do nữa khiến chúng tôi tin tưởng vào thị trường Việt Nam đó là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân đang tăng trưởng với tốc độ hai con số. Nhiều đánh giá cho thấy, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia), với mức tăng trưởng hấp dẫn, khoảng 8,2%.


Emirates là hãng hàng không lớn nhất khu vực Trung Đông

Emirates là hãng hàng không lớn nhất khu vực Trung Đông

Ông có thể cho biết kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của Emerates so với các hãng hàng không khác tại thị trường Việt Nam?

Là hãng hàng không lớn nhất khu vực Trung Đông, Emirates có trụ sở chính đặt tại Dubai, UAE, vận hành hơn 3.600 chuyến bay mỗi tuần đến hơn 156 thành phố, 83 quốc gia trên khắp 6 châu lục.

Hiện tại, Emirates là hãng hàng không duy nhất trên thế giới khai thác dịch vụ bay với một đội máy bay gồm toàn máy bay thân rộng, bao gồm 95 chiếc A380 và 138 chiếc Boeing 777. Trong tương lai, Emirates còn đang đặt hàng 217 máy bay mới trị giá hơn 108 tỷ đôla.

Khi bay cùng chúng tôi, khách hàng có thể tận hưởng những dịch vụ đẳng cấp thế giới trên suốt hành trình di chuyển, như hệ thống giải trí gồm hơn 2.500 kênh theo yêu cầu với những bộ phim mới nhất, các chương trình TV từ khắp mọi nơi trên thế giới cũng như Việt Nam. Đặc biệt, Emirates trang bị màn hình lớn 13,3 inch tại ghế ngồi trong khoang hạng phổ thông.

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các gói dịch vụ dành riêng cho các gia đình có con nhỏ. Đội ngũ tiếp viên hàng không đa quốc tịch đến từ 135 quốc gia có thể nói được hơn 60 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt luôn sẵn sàng phục vụ hành khách. Hơn nữa, chúng tôi rất chú tâm tới gu ẩm thực, sở thích cá nhân của hành khách để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Emirates luôn đặt khách hàng làm trung tâm cho tất cả hoạt động của hãng và chúng tôi cố gắng để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất có thể tại mỗi điểm đến, mỗi ngày, trên toàn thế giới. Emirates liên tục đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ cả mặt đất và trên không.

Kế hoạch khai thác chặng bay thẳng từ Dubai tới Hà Nội được triển khai như thế nào (giá vé, đại lý bán vé, book các tour du lịch)?

-Trên chuyến bay thẳng nối Hà Nội và Dubai, hành khách có thể tiết kiệm được khoảng 2 giờ 40 phút thời gian di chuyển, cũng như có thể kết nối trực tiếp tới hơn trên 150 điểm đến toàn cầu thông qua Dubai. Với các chuyến bay thẳng hàng ngày, chúng tôi mong muốn hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển thương mại và du lịch tại khu vực miền Bắc Việt Nam, nơi tập trung nguồn vốn quốc doanh.

Vì lý do đó, chúng tôi muốn đem lại phương thức tiếp cận thuận tiện nhất cho khách hàng khi họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Emirates. Họ có thể vào trang web chính thức của chúng tôi tại www.emirates.com , hoặc tới các Văn phòng đại diện của Emirates hay liên hệ với các đại lý du lịch. Khách hàng được tự do lựa chọn cách nào tiện lợi nhất với họ.

Trải nghiệm khách hàng luôn là trọng tâm hàng đầu trong hoạt động của chúng tôi. Giá vé của chúng tôi được các đại lý du lịch và khách hàng đánh giá là rất cạnh tranh. Chúng tôi còn cam kết cung cấp cho khách hàng dịch vụ xuất sắc và các mức giá vé hợp lý. Giống như các hãng hàng không khác, Emirates cung cấp nhiều loại giá vé trong suốt năm tùy thuộc vào thị trường. Chúng tôi luôn có chương trình giá vé đặc biệt tới các điểm đến cụ thể và các mức giá khuyến mãi hấp dẫn tại cổng thông tin www.emirates.com trong suốt cả năm.

Kế hoạch trong tương lai gần của Emirates sau khi đường bay thẳng nối Dubai và Hà Nội đi vào hoạt động là gì?

-Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi trong thời gian sắp tới là củng cố vị trí thương hiệu tại Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hơn nữa nhằm thu hút hành khách lựa chọn Emirates. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn hướng tới mục tiêu dài hạn của hãng, đó là mong muốn mang đến cho khách hàng hình ảnh một hãng hàng không quốc tế, một Emirates đa văn hóa, hiện đại, sáng tạo với trọng tâm là chất lượng và dịch vụ đẳng cấp.

Nguồn: dantri.com.vn

Hốt bạc từ máy bay cũ

Ở nước Anh có một nơi nhiều máy bay được đưa đến để xử lý khi hết hạn sử dụng. Đó là một căn cứ cũ của không lực hoàng gia, nằm trong địa hạt Gloucestershire ở miền Tây Nam, lọt giữa vùng nông thôn của Anh.

Chiếc máy bay “về hưu” có những bộ phận có giá trị bất ngờ và đôi lúc ta còn có thể tìm được thứ tài sản khác thường nào đó bị thất lạc, chẳng hạn chiếc ví có chứa 600 USD của viên cơ trưởng mất cách nay gần 1 thập kỷ. “Các động cơ và các bộ phận có giá trị cao hơn khi được tháo gỡ hơn là cố bán nó như là một phần của cỗ máy biết bay” – ông Mark Gregory, nhà sáng lập Công ty Air Salvage International, chuyên tháo dỡ các máy bay hành khách không còn sử dụng nữa tại khu vực nói trên.

Hốt bạc từ máy bay cũ - Ảnh 1.

Đội ngũ Công ty Air Salvage International tháo gỡ từng bộ phận chiếc máy bay “nghỉ hưu”

Ảnh: BBC

Mỗi năm, khoảng 50-60 máy bay hành khách thực hiện chuyến bay cuối cùng đến đó. Khi máy bay hạ cánh, cựu kỹ sư hàng không Gregory và đội ngũ của ông bắt tay tháo gỡ mọi bộ phận. “Khoảng 80%-90% giá trị của một chiếc máy bay nằm ở trong các động cơ. Khi tháo gỡ động cơ xong, chúng tôi mới đụng đến các bộ phận có giá trị khác ở phần khung máy bay” – ông Gregory cho biết. Quá trình này mất khoảng 8 tuần đối với loại máy bay thân hẹp như Boeing 737 hoặc Airbus A320. Đối với những máy bay khổng lồ Boeing 747 hoặc 777, thời gian xử lý phải mất đến 10-15 tuần.

Tuy nhiên, việc rút hết nhiên liệu vào một bể chứa lớn là thao tác phải làm trước khi tháo gỡ bất cứ bộ phận nào. Sau đó, người ta sử dụng các cần trục để tháo rời các động cơ ra trước khi bơm vào đó một chất bảo quản lỏng. Kế tiếp, người ta bọc kỹ động cơ lại bằng nhựa dẻo trong lúc nó chờ đợi một “bến đỗ” mới.

Đây là công việc hái ra tiền. Mỗi động cơ lấy từ chiếc Boeing 777 20 tuổi có thể đem về khoảng 2,35 triệu bảng. Thị trường có nhu cầu cao về những động cơ cũ này. Chúng thường được tái sử dụng trên chiếc máy bay “trẻ” hơn hoặc được hãng hàng không mua về để thay thế động cơ bị hư hỏng. Giá một động cơ mới cho chiếc Boeing 777 có thể lên tới 24 triệu bảng.

Các bộ phận có giá trị khác của phần khung máy bay gồm: thiết bị hạ cánh, bộ phận năng lượng phụ trợ (là một tuốc-bin ở phía sau máy bay có tác dụng cung cấp năng lượng cho các hệ thống điện), một số thiết bị điện tử hàng không, hệ thống điều hòa không khí và cầu trượt thoát hiểm. “Cuối cùng, chỉ còn lại thân máy bay. Chúng tôi có thể bán nhiều bộ phận trên sàn máy bay cho các trường huấn luyện bay. Thậm chí có những người muốn mua cửa máy bay và ghế ngồi trên máy bay” – ông Gregory nói thêm với đài BBC.

Thị trường ghế máy bay đã qua sử dụng cũng phát triển mạnh – ghế hạng phổ thông giá vài trăm bảng, còn ghế khoang hạng nhất trị giá hàng ngàn bảng. Người ta mua về để hỗ trợ công tác huấn luyện tiếp viên hàng không, sử dụng trong phòng chiếu phim hoặc do đam mê kỳ lạ của người nào đó.

Khắp thế giới, khoảng 400-600 máy bay thương mại được tháo rời mỗi năm, tạo ra khoảng 30.000 tấn nhôm, 1.800 tấn hợp kim, 1.000 tấn sợi carbon và 600 tấn các bộ phận khác. Con số này có thể còn tăng khi theo Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), có đến 18.000 máy bay nhiều khả năng “về hưu” trong vòng 13 năm tới, dẫn đến thách thức không nhỏ trong việc xử lý chúng.

Nguồn: nld.com.vn